Cần công bằng hơn với thịt lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp

Trên thực tế, người tiêu dùng thích chọn thịt lợn nuôi bằng phụ phẩm nông nghiệp hơn là thịt lợn nuôi trong các trang trại dùng thức ăn công nghiệp.

Người tiêu dùng lâu nay thường quan niệm lợn sạch là lợn chỉ ăn phụ phẩm nông nghiệp, nuôi chậm lớn nên chắc thịt, hương vị thơm ngon còn lợn nuôi trong các trang trại, sử dụng thức ăn công nghiệp (gọi chung là lợn cám công nghiệp) thịt có mùi tanh, ăn không thơm ngon. Như vậy có phần thiếu công bằng với thịt lợn cám công nghiệp, làm giảm sức tiêu thụ thịt lợn và ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nghề chăn nuôi.


Công bằng mà nói, không ít chủ trang trại vì hám lợi đã đưa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi nhằm tăng sức đề kháng, phòng trừ bệnh dịch, kích thích tăng trưởng và tạo nạc cho lợn của mình. Một số nhà sản xuất cám công nghiệp cũng đưa chất cấm vào sản phẩm của mình để người chăn nuôi thấy chất lượng và hiệu quả hơn mà lựa chọn sản phẩm để tăng sản lượng, tăng doanh thu và lợi nhuận... Thịt lợn nuôi bằng thức ăn có chất cấm không thể thơm ngon và an toàn cho người sử dụng đã và đang là vấn nạn hiện nay. Tuy nhiên, không phải hãng cám nào, người chăn nuôi nào cũng nhắm mắt làm liều như vậy.

Đặc biệt, với sự vào cuộc rất quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi tập trung và cả thịt lợn bán tại các cửa hàng và siêu thị, vấn đề “chất cấm trong chăn nuôi” đã giảm dần, dù chưa thể khẳng định 100% thịt lợn trong các trang trại đều an toàn cho người sử dụng, nhưng nhìn chung đại đa số thịt lợn nuôi bằng cám công nghiệp (nhất là các loại cám có thương hiệu lớn) thì chất lượng thịt chắc chắn đảm bảo.

Nói một các đơn giản là, con giống thuần chủng, phòng trừ dịch bệnh tốt, uống nước sạch, ăn thức ăn có nguồn gốc đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng... thì thịt lợn trang trại phải là thịt đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngược lại, với lợn nuôi trong các trang trại, sử dụng thức ăn công nghiệp, lợn nuôi bằng phụ phẩm nông nghiệp chưa đảm bảo về nguồn giống, sử dụng thức ăn không rõ nguồn gốc, ít hoặc không được tiêm phòng dịch bệnh, nuôi trong thời gian kéo dài 2 đến 3 năm... kiểu chăn nuôi quảng canh như vậy sẽ không hiệu quả kinh tế và thịt rất có thể đã nhiễm bệnh, ít nhất là giun sán và không thể nói là thực phẩm có nguồn gốc và an toàn.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn ngoảnh mặt với thịt lợn trang trại, chỉ lựa chọn thịt lợn nuôi phụ phẩm nông nghiệp và coi đó là nguồn thực phẩm sạch; không ít cuộc vui còn mổ lợn “cắp nách”, làm nộm, làm tái, tiết canh để ăn mà không thấy được mức độ nguy hiểm.

Từ thực tế trên cho thấy, chúng ta cần công bằng hơn với thịt lợn nuôi trong các trang trại sử dụng thức ăn công nghiệp. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý thật nghiêm minh những hãng cám, những người sản xuất, cung cấp và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Với những hộ dân ở vùng cao, duy trì nghề chăn nuôi theo lối truyền thống với sản phẩm lợn “cắp nách” cần có chuồng trại cẩn thận, sử dụng nguồn thức ăn, nước uống sạch, phải tiêm phòng đầy đủ, nhất là tẩy giun sán... giúp cho lợn khỏe mạnh, mau lớn, thịt thơm ngon nhưng không dịch bệnh để cung cấp cho người tiêu dùng.

Công bằng hơn với thịt lợn nuôi trong các trang trại, sử dụng thức ăn công nghiệp, có giải pháp quản lý chặt chẽ, bài trừ tận gốc chất cấm trong chăn nuôi và hướng dẫn nông dân vùng sâu, vùng xa nuôi lợn đúng quy trình, đảm bảo thịt lợn không nhiễm bệnh... nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển và cùng nói không với thực phẩm bẩn.

Nguồn: Báo Yên Bái