Truy xuất nguồn gốc: Niềm tin cho khách hàng

Thực phẩm của Mavin đã được biết đến rộng rãi trên thị trường với đặc điểm “Sạch từ nguồn” và khả năng có thể truy xuất được nguồn gốc. Vậy truy xuất nguồn gốc (TXNG) là gì và vì sao lại là một yếu tố quan trọng gây dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của Mavin? 

Kiến thức nền tảng về TXNG

Theo định nghĩa ngắn gọn, TXNG là giải pháp cho phép người tiêu dùng trực tiếp dễ dàng thu thập thông tin ngược dòng từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, giúp người tiêu dùng nhận được thông tin xác thực về sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.

Tại nhiều nước phát triển, truy xuất nguồn gốc là một yếu tố bắt buộc và quan trọng trong sản xuất thực phẩm. Các Quốc gia thuộc Liên Minh Châu Âu đã đưa truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bắt buộc đối với các nước thành viên từ ngày 1.1.2005. Tại Mỹ, theo một khảo sát tại hội chợ của Hiệp hội nhà hàng quốc gia (NRA) năm nay, có tới một nửa khách hàng tham gia hội chợ quan tâm tới các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc. Các hệ thống siêu thị bán lẻ ở Anh cũng đang tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc trong nỗ lực nâng cao sự phát triển bền vững. Tại Canada, hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng trên các trang trại nuôi lợn và cừu cũng được ủng hộ. Có thể thấy, bước đầu tiên để làm nên một sản phẩm tạo được sự tin tưởng từ người tiêu dùng là nguồn gốc sản phẩm đảm bảo từ khâu sản xuất đến đóng gói và xuất xưởng.

Nhiều người tiêu dùng lầm tưởng rằng thực phẩm “Made in USA” nghĩa là nguồn gốc “trăm phần trăm” từ USA. Trên thực tế, đây chỉ là nơi sản xuất – đóng gói, còn nguyên liệu tạo nên thành phẩm có thể đến từ bất cứ quốc gia nào và thông tin này thường không xuất hiện trên bao bì. Nhưng khi áp dụng TXNG, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác, mọi thông tin sản phẩm sẽ được minh bạch đến người tiêu dùng từ nguồn nguyên liệu, được trồng trọt hay chăn nuôi thế nào, có sử dụng phân bón hóa học hay chất kháng sinh không, thời gian thu hoạch, điều kiện bảo quản, dây chuyền sản xuất hay khâu kiểm định chất lượng…

Các thông tin trên sẽ được người tiêu dùng “chủ động” truy xuất bằng chính mã số trên mỗi sản phẩm, nhờ áp dụng hệ thống hiện đại. Do đó, không những người tiêu dùng mà các nhà bán lẻ cũng yên tâm hơn và cảm thấy dễ kiểm soát các rủi ro phát sinh hơn nếu theo dõi và xác minh được toàn bộ đường đi của sản phẩm.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Việt Nam

Tại Việt Nam, vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang là vấn đề thời sự, được sự tham gia quyết liệt của nhiều địa phương, doanh nghiệp. Vấn đề này cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của những người tiêu dùng thông thái. Những thực phẩm đã có thể truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ QR code, vòng seal bảo vệ,… gồm heo, thủy sản, rau củ và mới đây là thịt gia cầm và trứng gia cầm.

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sẽ làm tăng chi phí nhưng là điều cần thiết để bảo vệ uy tín và danh tiếng của doanh nghiệp. Đối với Mavin, dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang được triển khai, từ khâu chăn nuôi tới các sản phẩm hoàn thiện, trong đó có các sản phẩm “Ready to Cook” (thịt sạch) mà Mavin sẽ ra mắt trong thời gian tới, như một lời khẳng định về chất lượng sản phẩm của Mavin.

Truy xuất nguồn gốc trên thế giới Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối.  
Điều 18, tiêu chuẩn EC 178/2002 quy định: Truy xuất nguồn gốc có nghĩa là khả năng tìm ra nguồn gốc một loại thực phẩm, thức ăn gia súc, động vật sản xuất thực phẩm hoặc một hợp chất muốn bổ sung vào thực phẩm hoặc thức ăn gia súc, thông qua các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối.
Từ năm 2005, Liên minh Châu Âu truy xuất nguồn gốc là quy định bắt buộc cho các nước thành viên.
Hệ thống siêu thị bán lẻ ở Anh cũng tăng cường hệ thống kiểm định này.
Tháng 1/2011, Hoa Kỳ ban hành Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA - Food Safety Modernization Act), trong đó: yêu cầu tăng cường theo dõi, truy vết, lưu trữ hồ sơ đối với thực phẩm nguy cơ cao.
Ireland, Canada quy định nghiêm ngặt về việc dán nhãn mác, nhận diện sản phẩm, cơ sở sản xuất. 
Ở Ấn Độ, từ năm 2006, các nhà sản xuất, chế biến nho đã thiết lập và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử GrapeNet. 
Từ năm 2010, Thái Lan ban hành chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử để nông dân vào đăng ký dùng miễn phí, do Văn phòng quốc gia về tiêu chuẩn nông sản và thực phẩm (ACFS-The National Bureau of Agricultural Commodity and Food Standards) tập huấn và hỗ trợ. Tất cả các sản phẩm chuối nải, chuối quả, sầu riêng quả bán ở cửa hàng rau quả nhỏ ở Thái Lan cũng được dán mã QR. Nhờ đó, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng cho người nông dân.