1.1. Tác nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn dạng sợi có tên là Flavobacterium columnare. Bệnh do vi khuẩn này gây ra được gọi với nhiều tên khác nhau như: wool disease, saddleback disease, guppy disease, or cotton mouth disease.
1.2. Phân bố và lan truyền
- Phân bố: Hiện nay, F. columnare đã được báo cáo xuất hiện trên toàn cầu.
- Lan truyền: Lan truyền theo chiều ngang, lây nhiễm giữa cá bệnh sang cá khỏe thông qua tiếp xúc hoặc nguồn nước.
- Đối tượng: Hầu hết các đối tượng cá nước ngọt đều mẫm cảm với F. columnare.
- Giai đoạn: Xuất hiện ở tất cả các giai đoạn phát triển của ĐVTS, nhưng giai đoạn con non dễ mẫn cảm hơn.
- Cơ quan đích: Mang, vây và thân cá và đầu thận.
- Mùa vụ: Dịch bệnh thường xảy ra khi nhiệt độ trên 20oC, tuy nhiên đã có báo cáo ghi nhận vi khuẩn này gây bệnh ở cá hồi khi nhiệt độ nước chỉ ở khoảng 12-15oC.
1.3. Tỉ lệ gây chết: Bệnh này có thể gây ra tỉ lệ chết rất cao, thường dao động từ 60 – 90%.
1.4. Dấu hiệu điển hình
- Dấu hiệu ban đầu là cá kém ăn hoặc bỏ ăn, lờ đờ/ hôn mê và tập trung gần mặt nước (bám thành lồng) [hình 1].
- Các dấu hiệu lâm sàng thể hiện trên thân rất dễ nhận biết, bao gồm: trên thân xuất hiện các đốm mất sắc tố, da bị ăn mòn, mất nhớt (hiện tượng ăn mòn trên da thường xuất hiện xung quanh vây lưng/ đuôi sau đó lan rộng thành các khoang rộng); một số trường hợp miệng cá trông giống như bị sây sát, hoại tử [hình 2A]; vây sơ và bị hoại tử; Mang bị hoại tử, xuất hiện các đốm mầu trắng đến nâu hoặc vàng bưởi sự hiện diện của số lượng lớn tập đoàn vi khuẩn tại vị trí tổn thương [hình 2B]. Một số trường hợp bệnh nặng, có thể quan sát được hiện tượng mắt mờ đục như có lớp màng che lại [hình 2C].
- Nội tạng hầu như không bị tác động, trong một số trường hợp vi khuẩn có thể tấn công phía đầu thận [hình 3].
Lưu ý:
Một số bệnh do vi khuẩn thường xảy ra đồng thời với bệnh thối mang/ vây như bệnh viêm ruột do vi khuẩn Aeromonas spp và vi khuẩn Edwardsiella sp. Vì vậy khi kiểm tra bệnh cần xác định được tác nhân gây bệnh chính để có giải pháp xử lý tốt nhất.
1.5. Phương pháp kiểm soát dịch bệnh
Phương pháp phòng bệnh: Thực hiện nghiêm túc Biện pháp phòng bệnh tổng hợp, bao gồm:
(1) luôn luôn giữ ổn định môi trường nuôi;
(2) thực hiện công tác tăng cường sức đề kháng cho cá trong suốt chu kỳ nuôi;
(3) luôn luôn ngăn ngừa, loại trừ các nguồn mang mầm bệnh vào mô hình nuôi.
Lưu ý:
- Thực hiện triệt để công tác an toàn sinh học trong chăn nuôi;
- Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng vitamin, Beta-glucan…;
- Giảm thiểu tối đa các hiện tượng sốc do môi trường, do đánh bắt và vận chuyển cá… hoặc sốc do mật độ nuôi cao;
- Thực hiện công tác phòng ký sinh trùng định kỳ (vì Ngoại KST là tác nhân mở cửa cho các mầm bệnh như vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào cơ thể cá).
Phương pháp xử lý ao/ lồng cá bị bệnh:
(1) Loại bỏ ngay những con bị bệnh (cá yếu/ chết) trong ao/ lồng;
(2) Tăng cường cung cấp oxy cho hệ thống nuôi (bật quạt nước/ sục khí…);
(3) Dùng hóa chất khử trùng ao nuôi 2 3 lần (thực hiện theo khuyến cáo của tùy từng sản phẩm);
(4) Đối với mô hình nuôi lồng: Nếu phát hiện sớm chỉ cần sử dụng hóa chất để kiểm soát dịch bệnh bằng phương pháp ngâm và treo túi hóa chất;
(5) Trong trường hợp cá bị bệnh nặng cần kết hợp giữa việc phun/ ngâm hóa chất với cho cá ăn sản phẩm trị bệnh (kháng sinh);
(6) Đối với ao nuôi, sau khi kết thúc dùng hóa chất sát khuẩn được 05 ngày, sử dụng men vi sinh đáy để tạo lại hệ vi sinh có lợi cho ao nuôi.
Lưu ý: Cần xác định chính xác tác nhân gây bệnh chính để có hướng xử lý tốt nhất.
Tác giả:TS. Đoàn Quốc Khánh - GĐ DVKTTS Tập đoàn Mavin