Bệnh xuất huyết do vi rút mùa Xuân ở cá chép

Tác nhân gây bệnh
Bệnh xuất huyết do vi rút mùa Xuân ở cá chép là bệnh mà tác nhân gây bệnh là Rhabdovirus có nhân là RNA, thuộc họ Rhabdoviridae. Vi rút này có thể tồn tại ở bề mặt bùn đáy ao trong vòng 4 ngày ở nhiệt độ 10oC, đặc biệt chúng có thể tồn tại trên 6 tuần trong bùn đáy ao khi nhiệt độ ở mức 4oC. 

Phân bố và lan truyền
- Phân bố:  Bắt nguồn từ châu Âu, do đó một thời gian dài bệnh này chỉ được phát hiện ở các nước châu Âu. Hiện nay, SVCD được xác định ở hầu hết các nước có cá chép tự nhiên hoặc có nuôi cá chép thương phẩm có khí hậu lạnh, trong đó có Việt Nam.
- Lan truyền:  Dịch bệnh thường lan truyền theo chiều ngang, vi rút thường xâm nhập và gây bệnh thông qua mang cá, sau đó nhanh chóng nhân rộng và gây hại ở cơ quan nội tạng như gan, thận, lách và đường tiêu hóa. Mầm bệnh cũng được xác định xâm nhập vào cơ thể cá thông qua vectors truyền bệnh là ký sinh trùng hoặc thức ăn tự nhiên.
- Đối tượng:  Vi rút chỉ gây hại đối với các loài thuộc họ cá chép: cá Chép (Cyprinus carpio carpio) and cá KOI (Cyprinus carpio koi), cá Diếc (Carassius carassius), cá Mè Trắng (Hypophthalmichthys molitrix), cá Mè hoa (Aristichthys nobilis), Cá Trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella), goldfish (Carassius auratus), và một số loài như orfe (Leuciscus idus), tench (Tinca tinca) và bream (Abramis brama).
- Giai đoạn: Vi rút có thể gây bệnh ở tất cả các giai đoạn phát triển, tuy nhiên, cá dưới 1 tuổi được đánh giá là thường bị mẫn cảm nhất.
- Cơ quan đích: Mầm bệnh tấn công chủ yếu vào gan và thận, ngoài ra chúng cũng tấn công vào lách, não bộ, đường tiêu hóa và mang cá.
- Mùa vụ: Dịch bệnh xảy ra khi nhiệt độ nước dao động từ 10 – 22oC, tuy nhiên khoảng nhiệt độ mà dịch bệnh thường xảy ra nhất nằm trong khoảng từ 11 – 17oC.

Tỉ lệ gây chết
Tỉ lệ chết của cá ở giai đoạn cá dưới 1 tuổi thường trên 30%, đặc biệt tỉ lệ cá chết có thể lên tới 100%.

Dấu hiệu điển hình
Các dấu hiệu của cá bị bệnh SVCD có thể biểu hiện các dấu hiệu sau:
- Cá có hiện tượng giảm tốc độ hô hấp; mất cân bằng (cá nằm nghiêng ở đáy bể hoặc
ao, bơi lên khi giật mình và sau đó trở lại đáy); tụ tập ở những nơi nước chảy chậm hoặc gần bờ ao;
- Mắt có thể lồi; xuất huyết trên da (bề mặt cơ thể bụng), mắt và vây; Mang nhợt nhạt; chấm xuất huyết ở mang, (hình 1);

- Lỗ hậu môn sưng có dịch nhầy (trắng đến hơi vàng); chướng bụng (hình 2);

- Xuất huyết ở các cơ quan nội tạng; Bóng hơi có hiện tượng viêm và xẹp 1 ngăn; Lá lách to; và ruột chứa nhiều chất nhầy (hình 3).


Lưu ý:
- Các tác nhân thứ cấp như vi khuẩn và ký sinh trùng có thể gây bệnh và làm chúng ta thường tập chung vào những dấu hiệu thứ cấp này mà uên đi dấu hiệu của bệnh SVC;
- Nhiệt độ là một trong những thông tin rất quan trọng để xác định cá nhiễm SVC.

Tác giả: TS. Đoàn Quốc Khánh - GĐ DVKTTS Tập đoàn Mavin