Phòng, chống dịch bệnh động vật sau mưa lũ

Ngày 20/10, Bộ NN&PTNT có công văn số 7264/BNN-TY do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký ban hành gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổng vệ sinh, sát trùng, phòng, chống dịch bệnh động vật sau mưa, lũ.

Trước diễn biến bất thường, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng của thời tiết hiện nay và có khả năng xảy ra trong thời gian tới tại các tỉnh miền Trung, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.

Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực để chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật, chuẩn bị khôi phục sản xuất.

Trong đó, chú trọng hướng dẫn người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ động kiểm tra, gia cố chuồng nuôi, cơ sở nuôi thủy sản bảo đảm chắc chắn để phòng, chống bão, lụt. Có giải pháp ứng phó trong các trường hợp xảy ra úng ngập, cần di dời đàn vật nuôi đến vị trí không bị úng ngập, giải pháp giữ ấm cho đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết mưa, lạnh kéo dài.

Hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống phù hợp với từng đối tượng nuôi, đồng thời bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho đàn vật nuôi. Tổ chức thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho gia súc, gia cầm theo đúng quy định.

Khi nước rút phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Có phương án hỗ trợ khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Chủ động triển khai công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như: Dịch tả hưo Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh,...

Tuyên truyền, hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định, không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.

Tại Quảng Nam, Quảng Trị

Đợt mưa lũ lớn vừa qua tại Quảng Nam có hơn 700 con gia súc, hơn 150.000 con gia cầm bị chết do mưa lũ.

Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Quảng Trị có 5.862 con gia súc các loại bị chết, cuốn trôi; 547.868 con gia cầm các loại bị chết.

Để chủ động triển khai các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả mưa lũ và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh động vật sau mưa lũ, Sở NN&PTNT hai tỉnh trên đã gấp rút chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị, thành phố xuống cơ sở để hướng dẫn bà con biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.

Kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ, xử lý tốt môi trường, xây dựng phương án chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm để hạn chế tối đa thiệt hại và ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh.

Tiến hành rà soát, tổng hợp thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, gửi Sở NN&PTNT tổng hợp để tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ hỗ trợ.

Ngành chức năng khuyến cáo: Khi nước rút người dân cần thực hiện vệ sinh cơ giới trước khi phun hóa chất sát trùng. Nước rút đến đâu quét dọn, vệ sinh chuồng trại, bãi chăn, thu gom rác thải đến đó. Tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong nền chuồng và bãi chăn thả.

Tổ chức quét dọn, thu gom toàn bộ bùn, đất, phân, chất thải, rác thải tại khu vực chuồng nuôi gia súc, gia cầm và khu vực tiếp giáp xung quanh, rắc vôi, đóng vào bao kín để gọn một nơi, đào hố ủ làm phân, đảm bảo vệ sinh môi trường. Sửa chữa, cải tạo chuồng trại bị hư hỏng do bão và ngập nước. Nạo vét, dọn bùn đất, khơi thông cống rãnh bên trong chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Đặt túi vôi bột tại các rãnh thoát nước. Cọ rửa sạch sẽ bề mặt nền chuồng, tường chuồng, dụng cụ chăn nuôi trước khi phun thuốc sát trùng.

Sử dụng các loại hóa chất thông dụng để phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh bằng các loại hóa chất như Navet-Iodine hoặc Benkocid bằng cách: Pha 20 - 50 ml hóa chất nói trên trong 10 lít nước sạch; 1 lít dung dịch pha phun  3 - 5 m2 nền chuồng nuôi.

Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc Hantox-200 để phun diệt ruồi, muỗi tại khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh để tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh. Để chuồng nuôi khô ráo, sạch sẽ mới đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi.

Với những gia súc có biểu hiện rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh đường hô hấp thì phải cách ly và điều trị kịp thời. Mở bạt chuồng nuôi để cho ánh nắng chiếu sáng vào khu vực chuồng để tăng hiệu quả diện khuẩn. Định kỳ 1 - 2 lần/1 tuần thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi để chủ động phòng dịch.

Theo: Tạp chí Người Chăn nuôi