Bệnh nấm mang do Branchiomyces

Tác nhân gây bệnh
Bệnh nấm mang được gây ra bởi 2 loài thuộc giống nấm Branchiomyces, gồm B. sanguinis (có đường kính sợi nấm dao động từ 13-14 µm) và B. demigrans (có đường kính dao động từ 12-17 µm).

Phân bố và lan truyền
- Phân bố: Dịch bệnh thường xảy ra ở những vùng lãnh thổ có thời tiết ấm áp, trong đó có Việt Nam. Nhiệt độ nước là một yếu tố đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc bùng phát dịch bệnh do Branchiomyces cùng với yếu tố hữu cơ trong nước và hàm lượng nitơ trong môi trường nuôi.
- Lan truyền: Lây nhiễm theo trục ngang từ cá thể này sang cá thể khác thông qua tiếp xúc hoặc môi trường nước, đặc biệt đối với những mô hình nuôi cá với mật độ cao.
- Đối tượng:  Bệnh nấm mang có thể xẩy ra với hầu hết các loài cá nước ngọt.
- Giai đoạn: Có thể xảy ra ở tất cả các giai đoạn cá nuôi, tuy nhiên thiệt hại lớn thường xảy ra với cá dưới 1 năm tuổi.
- Cơ quan đích: Mang cá.
- Mùa vụ: Bệnh xảy ra khi nhiệt độ nước nằm trong khoảng từ 14 – 35oC, tuy nhiên bệnh thường xảy ra khi nhiêt độ nước trên 20oC.

Tỉ lệ gây chết: Tỉ lệ gây chết có thể lên tới 50%, và tỉ lệ nhiễm bệnh có thể đạt đỉnh là 100% trong thời gian ngắn.

Dấu hiệu lâm sàng
Thể cấp tính [hình 1]: 
- Ảnh hưởng trực tiếp đến sinh lý hô hấp cúa cá: cá bị bệnh ở thể cấp tính thường có các dấu hiệu như suy hô hấp, trạng thái lờ đờ, hôn mê (có thể bắt cá bang tay), bỏ ăn, tập trung sát mặt nước, bám lồng hoặc gần bờ, gần nơi có dòng chảy hoặc máy quạt nước sau đó thì chết;
- Mang cá chết bị tắc nghẽn nghiêm trọng và có màu đỏ tươi hoặc đỏ nâu đậm.

 

Thể bán cấp tính [hình 2]:
- Xuất hiện vân cẩm thạch trên các khu vực khác nhau của mang;
- Mang bị thiếu máu cục bộ, rách và bị ăn mòn;
- Có hiện tượng bong tróc của một số phiến mang.

 

 Thể mãn tính [hình 3]:
- Mang xuất hiện các vùng mất sắc tố (nhợt nhạt) và/ hoặc màu xám đục;
- Các phiến mang sưng và dính vào nhau và cùng với hiện tượng xuất huyết dạng kết dính ở biểu mô mang;
- Hoại tử nhẹ đến trung bình của các phiến mang.

Phương pháp kiểm soát dịch bệnh
Phương pháp phòng bệnh: Thực hiện nghiêm túc Biện pháp phòng bệnh tổng hợp, bao gồm: 
(1) luôn luôn giữ ổn định môi trường nuôi; 
(2) thực hiện công tác tăng cường sức đề kháng cho cá trong suốt chu kỳ nuôi; 
(3) luôn luôn ngăn ngừa, loại trừ các nguồn mang mầm bệnh vào mô hình nuôi.

Lưu ý:
- Thực hiện triệt để công tác an toàn sinh học trong chăn nuôi;
- Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng vitamin, Beta-glucan…;
- Giảm thiểu tối đa các hiện tượng sốc do môi trường, do đánh bắt và vận chuyển cá… hoặc sốc do mật độ nuôi cao;
- Thực hiện công tác phòng ký sinh trùng định kỳ (vì Ngoại KST là tác nhân mở cửa cho các mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể cá);
- Thả nuôi với mật độ vừa phải.

Phương pháp xử lý ao/ lồng cá bị bệnh:
(1) Loại bỏ ngay những con bị bệnh (cá yếu/ chết) trong ao/ lồng;
(2) Tăng cường cung cấp oxy cho hệ thống nuôi (bật quạt nước…);
(3) Dùng hóa chất khử trùng ao nuôi 2  3 lần (thực hiện theo khuyến cáo của tùy từng sản phẩm);
(4) Đối với mô hình nuôi lồng: Nếu phát hiện sớm chỉ cần sử dụng hóa chất để kiểm soát dịch bệnh bằng phương pháp ngâm và treo túi hóa chất;
(5) Trong trường hợp cá bị bệnh nặng cần kết hợp giữa việc phun/ ngâm hóa chất với cho cá ăn sản phẩm trị bệnh nấm;
(6) Đối với ao nuôi, sau khi kết thúc dùng hóa chất sát khuẩn được 05 ngày, sử dụng men vi sinh đáy để tạo lại hệ vi sinh có lợi cho ao nuôi.
Lưu ý: Cần xác định chính xác tác nhân gây bệnh chính để có hướng xử lý tốt nhất. 

Tác giả:TS. Đoàn Quốc Khánh - GĐ DVKTTS Tập đoàn Mavin