Tình hình chăn nuôi cả nước tháng 11/2017

Tình hình chung

Theo Bộ NN&PTNT, đàn trâu, bò cả nước trong tháng 11/2017 nhìn chung không có biến động lớn. Theo kết quả sơ bộ điều tra chăn nuôi kỳ 01/10/2017 của Tổng cục Thống kê, đàn trâu cả nước có 2,49 triệu con, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2016; đàn bò có 5,6 triệu con, tăng 2,6%. Tình hình chăn nuôi lợn vẫn gặp khó khăn, thị trường tiêu thụ trong tháng chưa có nhiều chuyển biến tích cực, giá bán sản phẩm vẫn ở mức thấp khiến quy mô đàn tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Ước tính đàn lợn cả nước có 27,3 triệu con, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Chăn nuôi trâu, bò: Đàn trâu, bò cả nước trong tháng nhìn chung không có biến động lớn. Trong tháng các ổ dịch lở mồm long móng xảy ra trong phạm vi nhỏ lẻ ở một số tỉnh nhưng vẫn cần những biện pháp phòng dịch và kiểm soát vận chuyển nghiêm túc để tránh nguy cơ mầm bệnh phát sinh tại các vùng khác. Theo kết quả sơ bộ điều tra chăn nuôi kỳ 01/10/2017 của Tổng cục Thống kê, đàn trâu cả nước có 2,49 triệu con, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2016; đàn bò có 5,6 triệu con, tăng 2,6%.

Chăn nuôi lợn: Thị trường tiêu thụ trong tháng chưa có nhiều chuyển biến tích cực, giá bán sản phẩm vẫn ở mức thấp khiến quy mô đàn tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Nhiều hộ chăn nuôi hiện nay phải kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp và thức ăn thô hộ tự sản xuất, nhằm tiết kiệm một phần chi phí trong chăn nuôi. Theo kết quả sơ bộ điều tra chăn nuôi kỳ 01/10/2017, đàn lợn cả nước có 27,3 triệu con, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Chăn nuôi gia cầm:
Đàn gia cầm cả nước nhìn chung tiếp tục phát triển ổn định. Tuy vậy trong tháng, thời tiết mưa nắng xen kẽ dễ làm phát sinh các loại dịch bệnh ở gia cầm nên công tác phòng chống dịch bệnh cho các loại vật nuôi vẫn cần quan tâm và theo dõi chặt chẽ. Theo kết quả sơ bộ điều tra chăn nuôi kỳ 01/10/2017, đàn gia cầm cả nước ước có 385,2 triệu con, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Chế biến thịt gia súc, gia cầm: Các cơ sở giết mổ, chế biến thịt qui mô công nghiệp chỉ sử dụng được khoảng 30% công suất. Các công ty đang tăng cường liên kết chuỗi trong chăn nuôi, chế biến để xuất khẩu thịt an toàn, đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu (thịt lợn, thịt gà). Việc kiểm soát chất lượng thịt tại cơ sở giết mổ đang gặp khó khăn để cung cấp cho thị trường các thành phố lớn (tiêm thuốc an thần cho heo; khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm).
 
Tình hình dịch bệnh
 
Hiện nay, cả nước có 04 ổ dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày tại xã (Gia Phố, Phú Phong, Hương Xuân) thuộc huyện Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh và 01 ổ dịch tại xã Quảng Điền huyện Krông Ana tỉnh Đắk Lắk.

Thị trường chăn nuôi trong nước
 
Giá lợn hơi trên địa bàn cả nước tháng qua biến động tăng nhẹ 1.000 – 2.000 đ/kg phổ biến trong khoảng 27.000 – 30.000 đ/kg so với tháng trước. Tuy nhiên, mức giá này đã giảm từ 2.000 – 4.000 đ/kg so với hồi tháng 9/2017. Tại khu vực phía Bắc, các tỉnh đang có giá lợn hơi cao nhất là Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang với giá từ 28.000 – 30.000 đ/kg. Tại các tỉnh như Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nam…, giá lợn hơi hiện khoảng 27.000 đ/kg. Tại thị trường Đồng Nai – thủ phủ chăn nuôi lợn, gà lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ, giá lợn loại 1 hiện đang duy trì từ 29.000 – 30.000 đ/kg, tuy nhiên lợn thường thì chỉ đạt mức 26.000 – 27.000 đ/kg, giảm khoảng 2.000 – 4.000 đ/kg so với hồi tháng 9/2017.
 
Giá thu mua gà thịt lông trắng khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL biến động tăng do nhu cầu tiêu dùng khởi sắc: giá tăng 6.000 – 7.000 đ/kg lên 29.000 – 30.000 đ/kg so với tháng 10/2017. Tuy nhiên, giá gà thịt lông màu tại 2 khu vực lại giảm 5.000 – 6.000 đ/kg xuống mức 33.000 – 35.000 đ/kg so với tháng trước do nhu cầu tiêu thụ đang chậm lại. Giá trứng gà tăng 300 – 350 đ/quả lên 1.750 – 1.800 đ/quả; giá trứng vịt tăng 200 đ/quả lên 2.100 – 2.200 đ/quả.
 
Nguồn: Chăn nuôi Việt Nam