Ghi nhận trên phạm vi cả nước, tháng 11 giá lợn hơi tính đến ngày hôm nay 4.12 biến động tăng nhẹ 1.000 – 2.000 đồng/kg, phổ biến trong khoảng 27.000 – 30.000 đ/kg so với tháng 10. Trong khi đó, theo một thống kê của Cục Chăn nuôi, đàn lợn cả nước hiện giảm còn 27,3 triệu con, tức giảm 4 triệu con so với lúc cao điểm. Song vì sao, giá lợn vân không tăng?
Theo kết quả điều tra sơ bộ của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tháng 10.2017, đàn lợn cả nước có 27,3 triệu con, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2016 và giảm khoảng 4 triệu con so với thời điểm cao điểm nhất.
Thị trường tiêu thụ trong tháng 11 chưa có nhiều chuyển biến tích cực, giá bán vẫn ở mức thấp khiến quy mô đàn tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Nhiều hộ chăn nuôi hiện nay phải kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp và thức ăn thô tự sản xuất, nhằm tiết kiệm một phần chi phí trong chăn nuôi.
Giá lợn hơi trên địa bàn cả nước tháng 11 biến động tăng nhẹ 1.000 – 2.000 đồng/kg; phổ biến trong khoảng 27.000 – 30.000 đồng/kg so với tháng trước. Tuy nhiên, mức giá này đã giảm từ 2.000 – 4.000 đồng/kg so với hồi tháng 9.
Tại khu vực phía Bắc, nơi có giá lợn hơi cao nhất là Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang với giá từ 28.000 – 30.000 đồng/kg. Tại Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nam… giá lợn hơi hiện khoảng 27.000 đ/kg.
Tại thị trường Đồng Nai – thủ phủ chăn nuôi lợn, gà lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ, lợn loại 1 hiện có giá từ 29.000 – 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên lợn thường thì chỉ đạt mức 26.000 – 27.000 đồng/kg, giảm khoảng 2.000 – 4.000 đ/kg so với hồi tháng 9.
Tuy nhiên, ông Ngô Thanh Tùng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thống Nhất cho rằng không có nhiều lợn đạt được mức giá 29.000 – 30.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại huyện này chỉ 26.000– 27.000 đồng/kg chứ không hơn.
Nhưng ông Tùng cũng đồng ý rằng: “Thức ăn và thuốc thú y đang chiếm phần lớn trong cơ cấu giá thành. Công chăm sóc của hộ nuôi chỉ chiếm 10% trong khi có nhiều mặt hàng thuốc thú y tăng gấp nhiều lần”.
Theo ông Minh, thức ăn chăn nuôi lợn trong giai đoạn này hầu như không giảm giá mà chỉ giảm nhẹ qua các chương trình khuyến mãi. “Thay vì sốt ruột ngóng chờ vào biểu giá từng ngày, nhiều hộ dân và THT đang gấp rút tìm mọi cách để giảm giá thành chăn nuôi xuống”, ông Minh chia sẻ.
Ông Minh cho rằng nếu có thêm sự hỗ trợ của chính quyền, liên kết chăn nuôi sạch trong THT hiện vẫn là cách làm bền vững trong tương lai. Muốn giá bán cao và ổn định, nông hộ phải tìm cách nâng cao năng suất từ chất lượng thịt đến truy xuất nguồn gốc.
“Quan trọng hơn, nông hộ phải liên kết để tự xây dựng lò giết mổ, tự tiêu thụ, tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình chứ không qua trung gian”, ông Minh chia sẻ.
Nguồn: Báo Dân Việt (http://danviet.vn/nha-nong/gia-lon-heo-hom-nay-412-cuc-chan-nuoi-cong-bo-dan-lon-giam-con-273-trieu-con-vi-sao-gia-van-khong-tang-827770.html)