Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản lượng thịt lợn hơi của Việt Nam năm 2017 ước đạt 2,75 triệu tấn. Tuy nhiên, đến nay mới có tám cơ sở xuất khẩu thịt lợn, với sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm. Kết quả nêu trên quá khiêm tốn so với tiềm năng, mà nguyên nhân một phần là do sản phẩm chưa bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Những năm qua, Việt Nam là nước cung cấp thịt lợn hơi cho Trung Quốc mỗi khi thị trường này thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, Hiệp hội chăn nuôi Ðồng Nai cho biết, lượng lợn hơi mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là theo đường tiểu ngạch với số lượng không ổn định, còn xuất theo chính ngạch phần lớn là lợn sữa, lợn choai đông lạnh. Mới đây, các doanh nghiệp của Nhật Bản, Nga và một số nước Ðông Âu có nhu cầu nhập khẩu các loại thịt từ Việt Nam, nhất là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc đang tìm đến Việt Nam qua con đường chính ngạch với những đơn hàng mua hàng nghìn tấn thịt lợn bao tiêu cả năm thông qua các công ty chuyên tư vấn xuất khẩu. Ðây thật sự là tín hiệu vui đối với ngành chăn nuôi lợn. Song, theo nhận định của các chuyên gia, việc xuất khẩu thịt lợn vẫn còn nhiều trở ngại, nhất là về vấn đề an toàn dịch bệnh (ATDB).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trong đó đáng chú ý là công tác xây dựng cơ sở, vùng ATDB thuộc Ðề án 441 giai đoạn 2015 - 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) được triển khai thí điểm ở Nam Ðịnh, Thái Bình, nhưng đến nay kết quả không đạt như mong muốn. Hiện hai địa phương này chưa xây dựng xong vùng ATDB theo mục tiêu đề ra. Nếu không có vùng ATDB thì Việt Nam khó nghĩ đến chuyện xuất khẩu thịt, vì đây là một trong những yêu cầu bắt buộc của các nước nhập khẩu thịt trên thế giới. Tiếp đến là quy định về an toàn thú y, thịt lợn Việt Nam khó xuất khẩu sang các thị trường khó tính mặc dù nhu cầu nhập khẩu thịt của các nước đó là rất lớn. Nguyên nhân do vấn đề chất lượng thịt, chăn nuôi lợn nước ta vẫn "phải sống chung" với dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng chưa hoàn toàn kiểm soát được. Rồi vấn đề truy xuất nguồn gốc thịt lợn vẫn chưa đạt yêu cầu, quy trình giết mổ, đông lạnh của các công ty gần như chưa đáp ứng các tiêu chuẩn do các nước đặt ra. Thêm nữa, giá thành chăn nuôi, chi phí nhân công của nước ta cao hơn các nước khác... kéo theo giá sản phẩm cũng cao hơn.
Trong khi đó, theo ông Văn Ðức Mười (chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi), để ngành chăn nuôi nước ta xây dựng được vùng kiểm dịch an toàn, có quy trình giết mổ, đông lạnh tốt phải mất khoảng 18 tháng mới có thể đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, muộn vẫn còn hơn không, Trung Quốc vốn là thị trường dễ tính nhưng giờ đã khác, yêu cầu chất lượng, vấn đề dịch bệnh được đặt lên hàng đầu, buộc ngành chăn nuôi phải thay đổi.
Ðại sứ Hà Lan tại Việt Nam N.Tru-xtơ chia sẻ, Hà Lan cũng như các nước EU đều có quy định thống nhất về việc nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt giữa các nước thành viên và Ủy ban châu Âu là đối tác đàm phán duy nhất với tất cả các nước ngoài EU về các điều kiện nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật. Theo đó, EU yêu cầu tất cả sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao giống như đối với sản phẩm của các nước thành viên EU, không chỉ về mặt vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà còn liên quan đến tiêu chí ATDB động vật của EU.
Theo Thứ trưởng NN và PTNT Vũ Văn Tám, hiện nay, Bộ đã đưa một số mặt hàng chăn nuôi (thịt lợn và trứng gia cầm...) vào danh mục xuất khẩu, vào các chương trình đàm phán cấp cao với một số nước để sớm mở cửa xuất khẩu tại các thị trường như: Trung Quốc, Xin-ga-po, Ô-xtrây-li-a... Bộ NN và PTNT cũng đã kết hợp cùng các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn, từng bước giúp doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, vừa góp phần giúp người chăn nuôi gia tăng được lợi nhuận.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định thêm: Cơ hội xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sắp tới có triển vọng vì chúng ta đã ký được hiệp định thương mại với một số nước. Bên cạnh đó, nước ta đang trong quá trình tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng giảm giá thành, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và nhất là bảo đảm an toàn vệ sinh dịch bệnh. Rào cản thương mại đã được mở, vấn đề còn lại là đáp ứng rào cản kỹ thuật, chăn nuôi ATDB và an toàn thực phẩm. Muốn làm được đòi hỏi chúng ta phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm. Hy vọng tới đây, sau xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản, ngành chăn nuôi tiếp tục có những thay đổi cần thiết, hợp lý để thịt lợn và các sản phẩm chăn nuôi khác sẽ chinh phục được các thị trường khó tính.
Nguồn: Báo Nhân dân