Tăng nhanh
Theo Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT), đến năm 2016 cả nước có hơn 230 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, với sản lượng 23,5 triệu tấn. Trong đó có 71 doanh nghiệp FDI và 147 doanh nghiệp Việt. Nửa đầu năm 2017, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu khoảng trên 1,8 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương, ngô sáu tháng qua đều tăng, trong đó đậu tương đạt 796 nghìn tấn và 350 triệu USD, ngô đạt 3,53 triệu tấn và 710 triệu USD. Thị trường lớn nhất cung cấp thức ăn chăn nuôi cho Việt Nam là Nam Mỹ chiếm 43,9% thị phần, Mỹ 11,1%; Ấn Độ 5,2%…
Sự phát triển ngày càng lớn của ngành chăn nuôi đã kéo theo sự phát triển của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, năm 2010 sản lượng thức ăn gia súc, gia cầm công nghiệp là gần 10,6 triệu tấn thì, năm 2016 đã đạt trên 23,5 triệu tấn.
Về quy định quản lý, Việt Nam đã có Nghị định số 39/2017-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi thủy sản, nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2017. Trong đó, nghị định có đưa ra điều kiện lưu hành sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủ tục kiểm tra nhà nước đối với sản phẩm này.
Ngoài ra, Việt Nam đã xây dựng và có quy định về sử dụng kháng sinh, hóa chất trong thức ăn chăn nuôi, gia súc gia cầm với danh mục các chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, danh mục kháng sinh kích thích tăng trưởng được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, quy định sử dụng kháng sinh phòng, trị bệnh trong thức ăn chăn nuôi...
Tất cả những quy định này của Việt Nam nhằm kiểm soát tốt quá trình sản xuất, giảm thiểu rủi ro liên quan đến thức ăn chăn nuôi đối với sức khỏe người tiêu dùng – đại diện Cục Chăn nuôi khẳng định.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, hiện Việt Nam vẫn không ít cơ sở chạy theo lợi nhuận mà sản xuất thức ăn chăn nuôi chưa đạt yêu cầu chất lượng, thậm chí có nơi còn trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi. Do đó, để có sản phẩm thức ăn chăn nuôi không tồn dư kháng sinh, không có chất gây hại cần sự chung tay của cả phía nhà nước và doanh nghiệp.
Giải pháp
Theo bà Marion Bordier - Nghiên cứu sinh của Bộ Nông nghiệp Pháp - việc sản xuất thức ăn chăn nuôi không kiểm soát chặt chẽ sẽ hàm chứa rủi ro cho quá trình chăn nuôi sau đó.
Theo đó, một số chất gây ô nhiễm trong sản phẩm này sẽ gây hại cho sức khỏe người sử dụng cuối cùng, thông qua thực phẩm từ những vật nuôi sử dụng thức ăn chăn nuôi không đảm bảo.
Những chất này gồm kim loại nặng, thuốc trừ sâu, dư lượng kháng sinh, gen kháng thuốc... Khi tồn dư trong thức ăn chăn nuôi sẽ chuyển hóa vào thịt vật nuôi và qua đó có một số tác động lên sức khỏe con người như gây ung thư, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản...
Quan điểm này được nhiều chuyên gia Pháp và Việt Nam tán đồng, chia sẻ. Theo đó, nếu việc sản xuất thức ăn chăn nuôi không được kiểm soát chặt chẽ sẽ có một số chất gây ô nhiễm trong sản phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe, đe dọa tới sự bền vững của sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và môi trường.
Do đó, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần xác định cách thức tổ chức hệ thống giám sát chất gây ô nhiễm trong thức ăn chăn nuôi, nhằm qua đó bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng ngay từ “đầu vào” của quá trình chăn nuôi cung cấp thực phẩm tươi sống.
Thuyết trình tại hội thảo, bà Marion Bordier đề xuất phương án cụ thể xử lý vấn đề này. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, các cơ quan chức năng tại Việt Nam phải tổ chức bộ máy để đảm bảo giám sát được mức độ ô nhiễm, theo dõi xu hướng, xác định sớm rủi ro. Về phía cơ quan chức năng phải phát hiện các hành vi lạm dụng hoăc làm giả các chất không được phép sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Về tổ chức hệ thống giám sát, bà Marion Bordier khuyến cáo nhà nước phải đưa ra quy định, tiêu chuẩn sát thực hơn và thường xuyên tổ chức đánh giá rủi ro... Qua đó tiến hành thu thập dữ liệu về mức độ ô nhiễm trong thức ăn chăn nuôi. Đồng thời phải tiến hành nghiên cứu về khả năng tiếp xúc với động vật với người tiêu dùng, qua đó phát hiện các nguy cơ tiềm tàng và xác định các biện pháp giảm thiểu rủi ro phù hợp, dựa trên bằng chứng khoa học.
Theo kinh nghiệm về vấn đề này tại Pháp, Tổng Cục Thực phẩm - DGAL (thuộc Bộ Nông nghiệp) và Tổng cục về Chính sách cạnh tranh, Người tiêu dùng và kiểm soát gian lận - DGCCRF (thuộc Bộ Tài chính) có sự điều phối với nhau. Mục tiêu là để kiểm soát quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi và lựa chọn các phương án lồng ghép vào chương trình giám sát chính thức, phân loại chất gây ô nhiễm dựa trên tác động lên sức khỏe con người, vật nuôi, tác động lên môi trường...
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có chương trình phối hợp với Hiệp hội chuyên nghiệp của các doanh nghiệp sản xuất sản xuất thức ăn chăn nuôi, và chương trình tự giám sát chung để sản phẩm được an toàn nhất trước khi bán trên thị trường. Và đây có thể là mô hình kiểm soát chéo mà Việt Nam có thể tham khảo học tập, áp dụng – bà Marion Bordier giới thiệu.
Nguồn: Báo Viettimes