Nông sản sạch cần chuỗi khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”

Theo Bộ NNPTNT, mô hình những cánh đồng lúa sạch đã bắt đầu hình thành và bước đầu thu về những thành quả đáng khích lệ. Bên cạnh đó, những mô hình chăn nuôi khép kín, chăn nuôi organic đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng và doanh nghiệp tham gia.

Trồng lúa sạch, chinh phục người tiêu dùng

“Tham vọng” của Bộ NNPTNT là vựa lúa khu vực ĐBSCL sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu từ mô hình trồng lúa sạch tại các địa phương. Theo Bộ NNPTNT, tại Cần Thơ, sản xuất lúa vẫn là ngành trọng điểm trong cơ cấu nông nghiệp của TP.Cần Thơ với gần 88.000ha đất trồng lúa, chiếm trên 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; sản lượng hàng năm đạt khoảng 1,4 triệu tấn.

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Giám đốc Sở NNPTNT Cần Thơ cho biết: Việc hình thành cánh đồng lớn sản xuất (SX) lúa sạch được chứng nhận như là giấy thông hành đáp ứng theo yêu cầu DN và đảm bảo tăng lợi nhuận cho nông dân. Nông dân sẽ tự tin SX nâng cao chất lượng lúa gạo là để tăng sức cạnh tranh với sản phẩm mang nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ” (được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận từ tháng 5.2017) trên thị trường trong nước và quốc tế. Hiện nay, TP Cần Thơ đặt mục tiêu xây dựng vùng SX lúa hàng hóa tập trung, tạo nền tảng để phát triển chuỗi SX lúa gạo bền vững.

Cần Thơ xây dựng và ban hành các tiêu chí về quy chuẩn SX lúa sạch làm cơ sở công nhận; hình thành mối liên kết SX và tiêu thụ giữa HTX và DN; hỗ trợ nông dân SX ổn định gắn với mục tiêu cơ giới hóa, hiện đại hóa. Thời gian thực hiện từ tháng 12.2017 đến 3.2018.

Hiện tại, Cần Thơ có 93 mô hình cánh đồng lớn, phát triển cánh đồng lớn 19.000ha/vụ, tăng 48 lần so năm 2011 (năm đầu tiên với 400ha) và hiện có 17/22 DN bao tiêu lúa cuối vụ trên tổng diện tích hơn 13.400ha, chiếm hơn 52% diện tích cánh đồng lớn...

Tại Gia Lai, Cty TNHH Ba Chăm Gia Lai được chấp thuận triển khai xây dựng dự án cánh đồng lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây lúa Ba Chăm trên địa bàn xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang). Đắc Trôi là địa bàn duy nhất có giống lúa Ba Chăm, được bà con dân tộc BahNar canh tác theo phương thức chọc trỉa. Cây lúa từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch hết thời gian 8 tháng, hoàn toàn không bón bất kỳ một loại phân bón nào. Chính vì vậy nên dù năng suất thấp, nhưng chất lượng gạo Ba Chăm là hoàn toàn sạch, với hàm lượng dinh dưỡng cao, rất phù hợp cho người già và trẻ em khi sử dụng.

Việc triển khai cánh đồng lớn cho cây lúa Ba Chăm, ngoài việc nâng cao năng suất, chất lượng của hạt lúa, còn có tác dụng đẩy thương hiệu đến với đông đảo người tiêu dùng, giúp nông dân nơi đây ổn định sản xuất, đảm bảo đầu ra không bị ép giá, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tại Quảng Trị, đã có 13 hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác trồng trên diện tích 89,7ha lúa sạch hữu cơ. Vì vậy, Sở NNPTNT Quảng Trị đã kêu gọi doanh nghiệp xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng.

Khép kín quy trình chăn nuôi

Trong kế hoạch cơ cấu lại ngành chăn nuôi, thì mô hình chăn nuôi khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”, hoạt động chăn nuôi và giết mổ, chăn nuôi tại hệ thống các trang trại chăn nuôi khép kín đạt tiêu chuẩn quốc tế. Gia súc được giết mổ theo phương pháp gây mê bằng điện. Sau giết mổ, thịt gia súc sau khi pha lọc được bảo quản mát và được vận chuyển đến điểm bán bằng xe lạnh, đảm bảo thịt gia súc an toàn đến tận tay khách hàng.

Trong các mô hình chăn nuôi an toàn, trang trại thịt heo sạch của Mavin được cung cấp bởi chính hệ thống công ty của Tập đoàn Mavin, từ khâu chọn giống, thức ăn chăn nuôi, ... theo mô hình chăn nuôi khép kín. Tại Bắc Giang, cũng đã hình thành “thủ phủ” lợn organic, đáp ứng nhu cầu của thị trường với tiêu chí: An toàn với người tiêu dùng và an với môi trường.

Đối với ngành nuôi trồng thủy sản, để góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất nông sản thực phẩm, thủy hải sản được kiểm soát tốt từ khâu sản xuất đến lưu thông, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, không tồn dư hóa chất cấm sử dụng, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng… TPHCM đã và đang là một trong những địa phương tiên phong thí điểm xây dựng, vận hành “Chuỗi thực phẩm an toàn”. TPHCM đã ban hành kế hoạch “Xây dựng mô hình thí điểm và triển khai thực hiện phương án quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên địa bàn”.

Đến cuối năm 2017, sản phẩm thuộc chuỗi đạt hơn 20% tổng sản lượng nông sản, thực phẩm cùng loại được tiêu thụ trên địa bàn TPHCM, mở rộng các sản phẩm chuỗi mới như chuỗi sản phẩm thực vật (rau củ quả); chuỗi sản phẩm động vật (thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm); chuỗi sản phẩm thủy sản (thủy sản, nước mắm...).

Nguồn: Báo Lao Động