Nội tạng nhập khẩu sẽ bị cấm lưu thông tại Việt Nam

Việt Nam sẽ không cho phép nhập khẩu nội tạng, phủ tạng các loại động vật từ nước ngoài vào thị trường Việt dưới bất kỳ hình thức nào.

Báo Người Lao Động đưa tin, sáng 7/12, tại TP.HCM, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về dự án Luật Chăn nuôi.

Đại diện tổ soạn thảo dự án Luật Chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ngành chăn nuôi đang có rất nhiều lỗ hổng trong quản lý. Dự án Luật Chăn nuôi kỳ vọng sẽ tạo được hành lang quản lý, đáp ứng thực tế sản xuất, phù hợp nền kinh tế thị trường, dễ thực hiện; đáp ứng cải cách hành chính và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Một trong những điểm mới của dự luật được ông Hoàng Thanh Vân nêu trong hội thảo là kiểm soát chặt hơn sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu. Theo đó, việc không cho phép nhập khẩu nội tạng, phủ tạng các loại động vật từ nước ngoài vào Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào; không cho phép nhập gia súc, gia cầm sống già, loại thải từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam với mục đích giết mổ lấy thịt. Lý do là các mặt hàng này chất lượng rất thấp, chưa kể mang nhiều nguy cơ chứa chất độc hại.

Nội tạng động vật, phủ tạng là các cơ quan nội tạng và ruột của một con vật bị xẻ thịt không bao gồm thịt và xương. Người phương Tây nói chung thường chỉ ăn thịt và da động vật, phần nội tạng bên trong bị vứt bỏ hay làm thức ăn cho gia súc. Với bộ phận nội tạng không sử dụng trực tiếp cho con người hoặc động vật thì thường được xử lý trong nhà máy sản xuất phân bón hoặc nhiên liệu.

Trong khi đó, tại nhiều nước Á Đông trong đó có Việt Nam, không ít món ăn được chế biến từ nội tạng. Nhiều người Việt coi nội tạng là món khoái khẩu và cho rằng nội tạng động vật bổ dưỡng hơn nhiều phần thịt và da, tuy nhiên nhiều chuyên gia lại cho rằng ăn nhiều nội tạng không tốt cho sức khỏe.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016 lượng thịt heo các loại được nhập khẩu về Việt Nam đạt 39.400 tấn, trị giá 44 triệu USD. Trong đó, phụ phẩm sau giết mổ của heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh hơn 27.000 tấn, trị giá gần 25 triệu USD.

Tính từ đầu năm đến ngày 15-3, cả nước nhập khẩu gần 41.000 tấn thịt các loại. Trong đó lớn nhất là thịt gà với 20.600 tấn, chiếm tỉ trọng hơn 50% tổng lượng thịt các loại nhập khẩu về Việt Nam, trị giá gần 19 triệu USD. Đứng thứ hai là thịt trâu bò các loại với 11.800 tấn, chiếm tỉ trọng 29%, trị giá 35 triệu USD.

Riêng thịt heo, tính đến 15/3/2017, cả nước nhập khẩu gần 7.800 tấn thịt heo các loại. Trong đó phụ phẩm sau giết mổ của heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập về nhiều nhất với 5.400 tấn.

Theo số liệu của Cục Thú y, lượng nội tạng nhập vào Việt Nam chủ yếu từ Mỹ, Úc, Ba Lan… Đó là chưa kể lượng nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc, theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM.

Nguồn: Báo VietQ