Cập nhật thông tin mới nhất về giá lợn hơi hôm nay 10.2 cho thấy, giá đang biến động nhẹ, đạt từ 26.000 - 30.000 đồng/kg tuỳ loại. Do giá heo hơi vẫn dưới giá thành, nông dân càng nuôi càng lỗ nên bà con đang hi vọng rất nhiều vào vụ tết.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc như thế nào?
Trước đó, Bộ NNPTNT cho biết, giá lợn hơi trung bình cả tháng 11 tại thị trường nội địa chỉ đạt từ 26.000 - 28.000 đồng/kg thì hiện nay, mặt hàng lợn hơi đã nhích lên từ 1.000 - 2.000 đồng/kg khi ở nhiều vùng chăn nuôi, nông dân đã bán được với giá 28.000 - 30.000 đồng/kg đối với lợn đẹp; riêng đối với lợn nuôi an toàn, trang trại đạt chứng nhật VietGAHP, các công ty, nhà phân phối thu mua với giá 34.000 đồng/kg.
Cụ thể, nguồn thông tin từ các thương lái cho thấy, giá lợn hơi mới nhất trong ngày hôm qua 9.12 và dự báo trong ngày hôm ngay 10.12 tại các tỉnh miền Bắc như Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định... và các tỉnh miền Nam như Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh... cho thấy, hiện mức giá lợn thấp nhất khoảng 26.000 đồng/kg (lợn thường), cao nhất khoảng 30.000 đồng/kg (lợn siêu).
Mức giá lợn hơi phổ biến mà người dân bán được khoảng 27.000-28.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi hôm nay tại Đồng Nai tăng 2-3 "giá"
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng xác nhận, giá heo hơi tại địa bàn những ngày gần đây đã tăng nhẹ so với hồi tháng 11. Nếu so với thời điểm phát hiện vụ tiêm thuốc an thần vào hơn 3.000 con heo ở lò mổ Xuyên Á thì giá heo đã tăng được khoảng 2-3 giá, đạt trung bình 27.000 - 28.000 đồng/kg.
Với những tín hiệu khả quan hơn từ thị trường, bà con nông dân nhiều tỉnh đang rất mong ngóng dịp tết 2018, giá lợn hơi sẽ tăng và giúp người nuôi có lãi - do đây là thời điểm thị trường tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất.
Bà Nguyễn Thị Mai (ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cho biết, sau gần 1 năm giá heo hơi nằm dưới giá thành sản xuất khiến gia đình thua lỗ, vay nợ hàng trăm triệu đồng. Trước đó, dù đã nhiều lần có quyết định “treo chuồng” để tránh thua lỗ thêm nhưng với áp lực nợ nần, kèm theo gần 20 năm gia đình bà chỉ gắn bó với nghề nuôi heo nên buộc gia đình bà vẫn phải chăn nuôi cầm cự.
Hiện gia đình bà Mai đang có khoảng 200 con heo, chỉ bằng 1 nửa so với trước. Nhưng để duy trì số heo này, gia đình bà đã phải huy động hết các nguồn lực và vay mượn thêm vốn bên ngoài. Bà quyết "đặt cược" vào đàn heo này, với hi vọng xuất bán đúng dịp Tết Nguyên đán thì sẽ có lời, có tiền để trả nợ.
Tuy nhiên ông Nguyễn Kim Đoán cũng chia sẻ thêm, khủng hoảng giá heo kéo dài quá lâu đã "giết chết" nhiều nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Mặc dù việc tiêu thụ của bà con nhìn chung thuận lợi hơn trước (trung bình mỗi ngày Đồng Nai xuất bán từ 8.000 – 9.000 con heo), song bà con vẫn thua lỗ nặng vì giá bán vẫn thấp hơn giá thành.
"Thực tế chỉ có các doanh nghiệp lớn có lãi chút đỉnh, còn nông dân gần như lỗ hết. Những ai ngừng chăn nuôi ngay từ khi xảy ra bão giá thì đến thời điểm này đã chuyển đổi nghề, còn hầu hết bà con càng nuôi càng lỗ. Nuôi nhiều lỗ nhiều, nuôi ít lỗ ít. Hộ nào mà vay vốn ngân hàng để nuôi thì coi như đã phá sản" - ông Đoán nói.
Mặc dù hầu hết người nông dân càng nuôi càng lỗ, với mức lỗ nặng nhất lên tới 8.000 - 10.000 đồng/kg lợn hơi, nhưng các công ty FDI thì vẫn có lãi hoặc hoà vốn và đang tiếp tục chiếm lợi thế trong chăn nuôi lợn.
Báo cáo của Sở NNPTNT Đồng Nai mới đây cho thấy, sở dĩ các công ty FDI vẫn có lãi khoảng 1.000 đồng/kg lợn hơi là do giá thành chăn nuôi của các công ty FDI này hiện ở mức thấp nhất, chỉ từ 27.000 - 28.000 đồng/kg (do thức ăn, con giống, thuốc thú y đều do công ty tự sản xuất hay mua với số lượng lớn nên giá rẻ).
Còn giá thành của trang trại dùng thức ăn tự trộn là 29.500 đồng/kg, cho ăn bằng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh là 32.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành để làm ra 1kg lợn hơi của nông hộ là cao nhất: 34.000 đồng.
Nguồn: Báo Dân Việt