[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong vài năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam phát triển (chưa tính đến tác động của dịch Covid-19), kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của ngành chăn nuôi để cung cấp đủ sản phẩm thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao cho con người. Sau khi dịch tả heo châu Phi (ASF) bùng phát mạnh ở Việt Nam từ 2018, khá nhiều trại nuôi heo trước đây đã được cải tạo để nuôi gà thịt lông màu và/hoặc vịt thịt. Sự chuyển đổi này diễn ra khá nhanh và rầm rộ, kéo theo hệ quả là sang đến giữa năm 2020, lượng gà thịt, vịt thịt được tạo ra có vẻ vượt quá mức nhu cầu của người tiêu dùng, mặc dù vẫn đang khan hiếm thịt heo, nên dẫn đến việc giá bán gà, vịt thịt tại trại xuống khá thấp, người chăn nuôi lại gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm và thua lỗ về mặt tài chính.
Việc điều tiết khối lượng sản xuất sao cho thuận lợi và phù hợp với nhu cầu tiêu thụ từng lúc, từng nơi là phụ thuộc vào các chính sách vĩ mô của các cấp quản lý nhà nước. Tuy nhiên trong phạm vi người chăn nuôi, nếu biết vận dụng tốt các hiểu biết kỹ thuật vào chăn nuôi thì vẫn sẽ đem lại cho công việc chăn nuôi của mình hiệu quả hơn, giảm giá thành chăn nuôi và như vậy sẽ giảm lỗ khi giá bán ra thấp và sẽ đem lại được lợi nhuận cao hơn khi thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn. Trong phạm vi của một bài báo ngắn, xin được đề cập đến các nội dung chỉ liên quan đến con vịt nuôi lấy thịt, như sau:
Chọn lựa con giống
Mặc dù đây là công việc mang tính chất tiên quyết, sống còn với hiệu quả nuôi vịt thịt nhưng rất tiếc là ở khá nhiều vùng, do những năm trước đây nguồn con giống còn khá khan hiếm nên người nuôi chưa chú trọng nhiều, chỉ cần biết nơi nào có bán vịt con là mua. Hiện tại, ở Việt Nam, hai nguồn con giống vịt thịt có năng suất sinh trưởng tốt nhất là vịt Anh Đào (Cherry Valley) và vịt Grimauld. Tên hai giống vịt này là từ hai công ty có tên tương ứng tạo ra.
Nếu được nuôi dưỡng trong điều kiện và thức ăn phù hợp thì nhìn chung, sau 42 ngày nuôi, vịt thịt của một trong hai giống này đều sẽ đạt được trọng lượng từ 3 kg trở lên; trong khi các giống vịt tạm gọi là “vịt nội” như vịt Bầu, vịt Bơ (hình như tên vịt Bơ cũng do đọc trại từ chữ “super” trong cái tên giống vịt Cherry Valley super meat mà ra), do việc chọn lọc, lai tạo không đúng mức nên có nuôi đến 08 tuần = 56 ngày thì trọng lượng vịt cũng chỉ đạt chừng 2,5 – 2,8 kg là cùng, dẫn đến người nuôi tốn rất nhiều thức ăn vì thời gian nuôi kéo dài và chắc chắn sẽ thua lỗ vì tiền bán vịt không thể bù được tiền mua thức ăn bỏ ra.
Trại vịt bố mẹ của Tập đoàn Mavin
Do vậy, lời khuyên về việc tìm mua con giống vịt nuôi thịt là phải tìm được đúng nguồn con giống, từ trại giống gốc của vịt Cherry Valley hoặc Grimauld. Một gợi ý là vịt con mới nở của một trong hai giống này có khối lượng cơ thể khá cao, xấp xỉ 50 g/con, trong khi các giống vịt khác thì vịt con thường có khối lượng cơ thể thấp hơn. Nếu như người bán cố tình lưu vịt con nở ra lại 1-2 ngày, cho ăn uống để cho vịt con có vẻ lớn thì lớp lông tơ và da chân, màng bọc ở mỏ vịt sẽ mất độ tươi, sáng bóng vốn chỉ xuất hiện ở vịt con trong vài giờ đầu sau khi nở ra.
Thức ăn
Hầu như các trại nuôi vịt thịt đều phải mua thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh từ đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi chuyên nghiệp, chứ chưa có một trại nuôi vịt thịt nào tự sản xuất thức ăn tại trại cả nên chất lượng thức ăn là tùy thuộc đơn vị sản xuất. Điều cần lưu ý là tuy vịt là vật nuôi đã quen thuộc trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp hàng ngàn năm của Việt Nam nhưng vịt thịt cao sản thì lại là một con giống khá mới, thậm chí còn mới hơn so với gà thịt công nghiệp (gà thịt lông trắng) vốn đã được giới thiệu ở Việt Nam hơn 60 năm qua.
Với vật nuôi cao sản thì cần đặc biệt quan tâm đến sức khoẻ, nhất là sức khoẻ đường ruột. Vịt muốn lớn nhanh như tiềm năng di truyền đã được tạo ra, thì phải ăn nhiều để nhận đủ các dưỡng chất cần thiết; đồng thời, phải có được một hệ vi sinh vật đường ruột ở trạng thái tốt để giúp vịt vừa phòng ngừa các vi khuẩn có hại, vừa tăng cường khả năng tiêu hóa, hấp thu các dưỡng chất có trong thức ăn.
Trong bối cảnh xu hướng chung của thế giới và Việt Nam là hạn chế, tiến đến cấm sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong thức ăn chăn nuôi thì việc sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc tự nhiên giúp hỗ trợ sức khoẻ đường ruột sẽ là nhân tố thiết yếu đem lại thành công. Đặc thù sinh lý của vịt làm cho việc ứng dụng các chế phẩm probiotic hoặc acid hữu cơ chưa cho thấy hiệu quả cao, như là việc sử dụng các chế phẩm thuộc dạng chiết xuất từ thực vật (phytogenics hay còn gọi là các dược thảo).
Trong năm 2020 vừa qua, nhóm nghiên cứu của Bộ Môn Dinh dưỡng, Trường Đại học Nông Lâm đã thử nghiệm dùng chế phẩm chiết xuất thực vật có tên thương mại Silvafeed Nutri-P (gọi tắt là Silvafeed), với liều dùng 600 g/tấn thức ăn đã đem lại được kết quả là sau 42 ngày nuôi, vịt thí nghiệm có khối lượng cơ thể cao hơn so với vịt đối chứng (ăn thức ăn không có bổ sung Silvafeed) được 1,78% (2986 g/con so với 2934 g/con), hệ số chuyển hóa thức ăn, FCR của lô thí nghiệm tốt hơn 07 điểm so với lô đối chứng (1,75 so với 1,82).
Chưa kể phần tăng trọng của vịt tốt hơn khi sử dụng chế phẩm, tức là giúp người nuôi có thể xuất bán vịt sớm hơn; chỉ tính riêng về mặt thức ăn thì kết quả này cho thấy khi dùng Silvafeed trong thức ăn, cứ mỗi kg khối lượng vịt sống thu được thì người nuôi tiết kiệm được 70 g thức ăn. Nếu 1 kg thức ăn cho vịt thịt có giá bán đến người nuôi khoảng 10.000 đ/kg thì như vậy, một con vịt khi xuất bán nặng 03 kg là người nuôi sẽ tiết kiệm được: 70 g thức ăn *03 kg vịt * 10.000 đ/kg = 2.100 đ.
Mặt khác, việc sử dụng Silvafeed trong thức ăn vịt còn giúp cho đàn vịt có độ đồng đều tốt hơn (do vịt có khả năng chuyển hóa thức ăn tốt hơn, khoẻ mạnh hơn nên giảm các con vịt bị còi cọc). Trong chế phẩm này chứa các hợp chất polyphenols mang tính sát khuẩn, chống oxy hóa tự nhiên nên sẽ giúp giảm được các vi khuẩn có hại trong đường ruột. Đồng thời một số hợp chất polyphenols này lại là các hợp chất mang tính chát của tanin nên cũng sẽ giúp phân vịt thải ra đỡ ướt, giảm hôi thối trong chuồng nuôi.
Một điều lưu ý khác cũng khá quan trọng về dinh dưỡng cho các vịt thịt cao sản là sự cung cấp các chất khoáng đa, vi lượng cũng như các vitamin có liên quan. Do vịt tăng trọng rất nhanh trong một thời gian ngắn nên nhu cầu về các chất khoáng đa, vi lượng và các vitamin này cũng sẽ tăng cao so với các tiêu chuẩn dinh dưỡng thông thường cho vịt thịt. Chỉ có các công ty thức ăn nào có đủ chuyên viên về dinh dưỡng trình độ cao và có điều kiện thực hiện các thử nghiệm, nghiên cứu khoa học thường xuyên thì mới có thể xác định đúng mức các nhu cầu này và áp dụng đúng mức vào cho thức ăn hỗn hợp của vịt thịt cao sản. Nếu không, vịt dễ bị tình trạng yếu chân như trong hình dưới đây.
Thời gian nuôi và thời điểm xuất bán
Một điều khó cho người chăn nuôi nhỏ lẻ là luôn việc nuôi và nhất là bán sản phẩm chăn nuôi bị lệ thuộc vào các điều kiện của thương lái. Với con vịt, cũng giống như trường hợp ở gà thịt lông màu, thương lái mua vịt tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với các yêu cầu: vịt phải đã ra đủ lông thường và lông ống che phủ toàn thân, đã được nuôi trong tối thiểu 40 – 45 – 49 ngày tùy vùng và kèm theo đó thì vịt phải có khối lượng không nhỏ hơn, thí dụ 2,5 kg nhưng cũng không được lớn hơn, thường là 3,2 kg.
Ngược lại nếu trại nuôi có quy mô đủ lớn để ít bị lệ thuộc vào thương lái; hoặc ở những vùng, mà thương lái thu mua vịt không chỉ có mục đích là bán vịt tươi ngoài chợ, mà còn dùng cho các mục đích chế biến khác nhau, thì khi đó người nuôi cần xem xét đến tương quan giữa giá bán vịt có thể và mức độ khối lượng cơ thể, cùng với hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) vịt đạt được trong từng thời điểm khác nhau để tự quyết định việc kết thúc đợt nuôi vào lúc nào có lợi nhất cho mình.
Ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở Trung Quốc nơi có tổng đàn vịt và mức độ tiêu thụ thịt vịt lớn nhất thế giới, người ta đã áp dụng kiểu nuôi vịt ngắn ngày, xuất chuồng khi đàn vịt mới 35 ngày tuổi hoặc cũng có lúc thì để đến 40 – 45 ngày mới kết thúc. Hoàn toàn do đánh giá về nhu cầu của thị trường, hoặc do các hợp đồng đã đạt trước với nơi tiêu thụ để quyết định thời gian nuôi vịt.
Cũng trong một số thí nghiệm nuôi vịt thịt cao sản (vịt giống Cherry Valley) được nhóm nghiên cứu tại Bộ môn Dinh Dưỡng, Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thực hiện trong tháng 5/2020 vừa qua đã cho thấy, khi 35 ngày tuổi, vịt đạt khối lượng bình quân 2,2 kg với mức FCR là 1,4; và cũng đàn vịt này, khi nuôi đến 42 ngày tuổi thì đạt khối lượng bình quân gần 3,0 kg nhưng FCR khi đó là khoảng 1,8 là tốn thức ăn khá nhiều so với khi nuôi và xuất chuồng vịt ở 35 ngày tuổi, sớm hơn một tuần so với xuất chuồng ở 42 ngày.
Tất nhiên khi vịt mới 35 ngày thì lông chưa mọc đầy đủ nhưng với sự trợ giúp của máy đánh lông (cỡ nhỏ dùng cho gia đình) thì vẫn có thể giải quyết được việc làm lông nhanh gọn. Thịt vịt giết mổ lúc 35 ngày tuy có mềm hơn (vì chứa nhiều nước hơn) nhưng lại thuận lợi cho việc chế biến các món nướng hoặc các món cần để nguyên con vịt cho từng món hoặc cho từng bàn tiệc.
Nguồn: TC Chăn nuôi VN