Bệnh xuất huyết trên cá trắm cỏ do vi rút

Tác nhân gây bệnh
Virus gây bệnh là một thành viên thuộc giống Aquareovirus, họ Reoviridae. Reovirus có cấu trúc chất liệu di truyền là ARN sợi kép không có vỏ bọc (Cheng.L và CS, 2008; Jiang, 2009).

Phân bố và lan truyền
Phân bố: Bệnh được xác định xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1972 tại phía Nam, Trung Quốc. Tại Việt Nam, bệnh này được công bố lần đầu tiên vào năm 1994, kể từ đó bệnh nhanh chóng lan rộng và là một trong những bệnh nguy hiểm nhất cho các mô hình nuôi cá Trắm cỏ.
Lan truyền: Mầm bệnh thường lây lan mạnh theo trục ngang thông qua môi trường nước. Mầm bệnh virus chủ yếu từ cá bệnh và cá mang virus. Cá bệnh sau khi chết, virus phát tán ở trong nước, các chất thải của cá mang virus và cá bệnh bao gồm phân, dịch bài tiết và nhớt ngoài thân đều có virus tồn tại, động vật thuỷ sinh khác nhiễm virus như: ốc trai, ếch và động vật phù du... đều có thể truyền virus qua dòng nước.
Đối tượng: Chỉ gây bệnh ở cá Trắm cỏ và cá Trắm đen, đối với các loài cá khác hiện chưa có công bố phát hiện bệnh.
Giai đoạn: Bệnh này có thể xảy ra ở tất cả các giai đoạn phát triển của cá, có kích thước tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở giai đoạn cá giống (6-25 cm).
Mùa vụ: Bệnh xuất huyết của cá Trắm cỏ là bệnh của nước ấm (tính ôn). Thông thường phát bệnh khi nhiệt độ nước từ 25 – 32oC (gây ra tỉ lệ chết cao khoảng nhiệt độ từ 25-28oC), khi thấp dưới 23oC và cao hơn 35oC bệnh rất ít phát sinh hoặc không phát bệnh.
Ở Việt Nam, bệnh thường xuất hiện vào cuối Xuân đầu Hè (tháng 3 đến tháng 5), mùa Thu (từ tháng 8 đến tháng 10) khi nhiệt độ nước 25-30oC bệnh xuất hiện nhiều và gây cá chết hàng loạt.

Tỉ lệ gây chết
Bệnh ở dạng cấp tính: phát triển rất nhanh và trầm trọng, cá bị bệnh sau 3-5 ngày có thể chết, tỷ lệ chết 60 - 80%, nhiều ao/ lồng tỉ lệ chết có thể lên đến 100 %. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở cá giống cỡ 4 - 25cm, đặc biệt cá giống cỡ 15-25cm (tương đương 0,3-0,5 kg/con) mức độ nghiêm trọng nhất khi nuôi ở mật độ dầy như cá lồng và ương cá giống.
Bệnh ở dạng mạn tính: phát triển tương đối chậm, cá chết rải rác, bệnh xuất hiện trong suốt mùa phát bệnh, cá chết không có đỉnh cao rõ ràng. Bệnh mạn tính thường xuất hiện ở ao cá giống diện tích lớn nuôi thưa và với ao nuôi cá thịt có trọng lượng trên dưới 1 kg/ con.

Dấu hiệu điển hình
- Dấu hiệu bên ngoài: Da cá tối màu, cá nổi lờ đờ trên tầng mặt. Khi có hiện tượng cá chết, mắt lồi và xuất huyết, mang nhợt nhạt, nắp mang, vây xuất huyết [hình 1]. Nhìn chung dấu hiệu bệnh bên ngoài không thay đổi lớn.

- Dấu hiệu bên trong: Bóc da cá bệnh nhìn thấy các đốm hoặc đám cơ đỏ xuất huyết, bệnh nặng, cơ toàn thân xuất huyết đỏ tươi, đây là dấu hiệu đặc trưng thường thấy của bệnh [hình 2].


- Xoang bụng xuất huyết, trong xoang cơ thể, gan (Gan xuất huyết có đốm màu trắng hoặc chuyển mầu trắng), thận, lá lách xuất huyết, ruột cục bộ hoặc toàn bộ xuất huyết màu đỏ thẫm, thành ruột còn chắc chắn, không hoại tử, ruột không có thức ăn [hình 3].

Lưu ý: 
- Một trong những dấu hiệu lâm sàng quan trọng nhất của cá bệnh là hiện tượng xuất huyết cơ dưới da.
- Ruột không có thức ăn, thành ruột xuất huyết nhưng không hoại tử (thành ruột còn tương đối chắc chắn, không thối nát).
- Cá Trắm cỏ bị bệnh trên hai tuổi xuất huyết không rõ ràng, thường gặp xuất huyết đường ruột. Bệnh kết hợp với bệnh viêm ruột do vi khuẩn làm cho ruột hoại tử và chứa hơi.

Phương pháp kiểm soát dịch bệnh
Phương pháp phòng bệnh: Hiện nay chưa có phương pháp hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh do vi rút gây ra. Vì vậy, mọi giải pháp để kiểm soát bệnh này là tập trung vào công tác phòng bệnh, bao gồm: (1) thực hiện triệt để công tác an toàn sinh học trong chăn nuôi (kiểm tra mầm bệnh GCR trước khi thả giống); (2) Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng vitamin và các hoạt chất tăng cường hệ miễn dịch của cá; (3) Giảm thiểu tối đa các hiện tượng sốc do môi trường, do đánh bắt và vận chuyển cá… hoặc sốc do mật độ nuôi cao.
Phương pháp kiểm soát khi cá nuôi bị bệnh:
(1) Loại bỏ ngay những con chết và yếu (thiêu hủy / chôn hủy), không vứt bỏ cá bệnh ra ngoài môi trường;
(2) Xử lý môi trường nước bằng phương pháp phun hóa chất xuống ao nuôi (ví dụ: phức hợp Iodine, Glutaraldehyte) hoặc treo túi hóa chất đối với khu lồng-bè để tiêu diệt và ngăn ngừa sự lây lan của mầm bệnh trong môi trường nuôi;
(3) Sử dụng vitamin C, chất tăng cường hệ miễn dịch (Beta-glucan) cho ăn liên tục 7-10 ngày;
(4) Sử dụng sản phẩm thảo (các sản phẩm có thành phần chiết xuất từ tỏi, nghệ…) dược để cho cá ăn theo khuyến cáo của nhà sản xuất;
(5) Đối với ao nuôi, sử dụng men vi sinh đáy để tạo lại hệ vi sinh có lợi cho ao nuôi sau khi hết hiệu lực của thuốc sát trùng.

PHÂN BIỆT CÁ BỊ BỆNH GCVD VỚI CÁ BÌNH THƯỜNG
(https://link.springer.com/article/10.1007/s00705-020-04654-y)

Đặc điểm của cá bình thường (khỏe)                   Đặc điểm của cá bị bệnh do Reovirus

Tác giả:TS. Đoàn Quốc Khánh - GĐ DVKTTS Tập đoàn Mavin