Bệnh đốm đỏ ở động vật thủy sản

Tác nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Aeromonas spp là vi khuẩn Gam âm, dạng gậy (ở dạng thẳng hoặc ở dạng cong), kích thước trung bình từ 0,5 - 0,8 x 3,0 - 4,0µm, vi khuẩn yếm khí tùy tiện di động do có lông (ngoại trừ Aeromonas salmonicida không di động được do không có lông).

Phân bố và lan truyền
Phân bố: Hầu hết các vùng lãnh thổ trên thế giới.
Lan truyền:  Lan truyền theo chiều ngang, lây nhiễm giữa cá bệnh sang cá khỏe thông qua tiếp xúc hoặc nguồn nước.
Đối tượng: Hầu hết các đối tượng động vật thủy sản nước ngọt, bao gồm cả baba, tôm và ếch.
Giai đoạn: Xảy ra với tất cả các giai đoạn phát triển của động vật thủy sản.
Cơ quan đích: Da, cơ, và các cơ quan nội tạng.
Mùa vụ: Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường tập trung vào mùa Xuân và mùa Thu ở miền Bắc, ở miền Nam bệnh xuất hiện nhiều vào mùa mưa.

Tỉ lệ gây chết: Thường từ 30-70%, riêng ở giai đoạn giống (ba ba, trê…) tỉ lệ chết có thể lên đến 100%.

Dấu hiệu điển hình: Bệnh nhiễm trùng xuất huyết ở động vật thuỷ sản thường biểu hiện ở các dạng khác nhau:
- Hoại tử da và cơ: Đốm đỏ xuất huyết.
- Vây bị phá huỷ: Gốc vây xuất huyết, tia vây rách nát và cụt dần.
- Vẩy dựng (rộp) và bong ra, da xuất huyết.
- Xoang bụng sưng to, các cơ quan nội tạng bị xuất huyết và viêm nhũn (dịch hoá), ruột viêm và chứa đầy hơi. 

Đối với từng loài động vật thuỷ sản có các dấu hiệu bệnh lý cụ thể:
Ở cá:
Thể cấp tính: Dạng này được đặc trưng bởi nhiễm trùng huyết gây tử vong nhanh chóng với ít dấu hiệu điển hình của bệnh. Thường chỉ thấy có hiện tượng xuất huyết, đỏ da và có nhiều nhớt ở gốc vẩy (có thể có hiện tượng xù vẩy) và khoang bụng.

Thể mãn tính:
- Dấu hiệu đầu tiên là cá kém ăn hoặc bỏ ăn, nổi lờ đờ trên tầng mặt. 
- Dấu hiệu bên ngoài: Da cá đổi màu tối không có ánh bạc, cá mất nhớt, khô ráp. Xuất hiện các đốm xuất huyết màu đỏ trên thân, các gốc vây, quanh miệng, râu xuất huyết hoặc bạc trắng. Xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ, có mùi hôi thối, trên vết loét thường có nấm và ký sinh trùng ký sinh. Mắt lồi đục, hậu môn viêm xuất huyết, bụng có thể chướng to, các vây xơ rách, tia vây cụt dần (hình 2).

- Giải phẫu nội tạng: Xoang bụng xuất huyết, có chứa nhiều dịch nhờn mùi hôi thối. Gan tái nhợt, mật sưng to, thận sưng, ruột, dạ dày, tuyến sinh dục, bóng hơi đều xuất huyết (hình 3).


Hình 3: Biểu hiện của xoang nội tạng cá bị nhiễm Aeromonas hydrophila

Lưu ý: Xoang nội tạng xuất huyết, chứa nhiều dịch; ruột viêm và tích nước, gan nhợt nhạt và phù nề, mật sưng to (hình trái); Xoang bụng nhiều dịc và xuất huyết (hình phải).

Ở Ba ba: Ba ba xuất hiện các vết loét xuất huyết, không có hình dạng nhất định ở xung quanh và trên mai lưng, phần bụng, các chân có thể cụt hết móng. Bệnh nặng cơ thể ba ba mềm nhũn hoạt động chậm chạp, khi lật ngửa ba ba không tự lật sấp lại được; vùng bụng có hiện tượng xuất huyết; Ba ba ít ăn hoặc bỏ ăn, sau 1-2 tuần chúng bò lên cạn và chết, tỷ lệ chết tới 30-40% (hình 4); 


Giải phẫu nội tạng cho thấy xoang nội tạng xuất huyết chứa nhiều dịch mùi hôi; phổi, gan và thận xuất huyết chuyển mầu đen (hình 4).

Ở Ếch: Ếch bị bệnh sẽ xuất hiện những nốt chấm đỏ trên thân, gốc đùi có tụ huyết, chân bị sưng, ếch bỏ ăn, chậm di chuyển, lờ đờ, giải phẫu thấy có hiện tượng xuất huyết trong ổ bụng, trong xoang bụng thường thấy máu và dịch lỏng màu vàng (hình 5).


Ở Tôm càng xanh:
Tôm bị bệnh này trở nên kém ăn, mất sức, chậm lớn; Trên mình tôm xuất hiện nhiều đốm nâu to nhỏ khác nhau, những đốm này trước màu nâu sau trở sang đen và xuất hiện dưới lớp vỏ kitin và lớp biểu mô của tôm; các phần phụ của tôm bị ăn mòn/ cụt: đuôi, chân bụng, râu… (hình 6)

Phương pháp kiểm soát dịch bệnh
Phương pháp phòng bệnh: Thực hiện nghiêm túc Biện pháp phòng bệnh tổng hợp, bao gồm: (1) luôn luôn giữ ổn định môi trường nuôi; (2) thực hiện công tác tăng cường sức đề kháng cho cá trong suốt chu kỳ nuôi; (3) luôn luôn ngăn ngừa, loại trừ các nguồn mang mầm bệnh vào mô hình nuôi.
Lưu ý:
- Thực hiện triệt để công tác an toàn sinh học trong chăn nuôi;
- Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng vitamin, Beta-glucan…;
- Giảm thiểu tối đa các hiện tượng sốc do môi trường, do đánh bắt và vận chuyển cá… hoặc sốc do mật độ nuôi cao;
- Thực hiện công tác phòng ký sinh trùng định kỳ (vì Ngoại KST là tác nhân mở cửa cho các mầm bệnh như vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào cơ thể cá).

Phương pháp xử lý ao/ lồng cá bị bệnh:
(1) Loại bỏ ngay những con bị bệnh (cá yếu/ chết) trong ao/ lồng bằng phương pháp thiêu hủy hoặc chôn hủy;
(2) Dùng hóa chất khử trùng ao nuôi 2  3 lần (thực hiện theo khuyến cáo của tùy từng sản phẩm);
(3) Trong trường hợp cá bị bệnh nặng cần kết hợp giữa việc phun/ ngâm hóa chất với cho cá ăn sản phẩm trị bệnh (kháng sinh như Florfenicol/ Doxyciline…) + sản phẩm tăng cường sức đề kháng (vitamin C/ Beta-glucan…) + sản phẩm đông máu/ bổ máu (sản phẩm có chứa vitamin K…).
(4) Sau khi sử dụng kháng sinh cần sử dụng sản phẩm giải độc gan + men tiêu hóa 7-10 để tăng cường hệ tiêu hóa và chức năng gan-mật của cá;
(5) Đối với ao nuôi, sử dụng men vi sinh đáy để tạo lại hệ vi sinh có lợi cho ao nuôi sau khi hết hiệu lực của thuốc sát trùng.
Lưu ý: Hiện nay, hiện tượng ghép bệnh thường xảy ra khi cá nuôi bị bệnh, vì vậy cần xác định chính xác tác nhân gây bệnh chính để có hướng xử lý tốt nhất.

Tác giả:TS. Đoàn Quốc Khánh - GĐ DVKTTS Tập đoàn Mavin