Mavin tập trung định hướng nông nghiệp tuần hoàn
Theo ông David John Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin, doanh nghiệp này đã xây dựng một mô hình tuần hoàn hướng tới các hoạt động chăn nuôi lợn tại 3 tỉnh Gia Lai, Nghệ An và Đồng Tháp.
Mô hình của Tập đoàn Mavin tập trung vào cả lợn nái, lợn thịt và áp dụng công nghệ cao. Cùng với đó, hướng đến quản lý nước, kiểm soát chất thải và sử dụng các công nghệ không gây hại môi trường như điện mặt trời, điện áp mái hay các công nghệ biogas. Đồng thời, Tập đoàn Mavin cũng có nhà máy thu gom các loại chất thải, phế phẩm của hoạt động chăn nuôi để sản xuất phân bón cho cây trồng.
"Chúng tôi đã xây dựng một hệ thống quản lý và quy trình kiểm soát dịch bệnh khép kín. Mục tiêu mà Mavin đang hướng tới là phát triển ngành chăn nuôi phát thải carbon thấp và không gây ô nhiễm môi trường. Dự kiến đến năm 2025, Tập đoàn Mavin sẽ cung ứng ra thị trường 1 triệu con lợn sạch mỗi năm”.
Chủ tịch Tập đoàn Mavin David John Whitehead
Từ cách làm của Mavin, ông David John Whitehead chỉ ra, có thể thấy, nông nghiệp tuần hoàn được áp dụng cả với những tập đoàn công ty lớn chứ không chỉ bó hẹp ở các nông hộ nhỏ. Để có thể đạt được một nền nông nghiệp tuần hoàn, Chủ tịch Tập đoàn Mavin cho rằng, phải nắm được 3 yếu tố chính: Giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng.
Theo ông David John Whitehead, nông nghiệp tuần hoàn là một khái niệm không mới và được sử dụng từ thời kỳ tiền công nghiệp với các mô hình canh tác kết hợp sử dụng các loại phân bón, phế phẩm từ các hoạt động chăn nuôi và trồng trọt, làm nguyên liệu đầu vào cho các hoạt động khác.
"Thời gian gần đây, chúng ta đã nghe nhiều về nông nghiệp tuyến tính, nông nghiệp tuần hoàn hay các mô hình nông nghiệp tương tự như vậy. Các mô hình nông nghiệp này hướng tới việc giảm thiểu tốt nhất chất thải từ các các hoạt động chăn nuôi, sản xuất và tìm ra giải pháp để tận dụng tốt nhất các loại chất thải này”, ông David John Whitehead nói.
Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, các phương pháp trên đang bị ảnh hưởng nhiều bởi các cách canh tác hiện đại, hình thức canh tác trên quy mô lớn, độc canh, thâm canh chỉ chủ yếu vào tăng lợi nhuận mà không hướng tới bảo vệ môi trường.
"Nông nghiệp tuần hoàn bên cạnh áp dụng cho các doanh nghiệp lớn, cần hướng nhiều hơn tới các nông hộ nhỏ, hoặc các cơ sở sản xuất để đạt được kết quả toàn diện”, ông David John Whitehead khuyến nghị.
Đánh giá cao mô hình của Mavin phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của Việt Nam, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, với tổng đàn lợn đạt xấp xỉ 30 triệu con, gia cầm đạt trên 500 triệu con và gia súc đạt trên 12 triệu, Việt Nam có một hệ sinh thái chăn nuôi đồ sộ, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho hơn 100 triệu dân, xuất khẩu và sinh kế cho chục triệu hộ nông dân. Do đó, phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu.
Theo ông Thắng, hướng đi này mang lại những lợi ích thiết thực như nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chăn nuôi, kết nối hài hòa lợi ích lâu dài giữa các ngành khác nhau về chăn nuôi, trồng trọt.
"Đối với kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi, việc bảo vệ, gìn giữ môi trường là hết sức cần thiết. Kinh tế tuần hoàn cũng được cho là gốc rễ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững", Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh.
Xem bài viết gốc: Từ 2025, Mavin sẽ cung ứng 1 triệu con lợn sạch mỗi năm - Tạp chí Mekong Asean (baomoi.com)