Các nhà sản xuất thịt lợn châu Á đã bắt kịp xu hướng tiêu dùng gắn liền với sức khỏe và tính bền vững. Theo xu hướng này, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến quy trình sản xuất và tác động tới môi trường.
Theo báo cáo về ngành thực phẩm Châu Á do Rabobank, Temasek, PWC, và Terrascope, Châu Á chiếm 42% tổng lượng phát thải nông nghiệp trên toàn cầu, trong đó Đông Nam Á và Nam Á lần lượt là 50% và 45%.
Trong khi đó, FAO cũng nhấn mạnh lượng phát khí thải nhà kính từ sản xuất nông nghiệp tăng 10% trong giai đoạn năm 2000 đến 2021. Mặc dù, lượng phát thải từ chăn nuôi lợn không bằng lượng phát thải từ chăn nuôi động vật nhai lại nhưng vẫn khá đáng kể.
Điều đáng mừng là có nhiều giải pháp trong chuỗi giá trị sản xuất heo có thể đáp ứng yêu cầu về tính bền vững, thân thiện môi trường mà các nhà sản xuất có thể cân nhắc và áp dụng.
Sản xuất năng lượng tái tạo sử dụng công nghệ biogas góp phần tăng tính bền vững, cũng như tăng hiệu quả trang trại.
Khí thải Carbon từ phân bón
Lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ việc chăn nuôi lợn và từ phân lợn đóng góp khoảng 8% tổng lượng khí thải.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nếu không quản lý chất thải nông nghiệp tốt hơn, ngành chăn nuôi, trong đó chăn nuôi lợn là phân khúc lớn nhất sẽ tiếp tục phát thải khoảng 15 triệu tấn CO2 vào môi trường.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam sản xuất khoảng 61 triệu tấn phân và 304 triệu mét khối nước thải từ hoạt động chăn nuôi. Giải quyết vấn đề phân bón sẽ góp phần tăng tính bền vững, cũng như tăng hiệu quả trang trại. Điều này cũng sẽ góp phần thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu, thay thế các nguồn năng lượng sạch và đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Từ canh tác truyền thống đến không phát thải
David Whitehead
Ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin, chia sẻ với phóng viên Tạp chí Asian Agribiz: “Việc chăn nuôi lợn thâm canh theo cách thức truyền thống gây ô nhiễm môi trường ở mức độ cao.”
“Ngành nông nghiệp Việt Nam đã chuyển sự quan tâm từ doanh thu và lợi nhuận sang việc thực hiện các biện pháp canh tác thân thiện với môi trường. Chúng ta phải giảm lượng khí thải nhà kính dể đóng góp vào toàn bộ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Chính phủ tới năm 2050.”
Để làm được việc này, các doanh nghiệp đang tập trung xử lý các vấn đề gồm: quản lý đầu vào thức ăn và nước, tái chế chất thải đầu ra và giảm sử dụng năng lượng, đồng thời xem xét những ảnh hưởng của việc sản xuất chăn nuôi tới xã hội và quan tâm đến vấn đề phúc lợi động vật.
Tại Việt Nam, Mavin là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong các công nghệ tạo ra khí sinh học từ chất thải động vật, sử dụng nguồn năng lượng mặt trời trong các trại chăn nuôi và tăng tỷ lệ tái chế trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình. Chủ tịch Mavin cho biết Tập đoàn này cũng đang nghiên cứu nỗ lực giảm số lần vận chuyển thức ăn và vận chuyển động vật để giảm khí thải.
Các trang trại và nhà máy cám của Mavin cũng nghiên cứu các giải pháp tối ưu quá trình sản xuất để giảm sử dụng điện năng, tăng cường tái chế và giảm phát thải.
Hướng tới sản xuất bền vững
Vicent Henry Go
Universal Robina Corporation (URC), một trong những công ty chăn nuôi lớn nhất của Philippines, đã đặt sự bền vững làm chương trình trọng tâm.
Trong đó, URC ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo và chuyển đổi chất thải động vật thành khí sinh học. "Điều đó giúp giảm lượng khí thải carbon và cũng sẽ góp phần thực hành tiết kiệm," Vincent Henry Go, Giám đốc điều hành URC cho biết.
"Các khoản tiết kiệm này tương đương hàng triệu peso mỗi năm, và mặc dù năng lượng chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong chi phí của chúng tôi, nhưng những khoản tiết kiệm này vẫn được coi trọng."
Một cách khác URC hướng tới sự bền vững thông qua tối ưu hóa các chiến lược dinh dưỡng của mình. Bởi vì sản xuất lợn đòi hỏi lượng thức ăn lớn, bất kỳ bước tiến nào hướng tới giảm thiểu đều sẽ đóng góp lớn vào sự bền vững. Ông Go cho biết công ty đã nghiên cứu áp dụng các công nghệ dinh dưỡng mới tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thô.
Cách tiếp cận chuỗi giá trị
Tại Thái Lan, CP Foods là công ty hàng đầu trong việc sản xuất lợn bền vững, với nhiều chương trình đa dạng nhằm giảm lượng khí thải carbon.
CP cũng yêu cầu các nhà cung cấp của Công ty quan tâm đến khía cạnh bền vững, tư vấn cho họ các giải pháp để tối thiểu lượng phát thải carbon.
"Chúng tôi cam kết hỗ trợ và phát triển đối tác kinh doanh và nông dân trong chuỗi cung ứng để cải thiện năng lực sản xuất và quản lý môi trường có trách nhiệm, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế," Thidarat Dechayonbuncha, Trưởng bộ phận Mua hàng tại CP Foods, cho biết.
Đo lượng khí thải CO2
Marco de Mik
Sản xuất bền vững không chỉ là việc giảm lượng khí thải từ thức ăn chăn nuôi. “Dấu chân carbon của thức ăn chỉ là một phần của câu chuyện khi nói đến tính bền vững sinh thái trong chuỗi sản xuất động vật,” Marco de Mik, cố vấn tại Viện Nghiên cứu Thức ăn Schothorst, nói.
“Chúng ta cũng cần xem xét các khía cạnh khác nữa như đa dạng sinh học, sử dụng nước ngọt, sử dụng đất, v.v. Hơn nữa, tính bền vững sinh thái không chỉ phụ thuộc vào thành phần thức ăn mà còn phụ thuộc vào phương thức quản lý trang trại và nhà máy giết mổ.”
Với mục tiêu này, BASF đã phát triển phần mềm Opteinics, có thể giúp xác định dấu chân sinh thái của sản xuất thức ăn từ nhà máy thức ăn đến nhà máy giết mổ. Marco de Mik cho biết đang sử dụng nó để phân tích dữ liệu và tính toán lượng khí thải nhà kính cho mỗi tấn trọng lượng xác lợn. Ông quan tâm đến vấn đề: Liệu dấu chân carbon có thấp hơn nếu lợn được nuôi ở trọng lượng giết mổ cao hơn (130kg so với 100kg)?
Những gì ông tìm thấy là trong khi nuôi lợn đến trọng lượng giết mổ cao hơn đồng nghĩa với việc tiêu thụ thức ăn cao hơn và hiệu suất thức ăn thấp hơn, nhưng cần ít lợn hơn để đạt được một tấn xác. “Do đó, dấu chân carbon mỗi 1.000kg xác, khi xem xét chuỗi thức ăn đến giết mổ, thấp hơn với trọng lượng giết mổ cao hơn.”
Ông de Mik đưa ra một quan điểm mới về 'hiệu suất thức ăn'. Thay vì chỉ xem xét số kg thịt sản xuất trên mỗi kg thức ăn, các nhà sản xuất nên xem xét cả “bức tranh về dinh dưỡng và môi trường.”
Hành trình bền vững đã bắt đầu…
Hành trình hướng đến sự bền vững không dễ dàng và không chỉ là trách nhiệm của các nhà sản xuất. Họ phải hợp tác với chính phủ và các ngành liên quan khác để đạt được những mục tiêu bền vững. Những tín hiệu tốt của việc hợp tác này đã xuất hiện, dù chậm hơn so với kỳ vọng nhưng cũng sẽ tạo nên những tiến triển.
Nguồn: Tạp chí Asian Agribiz, Tác giả: Isa Q Tan