Bản tin thị trường thịt trong nước và thế giới tháng 2/2024

Tháng 2/2024, giá lợn tại Hoa Kỳ tăng so với tháng trước. Tháng 2/2024, giá lợn hơi tại miền Bắc giảm, giá tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam tăng. Tháng 1/2024, xuất, nhập thịt và các sản phẩm từ thịt giảm so với tháng 12/2023, nhưng tăng so với tháng 1/2023.

THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Hoa Kỳ biến động mạnh, giá tăng lên mức cao nhất tháng vào ngày 22/2/2024 (lên mức 87,43 UScent/lb), sau đó giảm trở lại trong mấy phiên cuối tháng, nhưng vẫn cao hơn so với tháng 1/2024. Ngày 28/2/2024, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn gần dao động ở mức 86,15 UScent/lb, tăng 1,4% so với cuối tháng 1/2024 và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo quý I/2024 về thịt lợn toàn cầu của Ngân hàng Rabobank, dự báo sản lượng thịt lợn trong năm 2024 sẽ giảm do đàn lợn nái ở các vùng sản xuất chính giảm. Xu hướng này dự kiến sẽ dẫn đến sản lượng sụt giảm hoặc không thay đổi trong suốt năm 2024, cùng với áp lực dịch bệnh làm tăng thêm thách thức cho ngành. Bất chấp những khó khăn về sản xuất, vẫn có một điểm sáng khi giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục giảm. Trong khi đó, tiêu thụ thịt lợn vẫn ổn định. Năm 2024, một số khu vực đang phát triển sẽ tiếp tục giảm đàn lợn nái với tốc độ giảm khác nhau. Trung Quốc, Hoa Kỳ và một số nước châu Âu có thể sẽ chứng kiến sản lượng giảm, hoặc duy trì trong năm 2024 do đàn lợn nái của họ thấp hơn vào cuối năm 2023. Áp lực dịch bệnh sẽ càng làm giảm triển vọng sản xuất trên toàn cầu. Những thách thức khác như tỷ suất lợi nhuận âm, cung vượt cầu và nhu cầu yếu, cũng là những yếu tố quan trọng dẫn đến việc giảm đàn lợn tồn. Trong khi đó, năng suất sẽ tiếp tục được cải thiện vào năm 2024, nhờ tiến bộ di truyền, quản lý ttrang trại tốt hơn và chiến lược giảm chi phí.

Tại Trung Quốc, năm 2023 sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đạt 57,94 triệu tấn, tăng 2,53 triệu tấn (tương ứng tăng 4,6%) so với năm 2022. Năm 2023, Trung Quốc có 726,62 triệu con lợn được bán ra, tăng 26,68 triệu con (tương ứng tăng 3,8%) so với năm 2022. Tính đến cuối năm 2023, đàn lợn tồn của Trung Quốc là 434,22 triệu con, giảm 18,33 triệu con (tương ứng giảm 4,1%) so với cuối năm trước. Trong số này có 41,42 triệu con lợn nái, giảm 2,48 triệu con (tương đương 5,7%).

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ước tính mức tiêu thụ thịt lợn và thịt gà của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ giảm 2,5% so với năm 2023, trong khi mức tiêu thụ thịt bò và thịt bê được dự đoán sẽ tăng 1,6%. Nhu cầu yếu đã khiến nông dân và thương nhân chịu áp lực sau khi đã mở rộng chăn nuôi trong những năm gần đây dẫn đến dư thừa thịt lợn và gia cầm, khiến Chính phủ Trung Quốc cuối năm 2023 phải mua hàng chục nghìn tấn thịt lợn để dự trữ nhằm nâng giá thịt lợn.

Tại Nga, theo dự báo của Emeat, sản lượng thịt của Nga năm 2024 sẽ tăng 2-3% so với năm trước, lên tới 11,6-12 triệu tấn, chủ yếu là sản lượng thịt lợn tăng. Theo Hiệp hội chăn nuôi của Nga, năm 2024 nước này có thể sản xuất thêm từ 6-7% thịt lợn (từ 300.000-500.000 tấn lợn hơi). Sản lượng thịt bò tăng từ 2-4%, sản lượng thịt gà sẽ giảm 1-2%. Năm 2023, Nga xuất khẩu được 743,5 nghìn tấn thịt, tăng gần 22% so với năm 2022. Năm 2024, người chăn nuôi lợn hy vọng sẽ tăng xuất khẩu nhờ việc mở cửa thị trường Trung Quốc. Nga đặt kế hoạch tối thiểu xuất khẩu được 20.000-30.000 tấn thịt lợn sang Trung Quốc trong năm 2024.

THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

Trong tháng 2/2024, tình hình chăn nuôi trên cả nước ổn định, nhưng sức tiêu thụ thịt lợn trên thị trường vẫn còn ảm đạm. Trong khi đó, giá lợn hơi tại các tỉnh, thành phố trên cả nước biến động trái chiều, giá giảm tại các tỉnh khu vực miền Bắc, trong khi tăng tại tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Tại khu vực miền Bắc, hiện giá lợn hơi ở hầu hết các tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 56.000- 57.000 đồng/kg, giảm từ 2.000-3.000 đồng/ kg so với cuối tháng 1/2024. Trong khi đó, tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam hiện giá lợn hơi dao động trong khoảng 54.000- 58.000 đồng/kg, tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 1/2024. Mức giá lợn hơi như hiện nay đã cao hơn giá thành chăn nuôi.

Theo nhiều chuyên gia, nguồn cung lợn hơi ổn định do trước đó dịch tả lợn châu Phi đã khiến người dân không đẩy mạnh tái đàn. Bên cạnh đó, thời gian gần đây cơ quan chức năng kiểm soát tốt các tuyến biên giới không cho lợn nhập lậu vào Việt Nam. Nếu việc này được tiếp tục duy trì tốt, ngành chăn nuôi trong nước có thể khởi sắc trong thời gian tới.

TÌNH HÌNH XUẤT, NHẬP KHẨU THỊT VÀ CÁC SẢN PHẨM TỪ THỊT CỦA VIỆT NAM TRONG THÁNG 1/2024

+ Tình hình xuất khẩu: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 1/2024, Việt Nam xuất khẩu được gần 1,87 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 9,38 triệu USD, giảm 13,4% về lượng và giảm 7% về trị giá so với tháng 12/2023; Tuy nhiên so với tháng 1/2023 tăng 6,3% về lượng và tăng 23,6% về trị giá. Tháng 1/2024, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 18 thị trường. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hồng Kông, chiếm 50,03% về lượng và chiếm 61,28% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước với 935 tấn, trị giá 5,75 triệu USD, tăng 12,8% về lượng và tăng 6,7% về trị giá so với tháng 12/2023; So với tháng 1/2023 tăng 28,4% về lượng và tăng 25,9% về trị giá. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Tháng 1/2024, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại: Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu, bò tươi đông lạnh… Trong đó, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 1,07 nghìn tấn, trị giá 6,27 triệu USD, tăng 22,6% về lượng và tăng 14,2% về trị giá so với tháng 12/2023; So với tháng 1/2023 tăng 9,7% về lượng và tăng 20,8% về trị giá; Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.865 USD/tấn, giảm 6,8% so với tháng 12/2023, nhưng tăng 10,1% so với tháng 1/2023. Thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Căm-pu-chia, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a và Lào.

+ Tình hình nhập khẩu: Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu gần 62,44 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 127,52 triệu USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 1,8% về trị giá so với tháng 12/2023; Tuy nhiên, so với tháng 1/2023 tăng 76,2% về lượng và tăng 72% về trị giá. Trong tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 37 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 29,53% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của cả nước. Tháng 1/2024, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ đạt gần 18,44 nghìn tấn, trị giá 55,36 triệu USD, tăng 16,9% về lượng và tăng 11,8% về trị giá so với tháng 12/2023; So với tháng 1/2023 tăng 184,9% về lượng và tăng 190,7% về trị giá.

Trong tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Lượng và trị giá nhập khẩu các chủng loại này đều tăng mạnh so với tháng 1/2023. Tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu 5,86 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 13,01 triệu USD, giảm 22,9% về lượng và giảm 25,2% về trị giá so với tháng 12/2023; Tuy nhiên so với tháng 1/2023 tăng 19,2% về lượng và tăng 12,5% về trị giá; Giá nhập khẩu trung bình đạt 2.221 USD/tấn, giảm 3,1% so với tháng 12/2023 và giảm 5,6% so với tháng 1/2023. Tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 14 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Bra-xin chiếm 44,63%; Nga chiếm 25,29%; Ca-na-đa chiếm 8,36% tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 1/2024. Trừ Nga, lượng thịt lợn nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng mạnh so với tháng 1/2023.

Nguồn: Bản tin Nông Lâm Thủy sản
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)

Nguồn: Tap chí Chăn nuôi Việt Nam (xem bài viết gốc TẠI ĐÂY)