Các hội, hiệp hội trong ngành chăn nuôi vừa có văn bản đề xuất 3 vấn đề. Đó là bỏ quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y; xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; không áp thuế giá trị gia tăng 5% với các sản phẩm chăn nuôi ở dạng sơ chế, bảo quản khi doanh nghiệp, hợp tác xã bán cho người tiêu dùng.
Kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y
Các hội, hiệp hội trong ngành chăn nuôi (Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam và Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam) vừa có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội về một số vấn đề nóng, cần tháo gỡ của ngành.
Các hội, hiệp hội cho biết, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y là ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện. Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này phải đáp ứng đủ điều kiện sản xuất do cơ quan nhà nước đánh giá, thẩm định cấp giấy chứng nhận trước khi sản xuất và hàng năm đều có đánh giá giám sát duy trì của cơ quan. Ngoài ra, còn có các cuộc kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất của các cơ quan chức năng khác của bộ hoặc địa phương.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y còn phải thực hiện hợp quy. Hoạt động đánh giá công bố hợp quy sản phẩm - thực chất là đánh giá điều kiện và quy trình sản xuất, lấy mẫu điển hình để thử nghiệm. Như vậy, việc đánh giá công bố hợp quy đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y của các tổ chức chứng nhận hợp quy là trùng lặp và chồng chéo.
Trong khi đó, chi phí cho việc đánh giá công bố hợp quy với sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y rất tốn kém. Hiện các doanh nghiệp phải trả lệ phí 2 - 4 triệu đồng cho mỗi lần lấy mẫu của một sản phẩm thức ăn chăn nuôi và 10 - 20 triệu đồng/sản phẩm vaccine. Nếu tính cho một doanh nghiệp có hàng trăm sản phẩm, thì phải mất hàng tỷ đồng cho việc hợp quy sản phẩm, chưa kể làm mất thời gian của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật.
Vì vậy, các hội, hiệp hội kiến nghị Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội loại bỏ quy định hợp quy ra khỏi Luật Thú y và Luật Chăn nuôi.
Gỡ khó về thuế giá trị gia tăng
Một điểm nghẽn nữa là theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Luật Thuế gia trị gia tăng năm2016, đối tượng không chịu thuế là các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu. Doanh nghiệp, hợp tác xã mua bán sản phẩm, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai tính nộp thuế giá trị gia tăng, nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Các sản phẩm chăn nuôi như trứng gia cầm được làm sạch, đóng gói; thịt gia súc gia cầm sau giết mổ, làm mát, cấp đông... nếu do các doanh nghiệp, hợp tác xã mua bán, trao đổi với nhau thì được miễn thuế giá trị gia tăng 5%. Nhưng nếu các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh bán mặt hàng này cho người dân, hộ kinh doanh cá thể thì phải mất thuế 5%.
Theo các hội, hiệp hội, quy định này đang gây rất nhiều khó khăn cho việc tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Bởi ở nước ta, phần lớn các sản phẩm chăn nuôi chưa qua chế biến đang được tiêu thụ tại các hộ kinh doanh cá thể và trong các chợ truyền thống. Nếu các sản phẩm chăn nuôi qua sơ chế, giết mổ công nghiệp đã phát sinh nhiều chi phí so với giết mổ thủ công lại phải cộng thêm 5% thuế giá trị gia tăng thì sẽ không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm chăn nuôi trôi nổi không được kiểm soát chất lượng, an toàn, thuế và với các sản phẩm chăn nuôi cùng loại nhập khẩu.
Các hội và hiệp hội cho rằng, trong chuỗi sản xuất chăn nuôi của nước ta, khâu yếu nhất chính là giết mổ và chế biến. Vấn đề này đã được Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển theo hướng tập trung, công nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, dây chuyền thiết bị hiện đại, tốn kém nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, sản lượng sản xuất thực tế chỉ chiếm trên dưới 30% công suất thiết kế. Nguyên nhân chính là do chưa kiểm soát được hoạt động giết mổ thủ công về điều kiện sản xuất, kinh doanh và các chính sách thuế. Trong đó, chính sách thuế giá trị gia tăng 5% của các sản phẩm chăn nuôi sơ chế đang là trở ngại với doanh nghiệp và hợp tác xã, trong khi đó Nhà nước cũng không thu được là bao nhiêu đối với dòng thuế này.
Vì vậy, các hội và hiệp hội kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cho chỉnh sửa nội dung này trong Luật Thuế giá trị gia tăng và tạm dừng thực hiện trong thời gian chờ sửa luật.
Ngăn chặn nguy cơ “siêu nhập khẩu” sản phẩm chăn nuôi
Bên cạnh đó, các hội, hiệp hội cho biết, để xuất khẩu được sản phẩm thịt, trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.
Trong khi đó, việc nhập khẩu (chính ngạch và nhập lậu) ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi vào nước ta hiện nay đang là vấn đề hệ trọng, gây ra rất nhiều rủi ro, hệ lụy như gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước; đồng thời gây rủi ro lớn về chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, chỉ 3 - 5 năm tới khi các dòng thuế quan các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0% thì Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Do đó, các hội và hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các ban, bộ, ngành khẩn trương xây dựng hàng rào kỹ thuật và chính sách thương mại để hạn chế thấp nhất việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi.
Nguồn: Báo Người đại biểu Nhân Dân (link bài viết gốc TẠI ĐÂY)