Mở rộng xuất khẩu gà đi Nhật, thịt heo vào Myanmar, xoài vào Mỹ...là những thông tin tích cực cho ngành nông nghiệp trong những ngày vừa qua.
Cụ thể, từ ngày 15.6.2018, Nhật Bản cấp phép thêm 2 dây chuyền chế biến thịt gà của Việt Nam được đưa hàng vào nước này. Trước đó vào ngày 22.6.2017, Nhật Bản đã chính thức nhập khẩu thịt gà từ Việt Nam. Tất cả các sản phẩm thịt gà đều thuộc của Công ty TNHH Koyu & Unitek.
Cùng với gà, thịt heo của Việt Nam cũng mới được Myanmar cấp “visa”. Đây là nỗ lực của Tập đoàn Mavin và Công ty Sojitz (Nhật Bản). Theo hợp đồng, mỗi tháng sẽ có ít nhất 26 tấn thịt heo tươi cấp đông của Việt Nam được xuất khẩu vào Myanmar.
Trong bối cảnh nuôi trồng trong nước luôn đối mặt với tình trạng "được mùa mất giá" thì việc các nông sản liên tục được cấp phép và cấp phép mở rộng là tín hiệu lạc quan.
Dù vậy, chăn nuôi vẫn là ngành kém nhất trong nông nghiệp. Nhận xét về ngành chăn nuôi Việt Nam, ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin thẳng thắn : Chất lượng và điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế. Đây là rào cản của việc xuất khẩu sản phẩm thịt của Việt Nam ra nước ngoài.
Để đưa sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam ra nước ngoài, các doanh nghiệp này đã xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí là theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Tuy nhiên hiện nay, hiện mới chỉ các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện việc này.
Trong chuỗi giá trị gà xuất khẩu đi Nhật, nó là sự tham gia của: Công ty cổ phần Bel Gà (thuộc Tập đoàn Belgabroed của Bỉ), Tập đoàn De Heus (Hà Lan), Công ty TNHH Koyu & Unitek (Úc). Toàn bộ từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, đầu ra đều do các doanh nghiệp này phụ trách. Điều tương tự với chuỗi giá trị xuất khẩu thịt heo vào Myanmar. Người Việt chỉ bỏ vốn đầu tư nuôi gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Hay nói cách khác nền nông nghiệp Việt chính thức bước vào giai đoạn… gia công.
Giai đoạn học hỏi
Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra nước ngoài chỉ là một cột mốc đánh dấu quá trình gia công của ngành chăn nuôi. Thực tế ngành chăn nuôi của Việt Nam đã làm công cho doanh nghiệp ngoại từ cả chục năm qua. Họ cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… do doanh nghiệp ngoại khống chế thị phần đến 60 - 70%. Họ khống chế cả đầu vào lẫn đầu ra. Điển hình là trong đợt tăng giá thịt heo trong khoảng 2 tháng qua do các doanh nghiệp ngoại chi phối. Giá cả thị trường thịt tăng giảm theo giá thu mua của các doanh nghiệp FDI. Nhiều nông dân không chịu được áp lực thị trường đã chuyển qua nuôi gia công cho họ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đứng đầu trong lĩnh vực này là Công ty CP của Thái Lan, có đến khoảng 3.000 trang trại chăn nuôi heo gia công trên khắp cả nước; chiếm giữ 7% thị phần thịt heo; khoảng 20% thị phần thức ăn chăn nuôi... “Do mình quá yếu kém nên cần phải cho họ vào để tạo sự cạnh tranh, bước đầu sẽ khó khăn cho người Việt và doanh nghiệp Việt. Người Việt sẽ thấy mình yếu kém ở điểm nào, cần học hỏi khắc phục điều gì”, TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế (Đại học Nông Lâm TP.HCM) nói.
Nhưng học được gì thì lại phụ thuộc vào chính chúng ta.
Thủy sản được đánh giá là ngành cạnh tranh tốt nhất , TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản) chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng một ngành mạnh: Đó là phải dựa vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tổ chức, xây dựng các hiệp hội nghề nghiệp hoạt động độc lập và tích cực như VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam). Đây là hiệp hội hoạt động tích cực nhất trong số những hiệp hội ngành nghề ở Việt Nam. Việt Nam cần có nhiều hiệp hội ngành nghề mạnh, hoạt động thực chất để kết nối nông dân với doanh nghiệp, các doanh nghiệp với nhau và là nơi để góp ý xây dựng, phản biện chính sách.
Nguồn: Báo Thanh Niên