Chăn nuôi heo hơn một năm “ngụp lặn” trong bão giá

Hơn một năm ngành chăn nuôi heo chìm trong thua lỗ. Thời gian gần đây, giá heo có tăng nhưng vẫn ở mức thấp. Nếu duy trì mức giá heo hơi như hiện nay trong thời gian nữa, chăn nuôi nông hộ, trang trại sẽ chết, quay sang chăn nuôi thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài vẫn sống khỏe, nhờ chuỗi khép kín nên cắt giảm sản xuất, chi phí thấp.

Trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại tỉnh Nam Định

Giá heo hơi không tăng như kỳ vọng

Đầu tháng 3/2018, tại các địa phương chăn nuôi trọng điểm, giá thịt heo hơi đã dần đi vào ổn định. Cụ thể, tại các tỉnh miền Bắc như: Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam giá thịt lợn hơi dao động từ 33.000 đến 37.000 đồng/kg tùy loại. Khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ dao động từ 31.000 đến 34.000 đồng/kg. Khu vực phía Nam có giá thấp hơn, từ 27.000 đến 33.000 đồng/kg.

Đầu năm 2018, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng mạnh, làm dấy lên sự lo ngại về việc sản phẩm chăn nuôi lại phải kêu gọi “giải cứu”.

Chăn nuôi quy mô nhỏ có nguy cơ phá sản

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận định việc nhập khẩu sản phẩm đầu vào cho ngành chăn nuôi tăng mạnh cho thấy tổng đàn gia súc, gia cầm trong nước không những giảm mà còn tăng.

“Đối với con heo, nếu các đơn vị chăn nuôi chủ động giảm đàn từ khi xảy ra khủng hoảng giá vào đầu năm 2017 thì Tết vừa qua đã cân đối được cung cầu, giá về mức hợp lý. Tuy nhiên, thị trường thịt heo Tết vừa qua cho thấy vẫn khủng hoảng thừa dẫn đến dội hàng, giá thấp. Người chăn nuôi Đồng Nai đã có một cái Tết bất ổn nhất từ trước tới nay. Ngày 30 Tết, giá heo mảnh chợ sỉ chỉ 15.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thành. Thống kê đến cuối năm 2017 tại Đồng Nai cho thấy đàn heo vẫn chưa giảm được bao nhiêu, cuối năm 2017 là 2 triệu con. Trước đó, năm 2015, tổng đàn heo tại tỉnh này chỉ 1,6 triệu con, năm 2016 là 1,7 triệu và thị trường Trung Quốc lúc đó rất hút hàng” – ông Đoán phân tích.

Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, do ảnh hưởng của đợt giảm giá kéo dài từ đầu năm 2017 cho đến nay nên các hộ chăn nuôi heo đã bị sụt giảm trầm trọng. Chi cục Thú y Đồng Nai nhận định, nếu duy trì mức giá heo hơi như hiện nay thì thời gian tới, các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chỉ còn cách duy nhất là chăn nuôi thuê cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Trầm Quốc Thắng, Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi heo Tiên Phong (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), với cục diện ngành nuôi heo như hiện nay, chỉ sau 3 – 6 tháng nữa, chăn nuôi nông hộ, trang trại nhỏ sẽ sụp đổ. Chỉ còn DN lớn với tiềm lực tài chính dồi dào trụ lại chờ thị trường phục hồi.

“Trước đây, thị trường Trung Quốc quá hấp dẫn nên mọi người đổ xô nuôi heo. Vì đã trót đầu tư nên họ không dễ rút lui mà phải tiếp tục chăn nuôi. Do đó, dù chăn nuôi nông hộ có giảm nhưng đàn nuôi tại các công ty lớn vẫn chưa giảm, thị trường vẫn thừa. Từ Rằm tháng giêng trở đi, giá heo có dấu hiệu giảm tiếp, thị trường đang giao dịch ở mức chỉ 29.000 – 30.000 đồng/kg, người chăn nuôi rất khó khăn. Chúng tôi đang chuẩn bị dự án tổ chức lại sản xuất nhằm giúp xã viên giảm giá thành, tổ chức lại khâu phân phối để giữ nguồn sống cho người nuôi. Dự án này cần hỗ trợ tín dụng để nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này” – ông Thắng trăn trở.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 2 vừa qua, tổng đàn lợn của cả nước giảm khoảng 5,7%.

Nguy cơ bán mất đàn giống hạt nhân

Tại Sóc Trăng, ngành chăn nuôi tỉnh thua lỗ do giá bán thấp hơn giá thành sản xuất hơn 13 tháng qua. Tình hình kinh tế khánh kiệt, khả năng ngân hàng sẽ không cho vay thêm. Trong hoàn cảnh này, nếu tình hình giá heo không tăng để có lãi, các trang trại sẽ phải bán hết đàn giống hạt nhân (giống ông, bà, bố mẹ) mà nhiều năm gây dựng. Do giá thấp việc chăm sóc nuôi dưỡng phòng bệnh không tốt có thể xảy ra các bệnh truyền nhiễm: Tai xanh, lở mồm long móng… và lây lan, gây thiệt hại cho người dân và ngân sách tỉnh (do hỗ trợ tiêu hủy).

Hiệp hội chăn nuôi của tỉnh này đã gửi công văn lên nhờ Hội Chăn nuôi Việt Nam có văn bản và đề nghị với thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét cho khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay trung hạn để lưu giữ đàn giống gốc, chờ cơ hội giá tăng. Cùng với đó, đề nghị xem xét tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trang trại có đầu tư sản xuất quy mô được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất công nghệ cao…

Một doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi, mỗi năm sản xuất 200.000 con lợn giống, năm 2017 doanh số đạt 3,000 tỷ đồng nhưng bà con chăn nuôi thua lỗ công ty đã phải bán lợn giống thành lợn thịt, công ty thua lỗ 262 tỷ đồng.

Đơn vị này cũng kiến nghị kiến nghị đến Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, Bộ NN&PTNT có chỉ đạo hiệu quả đến các tổ chức tín dụng bằng văn bản để giải quyết cho doanh nghiệp: Cơ cấu lại lịch trả nợ theo phương án kinh doanh và trả nợ của công ty, đồng thời giữ lạ nguyên nhóm nợ; Giảm lãi vay các món nợ cơ cấu, chuyển chi phí lãi vay thành nợ gốc, trả nợ gốc trước và lãi vay sau; Tiếp tục cho vay thêm nguồn vốn để đầu tư, bổ sung ngắn hạn để kinh doanh.

Mà theo lãnh đạo của công ty này, nếu được giải quyết các kiến nghị trên, chắc chắn doanh nghiệp sẽ ổn định sản xuất và có đủ khả năng thanh toán gốc và lãi vay cho ngân hàng, đồng thời sẽ cung cấp hàng năm ra khoảng 200.000 con lợn giống chất lượng cao, 200.000 tấn thức ăn chăn nuôi sinh học cho thị trường sản xuất thực phẩm sạch, tạo được công ăn việc làm cho gần 300 lao động, đóng góp nhiều tỷ đồng tiền thuế.

Đối với ngành chăn nuôi lợn, công ty chắc chắn giữ được bộ giống gốc mà bộ đã giao, hỗ trợ trong 10 năm qua, đây cũng là cơ sở duy nhất hiện nay quản lý giống bằng phần mềm, tính toán được giá trị huyết thống và giá trị index, là nền tảng đưa chăn nuôi lợn giống nước ta ngang tầm với thế giới.

Các doanh nghiệp FDI vẫn tăng đàn?

Có hai xu hướng chăn nuôi heo trái ngược nhau trong suốt một năm vừa qua. Đó là trong khi rất nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ giảm đàn hoặc nghỉ chăn nuôi thì các công ty chăn nuôi lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI lại không giảm, thậm chí còn tăng đàn.

“Nếu chăn nuôi khép kín và ứng dụng công nghệ thì mức giá hiện nay chưa chắc các công ty đã lỗ. Hơn nữa, họ có những kế hoạch kinh doanh của mình nên có thể trong khi người nuôi nhỏ lẻ bỏ thì họ lại tăng đàn để chiếm thị trường” – ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai nhận định.

Ông Trần Đình Thức, giám đốc một công ty chuyên cung cấp dinh dưỡng chăn nuôi tại Đồng Nai cho hay, kịch bản của ngành nuôi heo đang diễn ra giống ngành nuôi gà công nghiệp hơn 10 năm trước. Khi đó, các công ty lớn, chủ yếu là doanh nghiệp FDI, cũng chỉ chiếm khoảng 20 – 30% tổng đàn đã tận dụng cơ hội giá gà giảm sâu để chiếm lĩnh thị trường.

Những đợt tăng và giảm giá liên tục diễn ra khiến cho người chăn nuôi nhỏ lẻ kiệt sức phải bỏ nghề hoặc chuyển sang nuôi gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đến nay, thị trường gà công nghiệp trị giá nhiều tỉ USD đã cơ bản thuộc về nhóm các công ty FDI.

“Thời điểm đó thịt gà đông lạnh nhập khẩu hầu như không đáng kể nên giá cao hay thấp là do các công ty FDI quyết định. Không loại trừ ngành nuôi heo cũng đang bị các công ty nước ngoài thao túng để chiếm lĩnh thị trường” – ông Thức nói.

Trao đổi về vấn đề này, giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp chăn nuôi FDI cho rằng việc sắp xếp lại thị trường chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, nói rằng đây là âm mưu của những doanh nghiệp lớn cũng không đúng… Hơn nữa tình hình chăn nuôi bây giờ cũng khác. Thêm nhiều đại gia chăn nuôi nước ngoài vào Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn trong nước cũng tham gia.

Do đó, ngành nuôi heo sẽ đi theo hướng liên kết và làm thương hiệu giữa những nhà sản xuất lớn và theo chuỗi giá trị.

“Những công ty lớn thời gian qua dù lỗ vẫn phải tăng đàn là vì kế hoạch kinh doanh đã lên từ 3 – 4 năm trước, chuồng trại đã đầu tư. Công ty lớn cũng kỳ vọng sau khi người nuôi nhỏ giảm đàn giá sẽ tăng trở lại, khi đó họ sẽ lấy lời bù lỗ hiện nay” – vị giám đốc này cho hay.

Nguồn: Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam