Giá lợn hơi ở miền Bắc khoảng 60.000-65.000 đồng/kg sau 8 tháng diễn ra dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù hàng triệu con lợn đã bị tiêu huỷ do dịch nhưng giá lợn tăng lại không phải do thiếu nguồn cung.
Trước thực trạng giá thịt lợn liên tục tăng giá, đã lên tới trên 60.000 đồng/kg lợn hơi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định giá tăng là do tâm lý chung của thị trường chứ thực tế chưa thiếu thịt lợn.
Thông tin này được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra tại hội nghị “Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 17/10, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng bản thân cung thịt lợn chịu tác động của dịch tả lợn châu Phi nên nguồn thịt lợn giảm so với cùng kỳ mọi năm. Sau 8,5 tháng diễn ra dịch tả lợn châu Phi, số liệu kê khai từ các hộ gia đình cho thấy tổng khối lượng thịt lợn giảm hơn 8%. Tuy nhiên, tỷ lệ sụt giảm này không phải là nguyên nhân chính khiến cho giá thịt lợn tăng cao mà còn có nhiều yếu tố.
“Như chúng ta đã biết, Trung Quốc là thị trường tiệu thụ nguồn thịt lợn lớn và quốc gia này cũng đang gặp nhiều thiệt hại cực lớn do dịch tả lợn châu Phi, rất mất cân đối về cung và cầu nghiêm trọng. Thậm chí giá thịt lợn có những vùng tại Trung Quốc lên rất cao, tới 150.000 đồng/kg lợn hơi. Chính yếu tố này cũng đang tác động đến giá thịt lợn,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Mặc khác, hiện nay do giá lợn tăng cao, một số hộ gia đình đã giữ đàn lợn để tăng trọng lượng cao hơn, bình thường chu kỳ nuôi 3-3,5 tháng với trọng lượng 90-100 kg là sẽ bán, một số hộ có tâm lý “găm hàng” chờ giáo cao, thậm chí 150-180 kg mới bán, tạo nên tâm lý thiếu nguồn cung giả ở thời điểm này.
Ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin khẳng định lượng lợn ở Việt Nam không thiếu trầm trọng. Giá lợn tăng một phần là do chi phí sản xuất thịt lợn ngày hôm nay đã tăng cao hơn rồi. Chi phí do quá trình kiểm soát dịch bệnh, giá đầu vào tăng nên giá tăng lên là một điều hết sức bình thường.
Theo ông Đào Mạnh Lương, giá thịt lợn của Mavin sẽ theo mức trung bình của thị trường, hiện nay là 60.000-61.000 đồng/kg để đảm bảo chi phí sản xuất. Công ty có chiến lược rõ ràng, khi lợn đạt 100kg là cung cấp ra thị trường. Trong 4 tháng nữa cho đến Tết, MAVIN sẽ cung ứng khoảng 100.000 con lợn ra thị trường.
“Giá hiện nay ở mức 60.000 đồng/kg không phải là giá cao nếu so sánh với lịch sử giá và chi phí sản suất đã tăng lên. Vào cuối năm, lượng cung vào thị trường cuối năm sẽ tăng liên tục, nhưng giá các dịch vụ khác như gà, vịt, bò không tăng quá cao. Dự báo, giá thịt lợn sẽ cao hơn hiện tại nhưng không quá cao,” ông Đào Mạnh Lương nói.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco cho biết chi phí chăn nuôi lợn hiện rất cao. Tính đơn giản trong giá thành sản xuất, nếu tự sản xuất con giống đã lên tới 1,2-1,3 triệu đồng/con, chi phí thú y khoảng 1,3 triệu đồng/con, đặc biệt chi phí thuốc sát trùng từ người, xe, chuồng trại… đều tăng lên rất nhiều. Do đó, khi thực hiện chính sách bình ổn thị trường cuối năm, các bộ ngành, địa phương ưu tiên nhiều hơn cho mặt hàng thịt lợn.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng Việt Nam hiện hoàn toàn đủ nguồn thực phẩm cho tiêu dùng. Người tiêu dùng nên chuyển một phần sang sử dụng các sản phẩm như thịt gà, thịt bò, thủy sản. "Cùng với sự quyết liệt, cẩn trọng trong tái đàn, Việt Nam hoàn toàn không thiếu thịt lợn, chắc chắn không phải nhập thịt lợn cho dịp Tết này," ông Dương cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Về tổng thể sẽ không thiếu nguồn thực phẩm vì chúng ta đang có cơ hội tái đàn tốt. Cùng với các sản phẩm khác đủ cung ứng nguồn thực phẩm sẽ giúp bình ổn giá và không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng cuối năm.”
Theo số liệu của 63 tỉnh thành dự kiến đàn lợn tại 31/8/2019 sẽ khoảng 23-23,5 triệu con, trong đó đàn nái khoảng 2,8-2,9 triệu con. Như vậy, với số lượng đàn nái như trên nếu tái đàn sẽ hoàn toàn chủ động được con giống./.
Nguồn: Báo Vietnam Plus