Thành công của ngành chăn nuôi là sau hơn 8 tháng kể từ khi bùng phát dịch tả lợn Châu Phi, đến nay đàn lợn hạt nhân cụ kỵ, ông bà vẫn được giữ an toàn với quy mô khoảng 109.000 con.
Ngành chăn nuôi giữ được đàn lợn hạt nhân giống gốc trên 100.000 con đến thời điểm hiện tại được coi là thành công lớn nhất trong phòng chống dịch tả heo Châu Phi.
Tại hội nghị Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững sáng 17/10 tại Hà Nội do Bộ NN-PTNT tổ chức, ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin chia sẻ: Duy trì được đàn giống cụ kỵ, ông bà 109.000 con đến thời điểm này chính là thành công lớn nhất trong phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Bởi theo đàn hạt nhân cụ kỵ, ông bà chính là tư liệu, nền tảng, tiền đề vô cùng quan trọng mang tính sống còn phục vụ cho tái đàn, phát triển chăn nuôi thời gian tới.
Ông Đào Mạnh Lương cho biết, Mavin vẫn giữ được lợn 2.000 cụ kỵ, 4.000 lợn ông bà và 23.000 lợn nái sinh sản. Lúc đầu, khi dịch mới xảy ra Mavin cũng rất bí không biết xử lý, phòng chống như thế nào, nhưng đến nay đã sáng tạo ra nhiều giải pháp an toàn sinh học để tiếp tục giữ và phát triển đàn nái trong thời gian tới.
“Về giá lợn hơi ngoài thị trường trên 60.000 đồng/kg như hiện nay theo tôi là mức hợp lý bởi chi phí sản xuất phòng dịch quá cao, chắc chắn không có giá trên dưới 40.000 đồng như trước. Giá 60.000 đồng/kg hiện chỉ bằng giá 50.000 đồng của lúc bình thường. Tôi không biết các doanh nghiệp khác thế nào chứ giá thành chăn nuôi lợn của Mavin hiện tại phải tăng thêm 10.000 - 12.000 đồng/kg so với trước”, ông Đào Mạnh Lương khẳng định.
“Nguyên nhân các doanh nghiệp không công bố dịch là do các chính sách chưa hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu công bố dịch tả lợn Châu Phi sẽ bị tiêu hủy toàn bộ nên phần lớn doanh nghiệp hạn chế việc công bố mà tự xử lý khi phát hiện dịch. Do đó, kiến nghị Nhà nước sớm xây dựng, sửa đổi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sát hơn, thiết thực hơn nữa bởi không ai khác chính doanh nghiệp mới là đối tượng chính để tái đàn”, ông Nguyễn Như So kiến nghị.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, từ đầu tháng 9 vừa qua doanh nghiệp bắt đầu cho tăng và tái đàn trở lại. C.P Việt Nam vẫn đang duy trì được đàn cụ kỵ 12.000 con, ông bà 30.000 con và đàn nái bố mẹ 260.000 con, tổng cộng trên 300.000 con.
C.P Việt Nam đang tính tới phương án tới đây sẽ phân chia heo giống thành hai loại, trong đó loại 1 tiếp tục ưu tiên gia công cho người dân, khách hàng, loại 2 có thể tiến hành chăn nuôi nội bộ để tốc độ khôi phục tổng đàn đực nhanh hơn.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So cảnh báo việc tái đàn với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải hết sức thận trọng bởi nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn ở mức cao, thực tế rất nhiều hộ nông dân tái đàn xong lại bị dịch, thiệt hại chồng thiệt hại.
Lấy dẫn chứng ngay tại chính Dabaco, ông So cho biết Dabaco trước dịch có khoảng 60.000 nái, nhưng hiện tại sau quá trình tái cơ cấu, thải loại, hao hụt hiện còn khoảng 40.000 con. Ông So cũng bày tỏ, riêng đàn lợn cụ kỵ 6.000 con vẫn được được Dabaco giữ an toàn đến thời điểm này.
Nguồn: Báo Nông nghiệp