Giá gà lông trắng xuống mức thấp nhất 10 năm qua, chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg, rẻ hơn cả giá rau nên nông dân thua lỗ nặng. Có hộ chăn nuôi mỗi ngày lỗ tới 200 triệu đồng vì giá gà rớt thê thảm.
Ông Nguyễn Tấn Tam - một hộ chăn nuôi gà quy mô lớn tại tỉnh Bình Dương - than thở: “Mỗi ngày tôi lỗ khoảng 200-270 triệu đồng vì gà công nghiệp thời gian này rớt giá thê thảm”.
Trang trại nhà ông nuôi 650.000 con gà, mỗi ngày xuất bán khoảng 10.000 con gà lông trắng ra thị trường, trọng lượng 2,7-2,8 kg/con. Song, gần một tháng nay, giá gà loại này giảm chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất khoảng 24.000-25.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi 1kg thịt gà khi xuất chuồng, ông lỗ 12.000 đồng.
Theo ông Tam, có hai nguyên nhân dẫn đến giá gà giảm mạnh trong thời gian gần đây là do lượng thịt gà nhập khẩu tăng đột biến và do tổng đàn gia cầm tăng mạnh vì dịch tả lợn châu Phi bùng phát, người nuôi lợn chuyển sang nuôi gà. “Nếu Chính phủ, ngành chức năng không can thiệp kịp thời, hạn chế gà nhập lậu giá rẻ tràn lan thì người chăn nuôi trong nước sẽ không thể chống chọi được”, ông Tam lo lắng.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ - thừa nhận, từ tháng 5, giá gà các loại tại khu vực Đông Nam Bộ có dấu hiệu sụt giảm. Hiện tại, giá gà lông trắng chỉ còn 12.000 đồng/kg, rẻ hơn cả giá rau ngoài chợ. Trong khi, giá gà lương phượng dịp này giá cũng chỉ còn 30.000 đồng/kg.
Với mức giá trên, người chăn nuôi gà lương phượng vẫn hoà vốn, chưa thua lỗ. Còn với gà trắng, người nuôi đang lỗ nặng khi mỗi 1kg gà xuất bán ra thị trường họ lỗ ít nhất 10.000 đồng.
Ông Ngọc lý giải, nguyên nhân khiến giá gà trong nước giảm mạnh là do thịt gà nhập khẩu về Việt Nam quá nhiều. Trong khi nguồn cung gà nội địa cũng tăng lên vì người dân bỏ nuôi lợn chuyển sang nuôi gà.
Thực tế, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), giai đoạn từ 2016-2018, mỗi năm bình quân nước ta chỉ nhập khẩu khoảng 85-128 ngàn tấn thịt gia cầm với kim ngạch nhập khẩu từ 80-116 triệu USD/năm. Song, riêng 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập 87,8 ngàn tấn với kim ngạch nhập khẩu là 78,6 triệu USD.
Đơn vị này cũng nhận định, giá trứng và thịt gà trong thời gian qua ở mức thấp do dịch tả lợn châu Phi khiến người chăn nuôi lợn chuyển sang nuôi gà, vịt thay thế dẫn đến nguồn cung ngày một tăng, trong khi giá gà nhập khẩu về Việt Nam chỉ 18.000 đồng/kg, cạnh tranh với thịt gà nội địa.
Trong khi đó, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, tổng đàn gia cầm của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Ở những vùng chăn nuôi lớn, số lượng đàn gà tăng đột biến.
Trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn bị tiêu huỷ lên tới con số vài triệu con dẫn tới lo ngại thiếu nguồn cung vào cuối năm, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường từng cảnh báo nếu biện pháp tổ chức chỉ đạo sản xuất không tốt, cuối năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn.
Vì vậy, ông Cường yêu cầu phải tập trung phát triển những nhóm thực phẩm khác để bù đắp lại như nuôi gia cầm, đại gia súc, thuỷ sản trên nguyên tắc phát triển theo chuỗi, đảm bảo an toàn sinh học.
Song, ông cũng cảnh báo, việc phát triển các nhóm thực phẩm khác thay thế, bù đắp cho việc thiếu thịt lợn là cần thiết, nhưng khi làm cần chú ý đến cả thị trường, tránh tình trạng hạng sản xuất ra không bán được, giá lại rẻ.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, tổng đàn gia cầm tại khu vực Đồng Nai tăng đột biến do người nuôi lợn bỏ sang nuôi gia cầm. Riêng đàn gà đã đạt tới 28 triệu con, tăng gần 6 triệu con so với thời điểm cuối năm ngoái.
Nguồn: VietnamNet