Cuộc chiến chống “thịt giả” đã bắt đầu: Thịt là gì?

Những người sản xuất thịt động vật bắt đầu tuyên chiến với những hãng sản xuất thịt thực vật bằng một kiến nghị định nghĩa lại thịt.

Thịt là gì?

Thuở trước, sự phân biệt thực đơn giản. Động vật là thịt, và thực vật không phải thịt. Nhưng hiện nay, do nuôi trồng, việc phân biệt khó hơn rất nhiều, hoặc có người gọi thẳng ra là thịt “giả”.

Những công ty như Impossible Foods và Beyond Meat đang sử dụng các phòng lab khoa học và nông trại thay cho thịt động vật, để tạo ra các sản phẩm cạnh tranh với những món nướng truyền thống như burger và hot dog. Hiệp hội những người chăn nuôi Mỹ đang vẽ ra một đường rạch ròi và bắt đầu nã “loạt súng” đầu tiên trong một cuộc chiến lâu dài vào thực phẩm gốc thực vật. Khoảng đầu tháng này, hiệp hội gởi một kiến nghị dài 15 trang cho bộ Nông nghiệp Mỹ kêu gọi có một định nghĩa chính thức đối với từ “thịt bò”, và nói rộng hơn là “thịt”.

“Trong khi vào lúc này các nguồn protein thay thế không phải là đe doạ trực tiếp đến ngành chăn nuôi bò, chúng tôi nhận thấy việc dán nhãn các sản phẩm không phù hợp chẳng khác nào lừa dối”, Lia Biondo, giám đốc chính sách và phát triển của hiệp hội Những người chăn nuôi, nói. “Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn ngay từ đầu trước khi vấn đề trở nên trầm trọng”.

Cuộc chiến chống “thịt giả” đã bắt đầu: Thịt là gì?

Sản phẩm thịt gốc thực vật bắt đầu chiếm lĩnh thị phần khi người tiêu dùng chọn ăn cả protein động vật và thực vật.

Không phải ai cũng nhìn theo cách đó. Ethan Brown, sáng lập kiêm CEO của Beyond Meat, cho rằng người tiêu dùng đã biết cái họ tìm kiếm khi họ dạo qua kệ hàng. “Tôi nghĩ rằng hiện nay việc đó giúp chúng tôi nhiều hơn là ngăn trở chúng tôi, vì đã bắt đầu có những tranh biện thịt thực sự là gì, và nguồn gốc của thịt có thực sự là vấn đề đối với người tiêu dùng hay không”, Brown nói.

Hiệp hội Chăn nuôi cho rằng nếu một sản phẩm được dán nhãn là “thịt bò”, nó phải được làm ra từ thịt bò. Và điều đó có nghĩa là những sản phẩm như burger thực vật và Tofurky không được làm điều đó. Trong khi những thực phẩm đó thường được gọi là “thịt giả”, thị trường sản phẩm thay thế thịt còn lớn hơn.

Viện Thực phẩm tốt vốn bênh vực việc cung ứng thực phẩm bền vững, chia rạch ròi thành hai loại: thịt sạch và thịt từ thực vật. Thịt sạch là “thịt” được nuôi trồng trong phòng lab từ một lượng nhỏ các tế bào mầm của động vật. Loại thịt đó chưa có trên thị trường, nhưng đang được phát triển.

Thịt từ thực vật là bất cứ thứ gì nhái thịt truyền thống, nhưng được làm ra chủ yếu từ các thành phần thực vật. Chẳng hạn, Beyond Meat là một hãng sảng xuất protein thực vật, làm ra các thực phẩm trong một nhà máy mà không sử dụng động vật. Beyond Burger lại quá “giống thịt”, thậm chí sản phẩm còn được đưa vào các kệ thịt trong các tiệm tạp hoá. Và không chỉ có những người ăn chay mới ăn các burger gốc thực vật.

“Từ phía người tiêu dùng chúng tôi thấy rằng đi vào kệ thịt để mua các burger thực vật của chúng tôi, khoảng 70% là những người linh hoạt, những người có thịt trong chế độ ăn cũng như protein không từ thịt”, Brown nói.

Dữ liệu từ HealthFocus International cho thấy 60% người tiêu dùng Mỹ muốn giảm tiêu thụ các sản phẩm từ thịt. Trong số cắt giảm ấy, 55% cho biết họ thay đổi vĩnh viễn. Vì vậy, đối với các công ty đổ tiền vào thị trường thực phẩm gốc thực vật, một cuộc chiến tranh về tên gọi có thể làm cho mối quan hệ của ngành thịt bò lung lay.

“Chúng tôi nghĩ rằng người chăn nuôi phải đối mặt với cạnh tranh”, Jessica Almy, giám đốc chính sách của viện Thực phẩm tốt, nói. “Hoặc như Tyson và Cargill, họ có thể đầu tư vào tương lai. Nhưng thay vì làm vậy, họ kiến nghị bộ Nông nghiệp (USDA) làm cảnh sát trong việc sử dụng một vài từ trên nhãn và nghiêng sân chơi về phía có lợi cho người chăn nuôi”.

Mời chính quyền vào các cuộc đối thoại thương mại là sẽ đụng đến Tu chính án thứ nhất, Almy bồi thêm. “Tôi nghĩ rằng với kiến nghị này, người chăn nuôi vi phạm Tu chính án thứ nhất nếu USDA chiều theo họ. Chính phủ chỉ có quyền điều chỉnh quyền tự do ngôn luận, như yêu cầu các công ty thịt thực vật và thịt sạch dán nhãn sản phẩm như thế nào, nếu như điều đó cần thiết để người tiêu dùng không bị ngộ nhận”.

Chắc chắn rằng đây không phải là trận chiến đầu tiên về dán nhãn thực phẩm. Chẳng hạn như ngành sữa đã từng có những trận chiến pháp lý với những sản phẩm như “bơ” và “margarine”, hoặc “sữa” và “sữa đậu nành” trong nhiều năm. Nông dân chăn nuôi bò sữa muốn rằng “sữa” và “yogurt” là độc quyền của họ. Hơn 20 năm vẫn chưa có sự đồng thuận. Giờ đây chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến tương tự với người chăn nuôi súc vật.

Allied Market Research cho biết ngành protein thực vật có thể mang lại 5,2 tỷ USD doanh số vào năm 2020, có nghĩa là sẽ có rất nhiều sản phẩm “thịt giả” nằm trên kệ.

Nguồn: Báo Dân Việt