Ngành chăn nuôi đang chịu sức ép quá lớn từ nguồn thịt gia súc, gia cầm ngoại nhập lẫn những khó khăn trong nước.
Cả chục năm qua thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ nước ngoài tràn về Việt Nam với số lượng năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, người chăn nuôi trong nước vẫn cầm cự được, thậm chí có lời nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi đành "thất thủ". Đầu tiên là vỡ trận gà công nghiệp, giá gà xuống thấp chỉ còn trên dưới 20.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm còn 13.000-14.000 đồng/kg. Sau đến thịt heo hơi "tuột" giá không phanh, từ 45.000-50.000 đồng/kg rơi thẳng xuống 25.000-28.000 đồng. Có thời thời điểm chỉ còn 17.000-18.000 đồng/kg cũng không có người mua.
Giá thế giới quá rẻ
Ông Ngô Thanh Long, giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm tại TP HCM, cho biết nhiều năm qua giá thịt gia súc, gia cầm trên thế giới rất rẻ, thậm chí những mặt hàng phụ phẩm - như của gà - được bán rẻ như cho, nhập về Việt Nam chỉ tốn tiền thuế, phí vận chuyển.
Thịt heo nhập khẩu về Việt Nam có nguồn gốc từ Canada, Đức, Hà Lan, mỗi tháng nhập về khoảng 1.000 tấn, với mức giá từ 1.200-2.500 USD/tấn (từ 30.000-50.000 đồng/kg, tùy loại). Thịt bò Úc, Mỹ, mỗi tháng nhập khoảng 1.000 tấn, với giá 2.000 USD/tấn. Thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ, mỗi tháng nhập hơn 10.000 tấn, được tiêu thụ khá nhiều và được người bán giới thiệu là thịt bò. Mặt hàng này có giá nhập khẩu về đến Việt Nam chưa tới 1.200 USD/tấn, chỉ tương đương 30.000 đồng/kg nhưng khi tiêu thụ trên thị trường có giá bán tăng lên gấp đôi, từ 60.000-70.000 đồng/kg.
Trong khi đó, thịt heo trong nước bán lẻ trên thị trường chỉ dao động từ 80.000-150.000 đồng/kg, tùy loại. Tương tự, thịt bò trong nước có giá bán lẻ từ 180.000-260.000 đồng/kg. Giá thịt gà dao động từ 45.000-60.000 đồng/kg. Do giá thịt gia súc, gia cầm trong nước cao nên hàng ngoại nhập cùng loại được các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, các quán ăn, bếp ăn công nghiệp chọn sử dụng nhiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá bán xuất chuồng tại các trại chăn nuôi xuống thấp, đẩy người chăn nuôi bị thua lỗ triền miên.
Giới kinh doanh cho biết thời điểm trước Tết do giá sản phẩm gà ở Mỹ xuống thấp nên nhiều doanh nghiệp tranh thủ nhập về với số lượng khá lớn, khoảng gấp đôi so với những tháng thông thường nhưng chỉ cần 2 tháng là tiêu thụ hết sạch. Ngoài nguồn nhập khẩu chính thức, sản phẩm gia súc, gia cầm còn được tuồn vào thị trường Việt Nam theo dạng tạm nhập tái xuất với số lượng rất lớn. Hai nguồn thịt này đã thao túng thị trường khiến giá chăn nuôi trong nước không thể nhích lên nổi.
Giá thành chăn nuôi khá cao
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết giá thành chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Việt Nam thời gian qua còn khá cao so với khu vực (so với các nước tiên tiến trên thế giới thì còn cao hơn). Chẳng hạn, giá chăn nuôi heo cao hơn từ 25%-30%, gia cầm cao hơn 15%, sản xuất trứng gia cầm cao từ 12%-13% so với khu vực. Đơn cử, giá thành chăn nuôi gà ở Thái Lan chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, còn trong nước có thời điểm lên đến 27.000-28.000 đồng/kg.
Sở dĩ giá thành chăn nuôi gà trong nước cao là do giá thức ăn chăn nuôi quá cao, con giống chưa được cải thiện và hệ thống chuồng trại còn thô sơ. Tuy nhiên, từ khi thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm xuống 0% (trước đây từ 5%-10%) đã góp phần kéo giảm giá thành chăn nuôi trong nước. Hiện nay giá thành chăn nuôi heo trong nước giảm còn khoảng 34.000 đồng/kg nhưng vẫn cao hơn Thái Lan 4.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch gia cầm Miền Đông, cho biết giá thành chăn nuôi gà công nghiệp hiện nay vẫn còn khá cao so với thế giới chủ yếu những hộ nuôi nhỏ lẻ (chiếm số lượng lớn) vẫn còn sử dụng chuồng trại thủ công, tỉ lệ hao hụt cao, nên giá thành vẫn còn khá cao lên 24.000-25.000 đồng/kg. Trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi gà công nghiệp đã trang bị hệ thống chuồng lạnh nên chi phí được kéo giảm đáng kể, giá thành hiện còn khoảng 22.000 đồng/kg.
Khâu trung gian, thương lái cũng là một trong những yếu tố góp phần đẩy giá bán lẻ các loại thịt gia súc, gia cầm trong nước tăng cao làm cho người tiêu dùng giảm sức mua. Theo tính toán từ giới kinh doanh, trong 2 năm qua, chỉ riêng mặt hàng thịt heo sức tiêu thụ đã giảm khoảng 10%.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng cần phải nhanh chóng hoàn chỉnh được chuỗi cung cấp thực phẩm, loại bỏ khâu trung gian để người tiêu dùng không phải mua thịt heo, gà với giá cao. Giá heo từ trại chăn nuôi đến nơi giết mổ ra chợ đầu mối chỉ nên chênh lệch khoảng 10.000 đồng/kg, tương tự từ chợ đầu mối đến nơi bán lẻ chênh lệch 10.000 đồng/kg là hợp lý.
Phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết trong chăn nuôi thì thức ăn chiếm đến 70% giá thành. Do đó, nếu giảm được giá thức ăn chăn nuôi sẽ kéo giá thành chăn nuôi xuống theo. Để làm được việc này, trước hết trong nước phải đáp ứng được nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi do lâu nay phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu với đủ loại chi phí rất cao. Cụ thể, chỉ riêng chi phí vận chuyển nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về đến Việt Nam đã mất 60-100 USD/tấn, tùy khu vực. Về Việt Nam còn phải tốn chi phí lưu kho ở cảng, chi phí vận chuyển về nhà máy.
Một thống kê cho thấy hằng năm các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phải nhập khẩu hơn 10 triệu tấn nguyên liệu các loại như bắp, đậu nành, trị giá từ 3,3-3,5 tỉ USD bởi sản lượng trong nước không đủ cung cấp cho các nhà máy. Chưa kể, giá nguyên liệu trong nước không ổn định nên các nhà máy thường chọn nguyên liệu nhập khẩu. Theo doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, để giảm được giá thành chăn nuôi cần phải có nhà nước tham gia tạo nên vùng nguyên liệu đủ lớn cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, từ đó giảm bớt phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Nguồn: Báo Người Lao Động