Các doanh nghiệp cần nghiêm túc ngồi lại tìm giải pháp cứu ngành nuôi heo

Theo khảo sát của Sở NN-PTNT Đồng Nai, với giá heo đang "chìm sâu" ở mức 27.000 - 28.000 đồng/kg thì chỉ có trang trại nuôi heo thuộc hệ thống các Cty FDI mới có lợi nhuận, ở mức khoảng 1.000 đồng/kg. Còn lại, các trang trại tư nhân thua lỗ ít nhất 6.000 đồng/kg, và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có mức lỗ "đậm" nhất lên đến 10.000 đồng/kg.  

Vì sao heo rớt giá lâu?

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Diên Tường - GĐ Cty CP nông súc sản Đồng Nai (Dolico), tất cả hình thức chăn nuôi từ người nuôi nhỏ lẻ đến DN trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện nay cũng đều lỗ tuốt. “Mọi người cùng thua, không có ai thắng hết. Kẻ lớn thua lớn, kẻ nhỏ thua nhỏ, kẻ vừa thua vừa”, ông Tường khẳng định.

Vẫn theo ông Tường, nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh bi đát của ngành chăn nuôi là ngoài chuyện đầu ra, giá cả thì tất cả mọi nguồn cơn vẫn là bài toán cung cầu.

"Hiện cung vượt cầu vẫn còn lớn, sản lượng làm ra quá nhiều nhưng người tiêu thụ cũng chỉ có từng đó nên giá rớt "nằm" lâu là phải. Tôi dự báo giá heo sẽ tiếp tục giảm vì thị trường cung vượt cầu vẫn còn lớn. Đến lúc này, cơ quan chức năng và người chăn nuôi, trong đó có sự tham gia của các DN FDI, là những đơn vị đang điều khiển thị trường cần phải nghiêm túc ngồi lại để cùng tìm giải pháp cân bằng cán cân cung cầu, phải xem đây là cơ hội sàng lọc để ngành chăn nuôi khỏe mạnh hơn. Các cơ sở chăn nuôi, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ cũng nên tính toán lại, dừng đầu tư kịp thời để tránh rơi vào cảnh càng nuôi càng lỗ”, ông Tường chia sẻ.

Ông Chung Kim (Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Bình Dương) cho rằng, thời gian qua ngành chăn nuôi phát triển không theo quy luật cung cầu mà chạy theo tín hiệu thị trường. Khi thị trường Trung Quốc tăng mua, chăn nuôi phát triển ào ào, đến khi Trung Quốc ngưng mua thì để lại hậu quả dư thừa, mất giá.

Theo ông Kim, ngành chăn nuôi phải lấy thị trường làm trung tâm, phải thực hiện liên kết chuỗi, sản xuất sản phẩm sạch với giá thành rẻ nhất thì mới có thể tồn tại và phát triển bền vững. 

Ông cho nay, sản phẩm thịt heo trong nước chỉ còn lợi thế dựa vào tập quán tiêu dùng "thịt nóng" của người Việt. Trong khi hai yếu tố còn lại là giá cả và VSATTP thì không thể cạnh tranh lại với các sản phẩm thịt nhập ngoại. Tuy nhiên, do xu thế hội nhập thì người tiêu dùng cũng sẽ điều chỉnh, có thể chuyển dần tập quán tiêu dùng "thịt nóng" sang các sản phẩm đóng gói, thịt heo đông lạnh. "Hiện tập quán này đã thay đổi đối với ngành thực phẩm chế biến. Tất cả thực phẩm chế biến đóng hộp của chúng ta đang có 80% lượng thịt nguyên liệu là của các DN nhập khẩu, họ không còn dùng sản phẩm chăn nuôi trong nước nữa", ông Kim thông tin.  

Củng cố giá và VSATTP

Ngoài sản xuất sạch, việc liên kết sản xuất cũng là yêu cầu mà một số chuyên gia ngành chăn nuôi cho rằng “phải có” để phát triển bền vững.

Nếu liên kết thì người chăn nuôi có thể mua cám, thuốc thú y của các Cty lớn, bớt gánh nặng khâu trung gian. Đồng thời với chuỗi liên kết, việc liên hệ bán hàng trực tiếp cũng thuận lợi hơn, tránh được việc phải bán qua trung gian là thương lái như hiện nay. “Xuất phát từ thực tế, nếu không tham gia vào các chuỗi liên kết thì chúng ta sẽ khó mà tồn tại được”, ông Chung Kim nói.

Ông Phạm Thành Kiên - GĐ Công thương TP.HCM cho hay, TP vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của các sản phẩm chăn nuôi heo các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Qua khảo sát của ngành Công thương cho thấy, người tiêu dùng khi mua thực phẩm chăn nuôi thường dựa vào ba tiêu chí để lựa chọn, đó là tập quán, giá cả và VSATTP.

Từ thực tế đó, ông Kiên cho rằng, việc cần làm là phải củng cố hai yếu tố còn lại là giá cả và VSATTP. Đặc biệt, vấn đề VSATTP phải là ưu tiên hàng đầu. Bởi, diễn biến trên thị trường vừa qua, tình trạng thiếu VSATTP đã làm lung lay nếu không muốn nói là đánh mất lòng tin của người tiêu dùng. Do đó, muốn tồn tại và phát triển bền vững, trước hết ngành chăn nuôi phải lấy lại lòng tin. Xuất phát từ thực tế này mà ngành Công thương TP.HCM đã quyết liệt triển khai Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng.

“Trong bối cảnh vàng thau lẫn lộn, thịt đạt chuẩn cũng như không đạt chuẩn, việc thực hiện truy xuất để xây dựng thương hiệu heo từng địa phương là rất cần thiết. Khi có thương hiệu mới có thể bứt phá, thoát ra khỏi một mớ sản phẩm cá mè một lứa như hiện nay”, ông Kiên nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp VN