Khảo sát tại ba miền Bắc, Trung, Nam, giá thịt lợn những ngày qua vẫn ở mức thấp chỉ khoảng từ 26 – 30 nghìn đồng/kg. Người chăn nuôi chưa thoát khỏi cơn bĩ cực về giá, dù tháng 5 vừa qua, ngành chăn nuôi lợn vừa được "giải cứu".
Thời gian qua, ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển ngoạn mục, gia tăng sản phẩm và giá trị. Trong 5 năm gần đây, sản lượng tăng trưởng luôn cao hơn so với bình quân khu vực.
Cụ thể, sản lượng đạt 5-10% tuỳ theo từng lĩnh vực, trong đó gia cầm và lợn tăng 5 - 7% sản lượng thịt, trứng tăng trên 10%, chăn nuôi bò sữa tăng trưởng trên 2 con số..., đóng góp cho giá trị gia tăng của toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn tới tình trạng cung vượt cầu.
Bà Phùng Thị Lan, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Sơn (Hoà Bình) chia sẻ, trong 3 năm gần đây là năm 2015, 2016 và 2017, ngành chăn nuôi luôn gặp khó khăn. Bán hàng ra khó khăn nhưng thức ăn đầu vào đắt đỏ nên bà con chăn nuôi lợn, gà lao đao, có lúc giá lợn rớt xuống 18-19 nghìn đồng/kg.
Trong bối cảnh khó khăn này, huyện Lương Sơn tìm hướng đi riêng là chăn nuôi theo phương thức hữu cơ. Tuy nhiên trước cơn bão giảm giá, giá bán đang ở mức 100 - 120 nghìn đồng/kg nhưng giờ chỉ bán được 70 – 80 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi gặp khó khăn, đang phải lấy công làm lãi.
Khâu yếu nhất của các hộ chăn nuôi là chế biến giết mổ, bà Lan ước tính, cần tăng giá trị lên gấp đôi của khâu này, như hiện tại sản phẩm chăn nuôi thường phải bán hàng qua kênh trung gian là các thương lái.
Trong khi đó, sản phẩm hữu cơ vẫn thiếu hành lang pháp lý, không có giấy chứng nhận sản phẩm sạch, đồng nghĩa với việc không thể tiếp cận được các kênh phân phối hiện đại như siêu thị.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi nhìn nhận, thời gian qua ngành chăn nuôi đang phát triển theo chiều rộng, phát triển nóng không kiểm soát được quy mô, không gian phát triển. Ở đâu có đất, dư địa, người nông dân đều phát triển chuồng trại để chăn nuôi.
Thực tế, chúng ta đã trả giá đắt cho việc phát triển một số ngành hàng chăn nuôi ồ ạt như vậy. 2 năm gần đây, chăn nuôi là lĩnh vực tăng trưởng nóng dẫn đến cung vượt cầu. Trong khi sức tiêu thụ so với các nước khác chưa lớn, khả năng tiêu thụ ở thị trường trong nước chỉ đến một mức độ, cũng như chưa mở rộng thị trường xuất khẩu, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, đây là thời điểm cần thay đổi cách nhìn nhận ngành hàng này, chăn nuôi không chỉ là sinh kế mà cần nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Sản phẩm chăn nuôi trước đây phục vụ trong nước nhưng giờ phải hướng tới xuất khẩu. Nếu chỉ tập trung tiêu thụ trong nước, thị trường sẽ ngày càng thu hẹp bởi cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu.
Đồng thời, phải tổ chức lại ngành chăn nuôi, xem xét một số lĩnh vực cung vượt cầu để có giải pháp hạn chế phát triển số lượng, nâng cao chất lượng. Sản xuất ngành hàng theo chuỗi. Phát triển ngành chăn nuôi phải đặt trong thị trường mở, không phải có lợi thế gì là phát triển mà cần nhận thấy các nước trong khu vực phát triển thế nào để học hỏi và cạnh tranh. Chẳng hạn như ngành thịt lợn, không thể phát triển ồ ạt, cần quy định vùng nào phát triển đến mức độ nhất định.
Để làm được điều này, DN và hộ nông dân phải liên kết chặt chẽ với nhau. Ở thị trường xuất khẩu, giải quyết bài toán đầu vào kiểm soát an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề mấu chốt.
Theo ông Jimmy Smith, Tổng Giám đốc của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), thách thức lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam là an toàn thực phẩm. Điều đó có nghĩa, Việt Nam cần phải chăn nuôi theo chuỗi từ giống, quá trình chăn nuôi, giết mổ, cho tới tiêu thụ.
Phát triển chăn nuôi phải đảm bảo môi trường, quán triệt việc sử dụng kháng sinh dẫn tới tồn dư kháng sinh, đồng thời phát triển chăn nuôi đi kèm phát triển kinh tế cho hộ nông dân nhỏ, ông Jimmy Smith nói.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, ngành chăn nuôi cần liên kết, gắn kết với thị trường, căn cứ vào tín hiệu thị trường, tránh tình trạng chăn nuôi mà không biết tiêu thụ ở đâu, tín hiệu thị trường thế nào.
Nguồn: Thời Báo Ngân hàng (http://thoibaonganhang.vn/mo-rong-thi-truong-cho-nganh-chan-nuoi-70116.html)