Chăn nuôi lợn cuối năm: Bộn bề lo lắng

Chăn nuôi lợn bước vào những tháng cuối năm với nhiều thách thức bởi khó khăn chung của nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19, dịch bệnh ASF diễn biến phức tạp, thịt nhập khẩu tăng và giá lợn hơi ở mức thấp.

Chu kỳ xuống của giá lợn hơi

Giá lợn hơi đã trải qua chu kỳ giảm giá trong tháng 11 đến gần giữa tháng 12. Cụ thể, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong tháng 11/2023, giá khảo sát ở các tỉnh thành dao động trong khoảng 48.000-53.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng trước. So với cuối tháng trước, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc hiện dao động trong khoảng 50.000-52.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg; Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên hiện dao động trong khoảng 49.000 51.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg; Giá lợn hơi tại khu vực miền Nam dao động trong khoảng 48.000-53.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bình Dương, giá bán lợn hơi ngày 11/12/2023 chỉ dao động từ 47.000-49.000 đồng/kg, nhà chăn nuôi lỗ trên dưới 4.000 đồng/kg. Tại Nghệ An, giá lợn là 48.000-49.000 đồng/kg.

Đến ngày 23/12/2023, giá lợn hơi đã có chuỗi 3 ngày liên tiếp tăng giá trước đó, hiện nay, trung bình giá lợn hơi cả nước ở mức 49.300 đồng/kg, tương đương với giá lợn hơi ở Trung Quốc.

Điều gì khiến giá lợn hơi giảm sâu và lâu?

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương cho biết, “Hiện nay, số lượng lợn tồn đọng trong các trang trại có trọng lượng từ 120-130kg/con rất nhiều. Trong bối cảnh ASF diễn biến phức tạp cùng với kinh tế khó khăn sức mua giảm sút đáng kể so với thời gian trước. Dự đoán, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi từ giờ đến tết Nguyên đán cũng sẽ không tăng.


Còn ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thành Đô thì cho rằng, nguyên nhân khiến cho giá lợn hơi duy trì ở mức thấp thời gian dài là do: Các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tăng đàn rất mạnh. Năng suất đàn lợn nái được cải thiện nhiều, đàn lợn thịt duy trì ở mức cao nhất là ở các vùng như Tây Nguyên, miền Trung. Lợn xuất chuồng ở mức 130-140kg/ con nên sản lượng thịt lợn ra thị trường lớn; Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân thấp do tình hình kinh tế khó khăn; Thịt lợn đông lạnh được nhập khẩu nhiều đã tác động đến thị phần và áp lực lên giá bán của lợn hơi trong nước.

Ông Thành cũng cho rằng, “Thời gian tới, giá lợn vẫn duy trì ở mức thấp do nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Với giá lợn hơi khiến cho tình hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn bởi hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tạo áp lực lớn cho sản xuất chăn nuôi”.

Theo lí giải của Cục Chăn nuôi, nguyên nhân giảm giá lợn hơi: Hiện tượng giá lợn hơi giảm ngang hoặc dưới giá thành sản xuất trong thời gian gần đây là do:
(1) Sức mua thực phẩm của người dân nhìn chung giảm nhẹ so với trước đây do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng khi lạm phát tăng (lãi suất vay tăng, tỷ giá ngoại tệ tăng). Sức tiêu thụ thực phẩm của các khu công nghiệp giảm mạnh do nhiều công ty giảm quy mô sản xuất (giảm đơn hàng của đối tác nhập khẩu, chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng cao).
(2) Nguồn cung lợn thịt trong nước tăng vào các tháng 9, tháng 10 và tháng 11 năm 2023 do tình hình chăn nuôi lợn của các doanh nghiệp và trang trại vẫn duy trì ở mức khá cao.
(3) Tâm lý của người chăn nuôi bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch tả lợn Châu phi: Tính đến hết 30/11/2023, cả nước xuất hiện hơn 530 ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi nhưng chủ yếu tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ, số lợn dịch buộc tiêu hủy chỉ chiếm khoảng 0,04% tổng đàn lợn (hơn 20.000 con), nhưng đã ảnh hưởng trực tiếp lên tâm lý người chăn nuôi và người tiêu dùng. Điều này đã tác động trực tiếp lên giá lợn hơi xuất chuồng thời gian qua.
(4) Lượng thịt lợn nhập khẩu tăng liên tục trong nửa cuối năm 2023. Ngoài ra, tình trạng nhập lậu lợn sống, sản phẩm thịt lợn qua khu vực đường mòn, lối mở vẫn diễn ra tại một số địa phương, gây áp lực đối với thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn sản xuất trong nước do phải cạnh tranh sản phẩm nhập lậu giá rẻ, đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn trong nước.
(5) Chưa có cơ chế đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi nhuận của các tác nhân trong chuỗi giá trị thịt lợn. Mặc dù giá lợn hơi tại cổng trại giảm nhưng giá thịt tại các siêu thị, các cơ sở/điểm bán lẻ gần như không giảm. Điều này có lợi cho thương lái, chủ lò mổ và người bán lẻ thịt nhưng không có lợi cho cơ sở chăn nuôi và người tiêu dùng thực phẩm.

Đại diện một doanh nghiệp thuốc thú y tại tỉnh Bắc Ninh cho biết, so với các tháng cuối năm 2022 doanh thu các loại thuốc, vắc xin, vật tư ngành lợn của công ty đã giảm 50%. Đại diện một doanh nghiệp phụ gia thức ăn chăn nuôi chia sẻ, doanh số bán hàng sản phẩm cho lợn của công ty giảm khoảng 30% so với năm ngoái.

ASF diễn biến phức tạp, tỉ lệ tiêm vắc xin còn thấp

Chăn nuôi lợn nông hộ giảm mạnh Theo Cục Chăn nuôi, năm 2018, cả nước có khoảng 2,5 triệu cơ sở chăn nuôi lợn, giảm mạnh còn 1,82 triệu cơ sở trong năm 2019 (do ảnh hưởng bởi dịch ASF). Giai đoạn 2020-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay, sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn sản xuất trong cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 60-65%. Cơ cấu nguồn cung thịt lợn năm 2022 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43%.

ASF đã xâm nhiễm vào Việt Nam 5 năm qua, đến nay, đây vẫn là dịch bệnh khiến ngành chăn nuôi thiệt hại nặng nề nhất. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 530 ổ bệnh ASF, buộc tiêu hủy trên 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành phố… nhất là các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình, Đăk Lăk…

Từ tháng 8 trở lại đây, dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, làm tăng chi phí, giá thành sản xuất, tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm và giảm nguồn cung trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, nguy cơ bệnh ASF tái phát trong thời gian tới là rất cao do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, điều kiện chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chính quyền và người chăn nuôi tại một số địa phương còn chủ quan, lơ là, chưa chỉ đạo, chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh…

Việc buôn bán, vận chuyển lợn, giết mổ lợn bệnh, cũng như tình trạng không báo cáo theo đúng quy định còn diễn ra ở một số địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi; thời tiết thay đổi, mưa, rét, tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán, lây lan dịch bệnh.

Lo ngại hơn, có tình trạng một số doanh nghiệp, người dân lấy mẫu gửi các phòng thí nghiệm tư nhân, phòng thí nghiệm của doanh nghiệp để xét nghiệm bệnh nhưng không báo cáo, không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Ông Long cũng cho biết, từ tháng 7/2023, Bộ NN&PTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vắc xin ASF trên phạm vi toàn quốc, đến nay đạt khoảng 500.000 liều vắc xin. Số lượng sử dụng như vậy còn hạn chế trong bối cảnh dịch bệnh. Nguyên nhân do một số địa phương, chủ nuôi lợn chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm vắc xin cho đàn lợn. Theo báo cáo của các doanh nghiệp và địa phương, số lượng vắc xin ASF cung ứng, sử dụng sau khi Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng từ tháng 7 đến nay là 1,68 triệu liều tại hơn 40 tỉnh, thành phố.

Thịt nhập gây áp lực lên ngành chăn nuôi lợn trong nước

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), lũy kế 10 tháng năm 2023, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 18,11 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 88,95 triệu USD.

Cũng trong thời gian này, Việt Nam nhập khẩu 572,11 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 5% về lượng. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thịt nhiều nhất là từ Ấn Độ, với 126,93 nghìn tấn, trị giá 372,61 triệu USD. Nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 95,4 nghìn tấn, trị giá 239,37 triệu USD, tăng 7% về lượng và tăng 26,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam tiếp tục tăng trong bối cảnh giá lợn hơi vẫn giảm do sức mua chưa có nhiều cả thiện bởi người dân tiết kiệm chi tiêu. Bên cạnh đó, nhiều bếp ăn tập thể cơ cấu lại quy mô sản xuất, nhu cầu nhập hàng thực phẩm giảm xuống…

Lượng thịt lợn nhập khẩu trong 10 tháng năm 2023 chiếm khoảng 2,1% so với sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước (theo dự báo của Bộ NN&PTNT, năm 2023, sản lượng thịt lợn của Việt Nam đạt khoảng 4.568 nghìn tấn).

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong ngành chăn nuôi, áp lực cạnh tranh về thị trường của các sản chăn nuôi nhập khẩu ngày càng lớn, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới phát huy hiệu lực, các dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi về 0%. Hầu hết các nước trong CPTPP và EVFTA đều có không gian và trình độ chăn nuôi tốt hơn Việt Nam. Hiện nay, tốc độ nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi tăng cao hơn rất nhiều mức tăng của sản xuất trong nước.

Vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi nếu không có chính sách, giải pháp phù hợp, kịp thời để kiểm soát thì Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu thịt lợn trong 5 năm tới khi dòng thuế quan về 0%. Không có giải pháp chính sách kịp thời để hạn chế sản phẩm gia cầm nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu và kiểm soát tốt quy mô phát triển đàn gia cầm sản xuất trong nước phù hợp với thị trường thì ngành chăn nuôi sẽ luôn là ngành sản xuất bấp bênh.

Chăn nuôi lợn nông hộ giảm mạnh Theo Cục Chăn nuôi, năm 2018, cả nước có khoảng 2,5 triệu cơ sở chăn nuôi lợn, giảm mạnh còn 1,82 triệu cơ sở trong năm 2019 (do ảnh hưởng bởi dịch ASF). Giai đoạn 2020-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay, sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn sản xuất trong cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 60-65%. Cơ cấu nguồn cung thịt lợn năm 2022 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43%.

ÔNG TRẦN PHÚ CƯỜNG, CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC CHĂN NUÔI, THÚ Y, THỦY SẢN TỈNH BÌNH DƯƠNG:Tìm thị trường xuất khẩu là cần thiết Với đàn gia súc, gia cầm lớn trong nước như hiện nay, để phát triển bền vững, ngành chăn nuôi nhất thiết phải xây dựng liên kết chuỗi; tăng cường sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi; có phương án tìm thị trường để xuất khẩu…

ÔNG NGUYỄN VĂN THÀNH, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH THÀNH ĐÔ: Áp dụng đồng bộ các biện pháp để duy trì chăn nuôiĐối với Thành Đô, công ty đã áp dụng đồng bộ các biện pháp để duy trì việc chăn nuôi với 3.000 nái và 30.000 thịt; liên kết các với các trang trại cùng công ty. Công ty đã tự sản xuất thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, giá cả phù hợp, nhờ đó chi phí giảm đi đáng kể. Cùng với đó, trước áp lực bệnh ASF gia tăng, Thành Đô đã tăng cường đảm bảo an toàn sinh học cho trang trại của mình; trang bị, nâng cấp hệ thống chuồng trại chăn nuôi hiện đại, đồng bộ để nâng cao năng suất chăn nuôi; triển khai quy trình chăn nuôi không tiếp xúc…

Nguồn: Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam