Công nghệ truy xuất nguồn gốc: Minh bạch chất lượng trong chuỗi sản xuất

Gắn tem truy xuất nguồn gốc đem lại uy tín cho doanh nghiệp sản xuất cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sẽ dễ dàng xử lý các lô hàng kém chất lượng hoặc hàng giả và giúp cho việc kiểm soát chặt chẽ các hàng hóa đưa vào thị trường một cách minh bạch và rõ ràng đồng thời làm hạn chế lượng hàng kém chất lượng, hàng giả lưu thông trên thị trường, giúp người tiêu dùng được tiếp cận một hệ thống cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ nhất, truy xuất nguồn gốc về sản phẩm từ khâu sản xuất, nguyên liệu, đóng gói và vận chuyển phân phối.


Do đó, gắn tem truy xuất nguồn gốc đem lại uy tín cho doanh nghiệp sản xuất cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng công nghệ.

Đến thời điểm này, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương tiên phong trong việc thí điểm triển khai truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng công nghệ.

Trong khi tại TP. Hồ Chí Minh, mô hình này áp dụng đầu tiên cho thịt lợn, trứng gia cầm các loại tại các chợ thì 350 mặt hàng của 6 cơ sở sản xuất tại Hà Nội sẽ được dán tem truy xuất và bán qua các nhà phân phối ở hệ thống siêu thị “Bữa ăn an toàn”.

Tại siêu thị “Bữa ăn an toàn” số 2 ở Tòa nhà Vinaconex 2, phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội hoạt động từ đầu tháng 11/2017 dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý gồm: Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội, người tiêu dùng có thể chọn ứng dụng “Bữa ăn an toàn” trên điện thoại thông minh, quét mã xác thực trên tem “Bữa ăn an toàn” là có thể biết rõ các thông tin về nguồn gốc thực phẩm đã mua. Đây cũng là cách để nhà quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

“Người tiêu dùng muốn kiểm tra xuất xứ sản phẩm chỉ cần chọn ứng dụng Bữa ăn an toàn trên điện thoại thông minh, quyét mã xác định trên tem Bữa ăn an toàn là người tiêu dùng sẽ biết rõ các thông tin về nguồn gốc thực phẩm mình đã mua”, GS.TS. Vũ Hoan - Trưởng ban tổ chức Chương trình Bữa ăn an toàn của TP. Hà Nội cho biết.

Trước đó, từ giữa tháng 10/2017, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện truy xuất các sản phẩm thịt và trứng gà ở cả kênh bán lẻ và kênh kinh doanh hiện đại; đồng thời, bổ sung thêm mặt hàng trứng vịt có truy xuất nguồn gốc được phân phối tại hệ thống siêu thị. Bên cạnh đó, thành phố cũng kiểm soát nguồn thịt và trứng gia cầm cung ứng cho thị trường phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo quy định.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm của TP. Hồ Chí Minh có sự tham gia của 35 trang trại gà giống, với quy mô 2,8 triệu con giống; 431 trang trại gà lấy thịt (15 triệu con xuất trại/lứa); 61 trang trại gà, vịt lấy trứng (80 nghìn quả trứng/tháng); 17 cơ sở giết mổ đóng gói gia cầm (6,3 triệu triệu con/tháng); 9 cơ sở xử lý đóng gói trứng gia cầm (75 triệu quả/tháng).

Với quy trình của đề án sẽ triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng công nghệ mã QR code, vòng niêm phong, điện toán đám mây, tem truy xuất và hệ thống phần mềm quản lý… để nhận diện, truy xuất nguồn gốc, quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm.

Đây được xem là giải pháp cho phép người tiêu dùng trực tiếp kiểm tra, thu thập đầy đủ thông tin về loại thịt, trứng gia cầm đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn (sinh ra, chăn nuôi, xuất trại, giết mổ, xử lý, đóng gói và phân phối).

Đẩy mạnh ứng dụng

Mặc dù đã có một số mô hình ứng dụng mã số mã vạch (MSMV) vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy, số lượng các doanh nghiệp cũng như số lượng hàng hóa của Việt Nam ứng dụng công nghệ MSMV hiện còn thấp. Ông Phạm Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Chống hàng giả - cho rằng, hiện nay các cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi công tác chống hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu.

Nếu việc ứng dụng MSMV được triển khai đồng bộ cho nhiều loại sản phẩm hàng hóa trên địa bàn cả nước, sẽ tạo sự liên kết có hệ thống, quản lý chặt chẽ, quy củ hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí phát sinh.

Theo ông Đinh Tiến Thành - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Intimex Việt Nam, hiện trong hệ thống siêu thị, các mặt hàng sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ, quả... chưa có mã vạch mà mới chỉ có mã do các siêu thị tự gắn để quản lý hàng hóa. Do đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cần xây dựng quy chế riêng về mã vạch cho hàng hóa tươi sống để mỗi siêu thị đăng ký mã riêng giúp người tiêu dùng nhận diện hàng hóa dễ dàng hơn.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh, Tổng cục có kế hoạch sẽ đưa vào vận hành phần mềm chính thống quét mã vạch trên điện thoại di động và cơ sở dữ liệu quốc gia về sản phẩm sử dụng MSMV GS1 theo định hướng phục vụ người tiêu dùng, siêu thị và các đơn vị liên quan vào tháng 3/2018.

Cơ sở dữ liệu quốc gia này có vai trò tích cực hỗ trợ công tác quản lý như trao đổi và kiểm soát thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm, đảm bảo chất lượng MSMV GS1 đúng quy định, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin về nhà nhập khẩu khi sử dụng mã nước ngoài, đặc biệt áp dụng trong xác định nguồn gốc sản phẩm.

Nguồn: Báo VietQ.vn