2017 là một năm gian khó của ngành chăn nuôi nói chung, ngành lợn nói riêng; cũng nhờ đó, đã thức tỉnh các cơ quan trung ương, người chăn nuôi và các địa phương. Chăn nuôi tự phát, quy mô nhỏ sẽ không còn phù hợp trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong nước, cũng như hội nhập quốc tế. Chăn nuôi tốt là phải áp dụng khoa học công nghệ để giảm giá thành sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Quả đúng, muốn cạnh tranh, phải “sành” công nghệ!
Ngành chăn nuôi Việt Nam được đánh giá là nhanh nhạy trong ứng dụng công nghệ chuồng trại, dinh dưỡng, chăm sóc vật nuôi
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đi lên nhờ công nghệ
Đổi mới công nghệ sẽ tạo ra những sản phẩm tiên tiến hơn, chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn, chi phí sản xuất giảm, hạ được giá thành sản phẩm… Chính vì vậy, làn sóng đầu tư cho khoa học – công nghệ luôn diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ví dụ, trung bình đầu tư cho khoa học – công nghệ của các doanh nghiệp Trung Quốc cao gấp 3 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước; doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư lớn gấp 10 lần mức đầu tư của nhà nước…
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết ở nước ta đã có không ít doanh nghiệp quyết tâm rà soát và cắt giảm bớt các công đoạn, đưa công nghệ vào chăn nuôi để giảm chi phí để tiến tới giá thành chăn nuôi gà trắng chỉ ở mức 20.000 đồng/kg, hoặc giá thành chăn nuôi lợn chỉ ở dưới 30.000 đồng/kg.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, hiện nay, việc đầu tư đổi mới công nghệ chủ yếu diễn ra tại các doanh nghiệp tập đoàn lớn; ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế do nguồn vốn và nguồn lực có hạn.
Quay lại câu chuyện một quốc gia có thể tạo ra được lợi thế cạnh tranh mới mà từ trước tới nay chưa bao giờ có nhờ công nghệ. Ở Việt Nam, ngành sữa là một ví dụ. Thương hiệu TH True Milk đã làm thay đổi lợi thế so sánh của Việt Nam với các thương hiệu lớn từ nước ngoài.
Việt Nam không có đủ đất cho chăn nuôi quy mô lớn, thiếu đất cho xử lý môi trường, năng suất sản xuất sữa, ngô thấp, thiếu nguồn giống bò sữa trong khi nhu cầu sữa của chúng ta rất lớn. Khi đó, TH True Milk đã nhập bò giống và công nghệ sản xuất sữa, ứng dụng công nghệ quản trị hiện đại của nước ngoài về thì đã “biến không thành có”. Đây là cách làm sáng tạo để thay đổi lợi thế so sánh khi mà chúng ta có nhu cầu thị trường tốt, cộng thêm việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Hay tại công ty Sữa Mộc Châu, 100% số trang trại hộ gia đình ở Mộc Châu Milk đều được cơ giới hóa các phương tiện sản xuất. Họ có máy vắt sữa, máy băm cỏ tươi, máy gặt cỏ, xe chở sữa tới trạm thu mua… Điều quan trọng là trang trại của họ được giữ sạch, bò khỏe mạnh cho năng suất sữa tốt nhất. Một trong số những công nghệ vượt trội mà Mộc Châu Milk nắm giữ là sử dụng tinh phân định giới tính ngoại nhập có hiệu quả cao nhất. Những con bò khỏe mạnh, chất lượng sữa ổn định, hàm lượng dinh dưỡng cao sinh ra từ tinh phân định giới tính là một niềm tự hào của Mộc Châu Milk khiến họ nằm trong tốp đầu những doanh nghiệp sữa Việt Nam.
Cùng với đó, nhiều chính sách hỗ trợ từ công ty, đến nay, nhiều hộ chăn nuôi ở thị trấn Nông trường đã tích cực mở rộng quy mô đàn, cho thu nhập 50 – 80 triệu đồng/tháng, thậm chí nhiều hộ trên 100 triệu đồng/tháng. Số lượng tỉ phú chăn bò ngày càng nhiều trên nông trường.
Hay trong giai đoạn khó khăn của ngành chăn nuôi có một cái tên được nhiều người nhắc đến như một điểm sáng nhờ áp dụng công nghệ cao và khép kín chuỗi giá trị “Từ nông trại đến bàn ăn”, theo đó cung cấp cho thị trường từ thức ăn chăn nuôi, con giống, thuốc thú y, giải pháp chăn nuôi hiệu quả và thực phẩm.
Đó là Tập đoàn Mavin, mặc dù năm 2017 là một năm khó khăn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhưng Mavin vẫn tăng trưởng 30% so với cùng kỳ, riêng mảng chăn nuôi heo tăng trưởng 200% về quy mô trang trại và sản lượng. 100% đối tác có thu nhập ổn định và lợi nhuận bền vững.
Mavin có thị phần trong lĩnh vực đứng trong top 5 công ty lớn nhất Việt Nam. Trong mảng chăn nuôi, Mavin hiện là công ty lớn thứ 2 về quy mô trang trại và sản lượng heo thịt. Công nghệ chăn nuôi của Mavin khởi nguồn từ nguồn gien và giống heo hiện đại. Mavin là một trong những công ty đầu tiên nhập khẩu heo giống từ các nước phát triển, lai tạo và phát triển phù hợp với khí hậu và thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam.
Bên cạnh nguồn gen chất lượng, Mavin là công ty đầu tiên ứng dụng công nghệ chăn nuôi hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống trang trại của Mavin được tổ chức theo quy chuẩn thống nhất, chuồng trại khép kín, kiểm soát bằng công nghệ computer hiện đại. Các trang thiết bị tiên tiến như: hệ thống điều chỉnh nhiệt độ vàcho ăn tự động, hệ thống vệ sinh chuồng trại và xử lý môi trường tự động. Liều lượng dinh dưỡng cũng được máy móc trộn sẵn, định kỳ và tự động cung cấp cho heo. Chế độ ăn được tính toán đủ lượng, theo trọng lượng, tuổi và phù hợp sức khỏe của heo từng ngày.
Những thách thức cần vượt qua
Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ mang đến tự do hóa thương mại, hàng hóa được lưu thông tự do trong khối 11 nước, giúp Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu. Nhưng thị trường trong nước cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt với ngành chăn nuôi, điều này càng mạnh mẽ hơn nữa.
Theo nhiều chuyên gia, ngành chăn nuôi hiện đang gặp 3 thách thức lớn. Bên cạnh thách thức về giết mổ, chế biến; liên kết sản xuất thì thách thức hàng đầu phải kể đến là giá thành sản xuất. Các năm qua, giá thành chăn nuôi của Việt Nam luôn cao hơn các nước ngay trong khu vực. Đơn cử như giai đoạn từ 2015 – 2017, giá lợn cao hơn 25 – 35%, giá gia cầm cao hơn 15%, giá trứng hơn 12 – 17%.
Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ngoài chưa chủ động được nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi thì yếu tố người chăn nuôi không tiếp cận được vốn vay dài hạn và lãi suất thấp để đầu tư công nghệ, quy hoạch chăn nuôi còn rất kém, các thủ tục hồ sơ để lập dự án chăn nuôi còn tốn nhiều kinh phí và thời gian. Nếu tình hình này, ngành chăn nuôi sẽ không cạnh tranh được với các nước xuất khẩu, người chăn nuôi không còn chăn nuôi được ngay tại quê nhà, mà phải đi gia công hoặc nhường quyền chăn nuôi cho các công ty chăn nuôi nước ngoài.
Lời khuyên dành cho nhà chăn nuôi khi ứng dụng công nghệ
Theo nhiều chuyên gia, vì quá mong muốn hiện đại hóa và nâng cao năng suất nên “bấm bụng” đầu tư lớn mua trang thiết bị hiện đại học hỏi công nghệ mới. Tuy nhiên, do chưa tạo được những cơ sở tương thích để ứng dụng nên khoản đầu tư này trở thành lãng phí, ngành nặng hoặc không áp dụng được công dụng tối đa.
Lời khuyên là muốn ứng dụng thiết bị và công nghệ mới, cũng phải bắt đầu từ việc đánh giá và trang bị lại chuồng trại phù hợp. Chỉ khi có được cơ sở đầu tiên là không gian, chuồng trại đồng bộ, tương thích, có định hướng rõ ràng, thì kỹ thuật và công nghệ mới có khả năng ứng dụng thực tiễn và phát huy công năng.
Do vậy, thay vì sốt ruột với công nghệ mới, các doanh nghiệp, trang trại nên chú trọng vào mô hình trang trại trước ngoài. Tham khảo những mô hình trang trại mới. Tham khảo một kế hoạch toàn diện và đồng bộ sẽ giúp lựa chọn trang thiết bị phù hợp với nhu cầu sản xuất, ngân sách và khả năng sản xuất.
Nguồn: Tạp chí Chăn nuôi VN