Chủ tịch Mavin phát biểu tại Diễn đàn "Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi".
Tham gia Diễn đàn "Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức" tổ chức ngày 21/03/2023, ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Mavin đã chia sẻ về xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi và những kế hoạch tham vọng của Mavin trong lĩnh vực này.
Không chỉ bó hẹp ở phạm vi nông hộ nhỏ
Ông David John Whitehead cho biết, ngày nay, chúng ta nghe nhiều về những thuật ngữ như: nông nghiệp tuyến tính, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp chính xác... Trong đó, nông nghiệp tuần hoàn nhằm mục đích bảo tồn các tài nguyên sinh học, coi chất thải từ chế biến thực phẩm là tài nguyên có thể tái sử dụng, qua đó có thể đạt được các mục đích:
- Tái chế chất thải;
- Sử dụng ở mức thấp nhất nguồn cung từ bên ngoài;
- Giảm thiểu các yếu tố gây hại cho môi trường.
Nông nghiệp tuần hoàn tập trung vào việc sử dụng ở mức tối thiểu các nguồn cung đầu vào từ bên ngoài, khép kín vòng tuần hoàn gồm: dinh dưỡng, tái tạo đất và giảm thiểu tác động đến môi trường. Nông nghiệp tuần hoàn cũng giảm việc sử dụng tài nguyên và dấu chân sinh thái của nông nghiệp và giảm sử dụng đất, phân bón hóa học và giảm chất thải, điều này giúp giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường. Trong một nền kinh tế tuần hoàn, việc tái sử dụng và tái chế là một phần của quá trình sản xuất.
Nông nghiệp tuần hoàn không phải là một khái niệm mới và đã được thực hiện rộng rãi bởi các xã hội tiền công nghiệp trong nền canh tác tự cung tự cấp, canh tác hỗn hợp sử dụng chất thải chăn nuôi và phụ phẩm trồng trọt làm phân bón. Khái niệm này ít được quan tâm trong nền canh tác hiện đại dựa trên quy mô lớn, bởi canh tác hiện đại thường chủ yếu tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận hơn là bảo vệ môi trường.
Do vậy, trước đây, mô hình kinh doanh của các công ty nông nghiệp quy mô lớn, chuyên sâu thường được coi là không phù hợp với nông nghiệp tuần hoàn. Nông nghiệp tuần hoàn phổ biến hơn ở canh tác nông hộ nhỏ, gắn liền với các phương thức canh tác hữu cơ, hỗn hợp và nông lâm kết hợp.
Tuy nhiên, theo ông David John Whitehead, nhận thức về nông nghiệp tuần hoàn đang thay đổi trên toàn cầu, tại Việt Nam, hiện Chính phủ đang kêu gọi các địa phương, các doanh nghiệp cùng chung tay và đưa các sáng kiến nhằm thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn. Một mặt, chúng ta đã công nhận tầm quan trọng và đóng góp mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong các nông hộ nhỏ trong các năm vừa qua.
Mặt khác chúng ta cũng đã bắt đầu khuyến khích phát triển các trang trại quy mô lớn, công nghiệp, nhằm giảm ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu quả sản xuất, hướng tới sản xuất các sản phẩm chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kiểm soát tốt dịch bệnh.
Một Tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn tại Gia Lai của Mavin áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn
Xu hướng phát triển
Cũng theo ông David John Whitehead, thực tế, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn cũng như các nông hộ nhỏ đều có thể ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn khi tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc: giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng (3R: Reduce – Recycle – Reuse). Cụ thể là:
- Giảm thiểu chi phí, hao hụt, chất thải, thức ăn chăn nuôi và tài nguyên thiên nhiên như nước và năng lượng;
- Tái chế chất thải bằng cách tạo ra phân bón;
- Tái sử dụng đất bằng cách xử lý phế phụ phẩm trồng trọt thành phân hữu cơ, tái sử dụng các sản phẩm nông nghiệp trong chế biến thức ăn chăn nuôi,…
Nhờ các nguyên tắc này, nông nghiệp tuần hoàn sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng tốt hơn, và cũng sử dụng nhiều lao động hơn so với canh tác truyền thống, giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn. Ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn cũng đóng góp đáng kể vào việc giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực, tạo ra cơ hội việc làm mới, đặc biệt là cho phụ nữ nông thôn.
Nông nghiệp tuần hoàn đặc biệt có ý nghĩa ở các nước đang phát triển như Việt Nam, với tỷ lệ phụ nữ đang chiếm 48% việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời có nhiều hạn chế hơn nam giới trong việc tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ sản xuất, công nghệ, thông tin thị trường và tài chính.
Cơ sở của nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là mang lại sự bền vững và cân bằng sinh thái. Đồng thời, bên cạnh khía cạnh môi trường, mối quan tâm về xã hội và sức khỏe người tiêu dùng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong xu hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn hiện nay.
Đặc biệt, nông nghiệp tuần hoàn đã không còn bó hẹp ở các nông hộ nhỏ mà đã công nhận và đề cao vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam.
Mavin và xu hướng ứng dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn
Ông David John Whitehead khẳng định: Hưởng ứng lời kêu phát triển nông nghiệp tuần hoàn của Chính phủ, tại Mavin, chúng tôi đã và đang áp dụng các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, chúng tôi đã đầu tư các tổ hợp chăn nuôi heo quy mô lớn như các "đại trang trại" tại Nghệ An, Gia Lai và Đồng Tháp… Các tổ hợp chăn nuôi này thiết lập chặt chẽ các rào cản sinh học và hệ thống quản lý mối nguy sinh học nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh. Mavin cũng ứng dụng công nghệ cao và các nền tảng chuyển đổi số trong các lĩnh vực:
- Sử dụng hiệu quả nước và tái chế nước thải;
- Sử dụng năng lượng điện mặt trời áp mái;
- Sử dụng hệ thống năng lượng bio-gas;
- Số hóa quá trình kiểm soát và quản lý dữ liệu dinh dưỡng vật nuôi;
- Chế biến thức ăn chăn nuôi từ nguồn nguyên liệu được trồng trong chính trang trại và ưu tiên nguồn nguyên liệu của địa phương;
- Sản xuất phân bón từ phân và chất thải trong quá trình chăn nuôi;
- Đảm bảo phúc lợi động vật.
"Mục tiêu của Mavin là hướng tới giảm phát thải carbon và các tác động đến môi trường ở mức tối thiểu. Với việc phát triển các tổ hợp chăn nuôi này và sự trợ giúp của mô hình nông nghiệp tuần hoàn, đến năm 2025, chúng tôi đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu heo con mỗi năm từ tất cả các trang trại của Mavin ở Việt Nam", ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin nói.
Xem bài viết gốc: Mavin đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn (danviet.vn)