Vaccine dịch tả lợn châu Phi: Thế giới bó tay, Việt Nam không bi quan

Chia sẻ thông tin về quá trình nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi, GS - TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, sau 4 tháng nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã cho ra đời loại vaccine vô hoạt, thử nghiệm bước đầu trên đàn lợn nghiên cứu cho kết quả khả quan.

Khó không có nghĩa không làm được

Theo GS-TS Nguyễn Thị Lan, hiện cộng đồng các nhà khoa học trên thế giới cũng đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp về vaccine để phòng chống loại dịch bệnh nguy hiểm này. Đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, dù biết đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và rủi ro nhưng vì trách nhiệm với ngành chăn nuôi, với đất nước, Học viện vẫn thành lập nhóm nghiên cứu các giải pháp về vaccine do PGS - TS Lê Văn Phan chủ trì, phối hợp với các nhà khoa học Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… gấp rút vào cuộc nghiên cứu sản xuất vaccine.

“Chỉ trong thời gian chưa đến nửa năm, nhóm nghiên cứu đã triển khai rất nhiều việc như giải trình tự gen, phân lập tế bào, sản xuất tế bào, gây miễn dịch cho động vật và bước đầu khảo nghiệm loại vaccine vô hoạt phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi” - bà Lan thông tin.

Điều đáng ghi nhận là quá trình thử nghiệm mang lại kết quả rất khả quan. "Bước đầu thử nghiệm ở quy mô thí nghiệm cho thấy kết quả tích cực, đàn lợn được tiêm vacvine vẫn tồn tại khỏe mạnh, biểu hiện tốt hơn nhiều so với đàn lợn không tiêm vaccine" - bà Lan thông báo kết quả. Tuy nhiên, theo bà Lan, đây là kết quả bước đầu, để có thể khẳng định hiệu quả của vaccine cần có thời gian thử nghiệm ở nhiều mức độ khác nhau; nếu thành công quá trình thương mại hóa của vaccine cần sự tham gia, vào cuộc của doanh nghiệp lớn.

Đề cập tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Học viện. “Chúng tôi đang chỉ đạo phía Học viện tiến hành mở quy mô rộng hơn ở bước thí nghiệm và cũng chuẩn bị những tiền đề để nếu kết quả tốt như vậy có thể chuyển sang giai đoạn 2 là tổ chức sản xuất thương mại” - ông Cường nói.

Doanh nghiệp cần sớm vào cuộc

Trước những biểu hiện chậm chạp của một số đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị cần đốc thúc các đơn vị khác đẩy nhanh các giải pháp khoa học của mình. “Đơn vị nào đến thời điểm này không gửi đề cương thì thôi, õng ẹo thì thôi, thiếu gì người làm, đưa doanh nghiệp làm” - Bộ trưởng gay gắt.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong việc nghiên cứu sản xuất vaccine không nên bi quan. Thế giới 100 năm không nghiên cứu được không có nghĩa là Việt Nam không nghiên cứu được. Thế giới không làm được không phải vì người ta không đủ trình độ mà do nhiều điều kiện khách quan lịch sử xã hội, kinh tế nên họ ưu tiên nghiên cứu cho những đối tượng vật nuôi có thế mạnh.

Hiện, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp với 2,5 triệu con lợn bị tiêu hủy, tương đương 7,5% tổng đàn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong các giải pháp thì áp dụng các biện pháp an toàn sinh học là quan trọng nhất. “Minh chứng điển hình là tất cả các hộ chăn nuôi lớn hiện nay đều vẫn an toàn. Nếu làm tốt biện pháp an toàn sinh học thì sẽ góp phần ngăn chặn được dịch bệnh này lây lan. Bên cạnh đó, một số mô hình chăn nuôi đã áp dụng chế phẩm ức chế vi khuẩn phối kết hợp cùng nâng cao thể trạng của đàn lợn cùng biện pháp an toàn sinh học đã có kết quả tích cực. Tới đây sẽ tổng kết sớm mô hình này, trên cơ sở đó nhân mở góp phần khống chế dịch” - Bộ trưởng nói.

Dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện vào năm 1921 tại châu Phi, năm 1957 lan sang châu Âu và châu Mỹ. May mắn một số nước đã thanh toán được dịch bệnh này, tuy nhiên, như Tây Ban Nha phải mất 30 năm mà biện pháp quan trọng nhất chính là tiêu hủy đàn lợn.

Đến năm 2007, dịch bệnh lại xuất hiện tại châu Âu và giờ là Tây Âu. Việc lây lan chủ yếu là do vận chuyển sản phẩm thịt lợn bị nhiễm mầm bệnh. Thời điểm hiện tại, bệnh dịch này đã lây lan ra 60 quốc gia trên thế giới, thiệt hại hàng chục tỷ USD cho việc phòng chống, đàn lợn bị tiêu hủy lên tới hàng trăm triệu con.

Sau gần một thế kỷ phát hiện, đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi dù trước đó thế giới đã cho ra đời 7 dòng vaccine phòng bệnh này nhưng khó có thể thương mại hóa do chi phí quá cao và hiệu quả không được như mong muốn.

Nguồn: Báo Dân Việt