Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, những tỉnh có dịch cũng như chưa bị dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm cũng đang huy động lực lượng toàn lực ứng phó, lập nhiều chốt chặn, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn nhằm khống chế dịch lây lan mạnh.
Tính đến ngày 4/6, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 55 xã thuộc 8 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế với 648 hộ chăn nuôi có lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy trên địa bàn là 2.552 con với tổng trọng lượng tiêu hủy 129.200 kg.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần chống dịch bệnh như chống giặc, không được chủ quan, lơ là. Các ngành chức năng tăng cường quản lý kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn.
Cùng đó, tỉnh thành lập thêm các đoàn kiểm tra liên ngành định kỳ, đột xuất kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng trong kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bị dịch bệnh, nhập lậu, không đảm bảo hồ sơ theo quy định...
Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức tháng tiêu độc khử trùng phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; cấp tiếp đợt 3 với 30.029 lít Benkocid và Iodine cùng 200 tấn vôi bột cho các địa phương để tiêu đốc, khử trùng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Hơn nữa, toàn tỉnh đã phát 50.000 tờ rơi và cam kết thực hiện 5 không; lập 63 chốt để chốt chặn, kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch.
Tại thị xã Hương Thủy đến thời điểm hiện tại có 100% số xã, phương bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Khai, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Hương Thủy cho biết, các địa phương đã sử dụng 20 tấn vôi bột, 10 tấn vôi và 2.500 lít hóa chất được thị xã hỗ trợ xử lý tiêu độc, khử trùng trên đàn lợn bị nhiễm bệnh.
Đáng lưu ý, Trung tâm đang tăng cường cấp phát Benkocid tại các chốt chặn trên địa bàn. Hiện, Trung tâm còn dự trữ 700-800 lít hóa chất Benkocid, ngoài cắm biển báo, mỗi xã, phường thành lập ít nhất 2 chốt chặn (cá biệt xã Thủy Thanh có đến 7 chốt chặn) để kiểm tra, không cho vận chuyển lợn ra vào vùng có dịch.
Vì vậy, Trung tâm tiếp tục đề nghị các địa phương tăng cường rắc vôi, phun thuốc tiêu độc, khử trùng; đồng thời giám sát chặt chẽ 4 lò mổ ở: Thủy Châu, Thủy Dương, Thủy Tân và Thủy Phù.
Thực tế, trước đây mỗi lò giết mổ khoảng 50 con lợn/ngày, nhưng hiện các lò mổ này chỉ hoạt động cầm chừng, mỗi lò 10-15 con/ngày với sự giám sát chặt chẽ của lực lượng thú y...
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Sóc Trăng, tính đến 9 giờ sáng 4/6, tình hình dịch tả lợn châu Phi có chuyển biến phức tạp. Hiện dịch đã lan ra 10 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các huyện Trần Đề, Thạnh Trị, và Mỹ Xuyên: trong đó phát hiện 98 con lợn bệnh, 18 con đã chết và tổng số tiêu hủy là 148 con, với tổng trọng lượng hơn 6,4 tấn.
Lãnh đạo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Sóc Trăng nhận định, dịch tả lợn châu Phi ở các địa phương trong tỉnh đang diễn biến xấu, có chiều hướng lây lan trên diện rộng. Do đó, cơ quan chức năng tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh tại địa phương, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện ổ dịch sớm.
Ông Lâm Minh Hoàng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y Sóc Trăng cho biết, để đảm bảo phòng chống, khoanh vùng ổ dịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Đài phát thanh truyền hình Sóc Trăng, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã tuyên truyền liên tục về mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi; khuyến cáo người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, không tái đàn trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh.
Các huyện thực hiện điều tra tổng đàn lợn trên địa bàn để xây dựng phương án chống dịch khẩn cấp; kiểm tra sát sao các điểm giết mổ lợn tập trung trong vùng dịch; thực hiện xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi trước khi giết mổ từ cơ sở chăn nuôi đến nơi thu gom nhằm đảm bảo nguồn thịt an toàn cho người dân.
Tại tỉnh Hậu Giang, ngày 4/6, Đoàn công tác Cục Thú y do ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y dẫn đầu có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Bạch Đức Lữu đề nghị tỉnh rà soát lại việc triển khai chống dịch trong thời gian qua, không để dịch lây lan; rà soát lại việc tuyên truyền về dịch tả lợn châu Phi, đường lây lan của dịch, giải thích nguy cơ lây lan dịch trong việc sử dụng thức ăn chăn nuôi dư thừa để người chăn nuôi nắm và thực hiện phòng dịch hiệu quả.
Phó Cục trưởng Cục Thú y cũng yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh rà soát, đánh giá nguyên nhân dịch lây lan nhanh; đẩy mạnh tuyên truyền để người chăn nuôi thấy được sự nguy hiểm của dịch nhưng đồng thời cũng không để người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn. Bên cạnh đó, Hậu Giang cần giám sát hiện tượng lợn chết nhưng người dân không báo cho thú y mà bán giá rẻ; chú ý việc kiểm soát vận chuyển lợn bằng đường thủy; thực hiện nghiêm việc kiểm soát giết mổ; trong xử lý ổ dịch phải tránh phát sinh những vấn đề về môi trường.
Ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết, Chi cục đã có văn bản chỉ đạo các Trạm trực thuộc tăng cường phòng, chống dịch bệnh, bố trí nhân viên trực chống dịch và báo cáo tình hình dịch bệnh theo đúng quy định.
Mặt khác, chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện Châu Thành A, Vị Thủy, Châu Thành, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hậu Giang đã xảy ra 54 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 20 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã với số lượng lợn chết và tiêu hủy là 2.575 con với tổng trọng lượng hơn 184.094 kg.
Trong khi đó, ngày 4/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cũng đã có buổi họp khẩn với các ngành chức năng để xây dựng phương án đối phó với dịch tả lợn châu Phi.
Hiện Phú Yên là một trong số 11 tỉnh, thành phố của cả nước chưa phát hiện dịch này. Các địa phương lân cận như: Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai đã xảy ra dịch. Chính vì vậy, Phú Yên xác định phòng chống dịch phải được triển khai quyết liệt và đồng bộ.
Phú Yên đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật ở cầu Bình Phú (thị xã Sông Cầu, giáp ranh với tỉnh Bình Định); chốt kiểm dịch Phước Tân - Bãi Ngà (huyện Đông Hòa, giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa). Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập thêm 7 chốt kiểm dịch tạm thời tại huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh.
Tỉnh sẽ cấp thêm 5.000 lít IODINE để tiêu độc, sát trùng và ưu tiên cho các huyện có đàn lợn nhiều như: Tây Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa, Tuy An. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh dự trữ tại kho 22.000 lít thuốc sát trùng để chống dịch.
Đối với giết mổ, tiêu thụ, ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ 303 điểm giết mổ nhỏ lẻ; vận động người dân không buôn bán, tiêu thụ lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Trong trường hợp xuất hiện dịch, các địa phương tập trung tiêu hủy, xử lý tiêu độc khử trùng và xử lý dứt điểm để không phát sinh ổ dịch mới. Địa phương xuất hiện dịch sẽ công bố dịch trong vòng 24 giờ để người dân biết và chủ động phòng chống dịch; thực hiện hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị tiêu hủy theo quy định của Nhà nước.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, việc phòng chống dịch rất cấp bách. Các chốt kiểm dịch phải được điều thực hiện kiểm soát chặt chẽ, phun thuốc tiêu độc khử trùng. Khi phát hiện các xe chở lợn có biểu hiện bệnh phải cương quyết xử lý.
Tỉnh khuyến cáo các lò giết mổ không tiếp nhận lợn từ vùng có dịch. Người chăn nuôi cũng cần phải phối hợp cơ quan chức năng để chủ động phòng chống dịch, tránh lây lan.
Tỉnh Phú Yên hiện có 115.588 con lợn với 39 trại và 16 cơ sở chăn nuôi có số lượng từ 100 đến 2.400 con. Người dân còn có tập quán chăn nuôi lợn trong khu dân cư với số lượng từ 1 đến 20 con.
Đối với lợn vận chuyển ngang qua địa bàn tỉnh, theo thống kê ở các chốt kiểm dịch từ đầu năm đến nay có 190.108 con/956 xe. Trung bình mỗi ngày có 12 xe/2.400 con đi qua tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, có hơn 16.000 con lợn được vận chuyển vào tỉnh để tiêu thụ và hơn 1.000 con lợn giống được nhập về để chăn nuôi.
Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến sáng 4/6, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 52 tỉnh, thành phố với số lợn nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy là gần 2,2 triệu con.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam