Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi trong bối cảnh khó khăn, thời gian qua Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi khép kín, đảm bảo ATTP.
Một trong những hoạt động mang lại hiệu quả tích cực đó là các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, tổ chức cho người tiêu dùng tham quan các cơ sở sản xuất an toàn theo chuỗi.
Lâu nay, các bà nội trợ vẫn luôn quan niệm thịt mới mổ, còn nóng khi cầm tay, màu hồng tươi mới là thịt tươi ngon, bổ dưỡng và đảm bảo ATTP. Trong khi đó, tại các chợ truyền thống vẫn xuất hiện tràn lan nhiều thực phẩm không có nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ không xác định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.
Chính bởi những thực tế đó, giải pháp căn cơ để thúc đẩy các chuỗi phát triển là phải thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng cần có cách nhìn nhận thông minh khi lựa chọn sản phẩm. Nên chọn những sản phẩm được sản xuất theo chuỗi, có nhãn hiệu nguồn gốc rõ ràng, được bảo quản đúng cách, thay vì chỉ lựa chọn thịt theo "uy tín" của người bán như trước kia.
Năm 2017, thực hiện chương trình phối hợp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp - xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội tổ chức các hội nghị giới thiệu sản phẩm của các chuỗi cung cấp sản phẩm thịt an toàn như thịt mát, thịt cấp đông tới hàng nghìn lượt hội viên phụ nữ và người tiêu dùng trên toàn thành phố.
Một trong những hoạt động được người tiêu dùng đánh giá cao đó là hoạt động trình diễn chế biến và thử nếm sản phẩm. Người tiêu dùng được trực tiếp so sánh, đánh giá chất lượng thịt mát, thịt cấp đông được sản xuất đúng quy trình so với miếng thịt được chọn mua ngẫu nhiên ngoài chợ. Chất lượng thịt cấp mát, cấp đông đem lại kết quả bất ngờ với đa phần người tiêu dùng. Bởi lâu nay họ là khách quen của những quầy bán thịt ở chợ truyền thống, vốn quan niệm thịt lạnh là thịt ôi để lâu, chứa nhiều chất bảo quản và không tươi ngon, ngọt thịt như “thịt nóng”. Các bà nội trợ đã phải công nhận rằng “trăm nghe không bằng một thấy” các sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông thật sự có chất lượng tuyệt vời.
Một hoạt động nổi bật nữa trong công tác thay đổi tư duy người tiêu dùng từ thịt nóng sang sử dụng thịt mát, thịt cấp đông của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đó là hoạt động tổ chức các đoàn tham quan thực tế cho người tiêu dùng tới tận trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông của các chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố.
Trong khuôn khổ các đoàn tham quan chuỗi, đại biểu được đến tham quan và nghe giới thiệu về quy trình chăn nuôi, giết mổ, pha lóc chế biến và đóng gói sản phẩm. Cùng với đó là các hoạt động thử nếm sản phẩm, đánh giá chất lượng sản phẩm và trao đổi, hỏi đáp những thắc mắc của người tiêu dùng. Qua đó, nhận thức được lợi ích của việc sử dụng thịt mát, thịt cấp đông, từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng truyền thống, từ sử dụng thịt “nóng” sang sử dụng thịt mát, thịt cấp đông được sản xuất đúng quy trình.
Một hoạt động quan trọng không thể không nhắc đến trong việc thúc đẩy sản xuất theo chuỗi là Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đang tham mưu cho Sở NN-PTNT Hà Nội triển khai hệ thống nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP, sản xuất theo chuỗi. Với hệ thống được triển khai, sẽ hướng đến minh bạch chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Các chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi phải luôn đảm bảo chất lượng cao nhất cho các sản phẩm được minh bạch thông tin.
Với các hoạt động thiết thực trên, hi vọng trong tương lai không xa, sản xuất thịt cấp mát, cấp đông theo quy chuẩn quốc tế sẽ từng bước xóa bỏ tình trạng sử dụng “thịt nóng” không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tránh được tình trạng giết mổ nhỏ lẻ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày như hiện nay mà thay và đó là sự xuất hiện của những chuỗi sản xuất thịt mát, thịt cấp đông với các lò mổ hiện đại, công suất lớn, đảm bảo ATTP như các nước tiên tiến trên thế giới.
Nguồn: Báo Nông nghiệp