Việc Việt Nam ký kết, thực thi hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA), mới đây nhất là FTA Việt Nam-EU (EVFTA) mở ra nhiều cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, song cũng đang đặt ra nhiều lo ngại về gia tăng NK các loại thịt đông lạnh vào Việt Nam, đẩy ngành chăn nuôi nội địa vào tình thế khó khăn.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, có 600 DN Việt Nam NK thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, có 150 DN NK thịt lợn và sản phẩm thịt lợn (tăng 50 DN so với năm 2018). Tổng sản lượng các loại thịt NK trong năm 2019 tăng 17% và riêng thịt lợn tăng tới 63% so với năm 2018.
Thống kê báo cáo từ các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y cho thấy trong tháng 1/2020, các DN đã NK trên 4.500 tấn thịt lợn. Trong đó, thịt lợn NK được từ các nước Đức, Ba Lan, Brazil và Hoa Kỳ. Hiện nay, Việt Nam không giới hạn định mức (không cấp quota) về số lượng thịt lợn nói riêng, cũng như các sản phẩm động vật được phép NK.
Dễ thấy thời gian qua, NK thịt lợn tăng mạnh trong ngắn hạn chủ yếu để bù đắp phần nào lượng thịt thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi gây ra. Khi nhu cầu trong nước thiếu hụt, gia tăng NK là điều thông thường. Tuy nhiên, ở góc độ hội nhập, với việc tham gia hàng loạt FTA, khi hàng rào thuế quan dần mất đi, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng thịt ngoại dồn dập đổ bộ vào Việt Nam, đặt ra không ít thách thức cho ngành chăn nuôi nội địa.
Báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho thấy ngay từ năm 2019, sức ép từ việc tham gia các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA đã ngày càng lớn. CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, còn EVFTA dự kiến sớm nhất bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2020.
Với CPTPP, thuế NK thịt tươi hoặc ướp lạnh là 27%, xóa bỏ sau 10 năm; đối với thịt đông lạnh, thuế suất 15%, xóa bỏ thuế sau 8 năm. Với EVFTA, thuế NK thịt lợn đông lạnh từ 22,5% sẽ về 0% sau 7 năm; thuế NK lợn tươi sống từ 37,5% sẽ về 0% sau 9 năm.
Trong khi đó, giá bán lẻ thịt của Việt Nam cao hơn từ 20 - 25% so với giá đông lạnh NK. Giá cổng trại tại Việt Nam cao hơn từ 40 - 60% so với giá cổng trại của các nước phát triển.
Từ thực tế trên, để không bị "nhấn chìm" trong hội nhập, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, các DN chăn nuôi Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chuỗi liên kết, tăng đầu tư vào vùng chuyên canh nguyên liệu, kết nối với hộ sản xuất; đồng thời cải thiện giống, kỹ thuật chăn nuôi để tăng năng suất, giảm giá thành; tập trung nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm.
"Đối với người nông dân, cần liên kết để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ động nắm bắt thông tin thị trường. Ngành chức năng cập nhật tốt các thông tin quy định về hàng rào kỹ thuật thương mại, các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước và xây dựng các tiêu chuẩn trong nước hài hòa với thông lệ quốc tế để kiểm soát chất lượng NK", ông Trần Công Thắng nhấn mạnh.
Xung quanh câu chuyện tăng năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) bày tỏ quan điểm: Thực tế cho thấy việc tổ chức sản xuất chăn nuôi theo mô hình chuỗi liên kết thật sự đã mang lại hiệu quả đối với người chăn nuôi, có thể chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ðây là hình thức tổ chức phổ biến hiện nay trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bảo đảm các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, cũng như việc điều tiết cung - cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.
Một số chuyên gia nhận định, Nhà nước cần tập trung đầu tư kinh phí cho việc quy hoạch vùng chăn nuôi, hỗ trợ từ Trung ương tới địa phương để thực hiện các chương trình quốc gia về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật (lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tai xanh trên đàn lợn...) theo yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE); nỗ lực xây dựng thêm các vùng chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm...
Có như vậy, ngành chăn nuôi Việt Nam mới có thể củng cố nội lực, không chỉ đối mặt tốt hơn với áp lực thịt ngoại NK vào Việt Nam mà thậm chí còn góp phần thúc đẩy XK sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường.
Nguồn: Báo Hải Quan