Báo NNVN đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi về quản lý thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi theo hướng vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa phục vụ XK.
Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi của Mavin Austfeed
Thưa ông, hiện trạng chung của ngành TĂCN Việt Nam hiện nay ra sao?Vì sao phải quản lý chặt ngay từ nguyên liệu đầu vào của TĂCN?
Sản lượng TĂCN Việt Nam hiện đã đứng đầu Đông Nam Á. Năm 2016, Việt Nam sản xuất 23,5 triệu tấn TĂCN, đứng thứ hai là Thái Lan với 18,6 triệu tấn, thứ ba là Indonesia với 18,3 triệu tấn. Trên thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 10 cả về công suất thiết kế (32 triệu tấn/năm) và sản lượng TĂCN.
Có thể nói với sản lượng TĂCN công nghiệp như hiện nay, thì đã đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển chăn nuôi. TĂCN của ta chất lượng tốt và thuộc nhóm những nước có sản phẩm TĂCN giá rẻ ở Đông Nam Á.
Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) tại khu vực chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam hiện đã tương đương với các nước phát triển, ví dụ lợn là 2.5, gà công nghiệp 1.6. Nhưng với chăn nuôi đại trà thì hệ số này vẫn còn cao: lợn xấp xỉ 3.0, gia cầm trên 2.0.
TĂCN quyết định đến chất lượng, ATTP. Vậy khâu quản lý TĂCN thời gian qua, theo ông đã đáp ứng được yêu cầu này?
Ngành TĂCN vẫn đang tồn tại nhiều nguy cơ rủi ro ảnh hưởng tới chất lượng và an toàn sản phẩm TĂCN, từ việc nhiều cơ sở sản xuất, gia công TĂCN chưa đáp ứng được yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị hoặc sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, hết date, cận date, sử dụng hóa chất vốn chỉ dùng trong công nghiệp, lạm dụng kháng sinh, nguyên liệu có nguồn gốc động vật bị nhiễm vi sinh vật…
Chẳng hạn, vừa qua, nhiều lô hàng bột thịt xương, bột phụ phẩm động vật nhập từ châu Âu, đã bị phát hiện nhiễm Ecoli, Salmonella. Có không ít lô hàng NK xuất xứ không rõ ràng hoặc không được nước XK chứng nhận đủ tiêu chuẩn làm TĂCN, nên bị buộc tái xuất, tiêu hủy…
Vì vậy, việc tăng cường siết chặt quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào trong sản xuất TĂCN là rất quan trọng. Nguyên liệu đầu vào được kiểm soát tốt sẽ giúp DN sử dụng hiệu quả hơn nguyên liệu TĂCN, giúp giảm NK nguyên liệu để góp phần hạ giá thành TĂCN.
Lĩnh vực TĂCN đang được nhà nước ưu đãi, nhất là về chính sách thuế NK. Mục tiêu của ngành chăn nuôi thời gian tới là sản phẩm TĂCN của Việt Nam phải có chất lượng tốt, đảm bảo ATTP và giá thành thấp nhất để chúng ta có được các sản phẩm chăn nuôi chất lưọng, an toàn và giá thành thấp.
Có như vậy, TĂCN mới đáp ứng được yêu cầu của chăn nuôi phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa ngày một khắt khe và hướng tới XK. Nếu không quản lý được TĂCN, chắc chắn sẽ không thể XK được các sản phẩm chăn nuôi. Mà để quản lý được TĂCN, phải kiểm soát chặt chẽ mọi khâu của qúa trình sản xuất, trong đó phái chú ý ngay từ khâu nguyên liệu.
Vừa qua, có một số DN phàn nàn về công tác quản lý nhà nước về TĂCN như DN mất nhiều thời gian đăng ký lưu hành sản phẩm, chi phí kiểm tra chất lượng nguyên liệu TĂCN nhập khẩu cao. Ông có ý kiến gì?
Việc đăng ký lưu hành sản phẩm có chậm hơn do năm 2014 - 2015, Bộ NN-PTNT có chủ trương hạn chế việc đăng ký, cấp mới sản phẩm vật tư nông nghiệp để rà soát, loại bỏ các sản phẩm không đảm bảo chất lượng cũng như không để cho quá nhiều sản phẩm vật tư nông nghiệp lưu hành trong sản xuất, gây khó khăn cho việc lựa chọn của nông dân.
Còn việc kiểm tra chất lượng đối với mặt hàng TĂCN nhập khẩu thì có thể nói là đang được làm rất tốt bằng giải pháp áp dụng công nghệ tin học và xã hội hóa các dịch vụ công. Nhờ vậy, đã giúp việc kiểm tra, thông quan tới 15 triệu tấn hàng hóa với trên 4.800 dòng sản phẩm NK của gần 600 DN được thực hiện nhanh chóng, không gây ách tắc cầu cảng và kiểm soát tốt chất lượng, an toàn sản phẩm NK.
Hiện Cục Chăn nuôi đang là đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT làm tốt nhất việc cấp phép qua hệ thống trực tuyến và hướng dẫn các thủ tục hành chính lĩnh vực TĂCN qua cổng thông tin một cửa quốc gia. Riêng về nội dung đăng ký kiểm tra, xác nhận chất lượng mặt hàng nguyên liệu TĂCN nhập khẩu đã thực hiện giao dịch 100% trên cổng thông tin một cửa quốc gia ở cấp độ 4 (cấp độ cao nhất), được Tổng cục Hải quan đánh giá là nhóm hàng NK làm tốt nhất đến thời điểm này.
Còn với TĂCN sản xuất trong nước, sẽ được cấp phép lưu hành và hướng dẫn thủ tục trực tuyến 100% ở cấp độ 4 từ đầu năm 2018. Việc cấp phép và hướng dẫn thủ tục trực tuyến giúp cho các DN giảm được tới 60 - 70% thời gian đăng ký kiểm tra, thông quan và tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng chi phí văn phòng có liên quan …
Về chi phí kiểm tra chất lượng TĂCN nhập khẩu cao mà một số DN vừa phản ánh cách đây ít ngày, thì tuần rồi Cục đã cho tiến hành kiểm tra ngay thực tế ở cảng Hải Phòng, Quảng Ninh. Thực tế là đối với một số mặt hàng xá, các chủ hàng cùng đi trên một tầu và cùng nguồn gốc. Nhưng khi về tới cảng, các chủ hàng không muốn lưu cảng nên đã chuyển ngay về kho của mình.
Điều này khiến cho cơ quan kiểm tra phải về từng kho của DN để kiểm tra chất lượng cho thông quan từng lô hàng, chứ không thể thông quan cho cả tầu hàng được. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã làm việc và thống nhất với cơ quan hải quan.
Theo đó, sắp tới, đối với hàng xá là nguyên liệu TĂCN, nếu có nhiều chủ hàng đi trên một tầu và hàng hóa có cùng một nguồn gốc xuất xứ thì cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành lấy mẫu ngay tại cảng và các DN tập trung hồ sơ đăng ký kiểm tra, xác nhận chất lượng vào một đơn vị kiểm tra, để thực hiện kiểm tra một lần. Qua đó sẽ giảm được chi phí, thời gian kiểm tra cho các DN.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Nông nghiệp VN