Còn vài ngày nữa Luật Chăn nuôi 2018 sẽ có hiệu lực pháp luật. Với việc luật này đi vào cuộc sống cùng các luật khác như Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm..., người tiêu dùng đã có thể khá yên tâm về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm.
Nếu như ở các đạo luật khác, việc kiểm soát an toàn thực phẩm được coi là “hậu kiểm”, thì Luật Chăn nuôi đưa ra những quy định chặt chẽ để “tiền kiểm”, hay nói cách khác là công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được kiểm soát từ gốc.
Để đảm bảo nguồn thực phẩm “sạch”, an toàn cho người tiêu dùng, ngay tại Điều 12, Luật Chăn nuôi 2018 đã có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi: Tuyệt đối không được sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; không được sử dụng kháng sinh không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam trong thức ăn chăn nuôi; cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng; không nhập sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; cấm kinh doanh, chế biến sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân...
Trong bối cảnh công nghệ gen phát triển ngày nay, việc sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ các vật nuôi biến đổi gen trái phép sẽ vô cùng nguy hại cho sức khỏe con người. Do vậy, Luật Chăn nuôi 2018 cấm cá nhân, tổ chức nhập khẩu, nuôi, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen; cấm sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại; thông đồng, gian dối trong kiểm định, công bố chất lượng, chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.
Không chỉ đưa ra các quy định về việc cấm tự ý cho vật nuôi sử dụng kháng sinh không có trong danh mục được phép, bơm nước hoặc đưa vật chất khác vào vật nuôi nhằm gian lận thương mại, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, Luật Chăn nuôi 2018 còn quy định cụ thể về thức ăn chăn nuôi như thế nào để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, tại Điều 32 quy định các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa thức ăn chăn nuôi.
Đặc biệt, chỉ những cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp mới được phép sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi phải công bố thông tin sản phẩm công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT. Đối với sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng phải được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT. Sản phẩm thức ăn bổ sung cũng phải được thẩm định và công bố công khai.
Bên cạnh đó, Điều 38, Luật Chăn nuôi 2018 cũng quy định chặt chẽ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi tại các doanh nghiệp cơ sở sản xuất. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng phải đáp ứng các điều kiện: Địa điểm cơ sở sản xuất không nằm trong khu vực bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại; thiết kế khu sản xuất bảo đảm tách biệt giữa các khu sản xuất để tránh nhiễm chéo; có biện pháp bảo quản nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; kiểm soát sinh vật gây hại, tạp chất, chất thải gây nhiễm bẩn...
Các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có (hoặc thuê) phòng thử nghiệm để phân tích chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất. Đáng lưu ý, người phụ trách kỹ thuật sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học, công nghệ thực phẩm... Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi phải bảo đảm không nhiễm chéo giữa các loại kháng sinh khác nhau, giữa thức ăn chứa kháng sinh và không chứa kháng sinh. Kho chứa thức ăn chăn nuôi phải tách biệt hoặc không bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại khác.
Ở khâu cuối cùng của chuỗi sản xuất thực phẩm, Luật Chăn nuôi cũng nêu rõ: Các cơ sở mua bán, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm, đảm bảo thực phẩm “sạch” đến tay người tiêu dùng. Cụ thể, Luật quy định: Sản phẩm chăn nuôi được mua bán, sơ chế, chế biến phải có xuất xứ rõ ràng bảo đảm truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm. Trường hợp mua, bán sản phẩm chăn nuôi tại vùng công bố dịch bệnh phải thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y để đảm bảo không lưu hành thực phẩm “bẩn”.
Tuyệt đối không được sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng, hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép. Nghiêm cấm sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong sơ chế, chế biến thực phẩm là sản phẩm chăn nuôi theo quy định của pháp luật, nhằm tránh ngộ độc thực phẩm... Việc Luật Chăn nuôi 2018 có hiệu lực thi hành với hàng loạt quy định nghiêm ngặt cho thấy chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang được cố gắng kiểm soát từ “gốc”, người tiêu dùng có thể vơi đi nỗi lo đoạn đường ngắn từ bữa ăn tới nghĩa địa.
Nguồn: Báo Đại Đoàn kết