Giá thịt lợn tăng cao: Khâu trung gian chiếm tới 40% giá thành

Nhắc tới khâu trung gian có thể chiếm tới 40% giá thành thịt lợn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là mức rất lớn và cần phải giảm xuống, ông Dũng giao cho Bộ Công thương, NN&PTNT tăng cường kiểm soát giá của chuỗi cung ứng thịt lợn trên thị trường.

   

5 doanh nghiệp chăn nuôi lớn vừa đồng loạt cam kết với Chính phủ giảm giá thịt lợn hơi xuất tại cổng trại xuống 70.000 đồng/kg từ 1/4. Dù đồng thuận giảm, nhưng nhiều ý kiến cũng băn khoăn khi khâu trung gian đang đẩy giá thịt lợn lên mức cao và cần phải có giải pháp để kiểm soát để người tiêu dùng được hưởng lợi.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT đã liên tục tổ chức nhiều cuộc họp, trực tiếp đến làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để chỉ đạo sản xuất, phòng, chống dịch bệnh và giảm giá bán lợn thịt. Từ 1/4, 15 doanh nghiệp đã phối hợp, đồng hành với Chính phủ và cam kết giảm giá xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi. 

Từ trại nuôi ra thị trường, có nơi giá cao hơn tới 10.000 đồng/kg

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT nêu thông tin phản ánh, lợn sau khi được các danh nghiệp chăn nuôi lớn xuất bán tại các trang trại, ra khỏi cổng thì thương lái có thể bán với giá cao hơn 10.000 đồng/kg lợn hơi. Chính vì thế, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công thương tổ chức kiểm soát giá của chuỗi cung ứng lợn thịt và thịt lợn ở thị trường.

Là đại diện một trong 15 doanh nghiệp cam kết giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ 1/4, nhưng ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho rằng nếu việc giảm giá chỉ số ít doanh nghiệp thực hiện thì hiệu quả sẽ không cao. Bởi, trong khi C.P bán giá 75.000 đồng/kg, nhưng thị trường vẫn bán 82.00-85.000 đồng/kg.

Lý giải về mức chênh lệnh giá từ trại nuôi ra thị trường, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng để đưa lợn hơi từ cổng trại ra tới thị trường phải chi phí rất nhiều khoản. Đơn cử, chi phí vận chuyển trung bình 1.500 đồng/kg tùy vào khoảng cách, rồi chi phí bốc lợn lên xe 1.000 đồng/kg, chi phí hao hụt trung bình 4.000 đồng/kg... 

"Như vậy, tổng chi phí bình quân từ trại xuất chuồng ra đến thị trường mất từ 5.000-10.000 đồng" - ông Hải nói và cho rằng Bộ NN&PTNT có trách nhiệm quản lý lợn từ lúc nuôi cho đến các lò mổ, sau đó mới đến khâu từ lò mổ ra chợ.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu giá lợn hơi ở mức 80.000 đồng/kg thì giá thịt lợn xẻ (móc hàm) vào khoảng 100.000 đồng/kg. Thế nhưng, trên thị trường giờ đang bán 150.000-160.000 đồng/kg, thậm chí có loại trên 200.000 đồng/kg. 

"Rõ ràng phần phân phối phải có điều chỉnh để đảm bảo lợi ích người chăn nuôi, người tiêu dùng và người phân phối" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói. Đồng tình với đề xuất này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công thương, NN&PTNT tăng cường kiểm soát giá của chuỗi cung ứng thịt lợn trên thị trường.

"Đây là trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT và trách nhiệm của doanh nghiệp tập trung vào. Đặc biệt, kiểm soát khâu trung gian nhằm giảm chi phí giá thành. Các đại biểu đều nói có thể đến 40%, rất là lớn và cần phải giảm chi phí này. Đặc biệt, yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, găm hàng, ảnh hưởng tới tiêu cực đến nguồn cung thực phẩm và thị trường thịt lợn" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chưa có dấu hiệu thao túng, cạnh tranh không lành mạnh

Hiện nay, nguồn cung và giá thịt lợn phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Theo thống kê chỉ tính 15 doanh nghiệp lớn, các điểm liên kết vệ tinh và các doanh nghiệp vừa chiếm tỷ lệ hạt nhân trong cơ cấu ngành hàng đã sản xuất gần 100% đàn giống cụ kỵ, ông bà; 35-40% đàn giống bố mẹ; 50% đàn lợn thương phẩm và 55-60% sản lượng thức ăn công nghiệp của cả nước. 

Trong khi tốc độ tăng đàn lợn bình quân 3 tháng đầu năm 2020 của cả nước tăng 6,2% thì tốc độ tái đàn lợn khu vực doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang rất nhanh, đạt trên 17%, cá biệt có doanh nghiệp đang đặt mục tiêu tăng đàn 25-30%. 

Đánh giá cao sự đồng hành, chia sẻ trong việc cam kết giảm giá lợn xuống 70.000 đồng/kg kể từ 1/4, nhưng Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng lưu ý thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp chưa phối hợp chặt chẽ trong việc giảm giá thịt lợn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban điều hành giá Chính phủ, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ Công thương đã tổ chức đoàn đi kiểm tra một số doanh nghiệp lớn, trong đó có CP, Dabaco, CJ Vina… 

Số liệu kiểm tra bước đầu cho thấy, số đầu lợn hơi của Công ty CP Việt Nam chiếm 16,5% thị phần trên cả nước; còn khối lượng thịt lợn hơi xuất chuồng thì chiếm 19,7%. Tương tự, số đầu lợn hơi của Dabaco chiếm 1,1% và khối lượng xuất ra cũng chỉ có 1,34%...

"Hiện nay, chưa có doanh nghiệp nào đạt trên 30% (quy định về cạnh tranh phải trên 30%), nhưng ở đây phải lưu ý Công ty CP Việt Nam, ở trên toàn quốc thì không, nhưng ở khu vực phía Nam thì công ty lại có thị phần lớn chiếm tới 56,38% tổng số đàn lợn ở phía Nam, rất là lớn. Mong rằng CP lưu ý việc này, còn việc xử lý đến đâu, chúng tôi sẽ dựa vào các quy định" - ông Hải nói và cho biết sẽ gửi báo cáo này tới Thủ tướng Chính phủ.

Giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng đang quá cao!

Trao đổi với PV Dân việt, ông Nguyễn Xuân Dương, Q. Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Thịt lợn, nếu giá xuất chuồng là 70.000 đồng/kg; đến người giết mổ giá lên đến 75.000 đồng/kg hay cao hơn một chút thì tính ra móc hàm (thịt xẻ) thì giá chỉ vào khoảng 100.000-110.000 đồng/kg.

Thế nhưng, thịt đến tay người tiêu dùng có giá 150.000-180.000 đồng/kg, thậm chí hơn 200.000 đồng/kg. Rõ ràng, giá thịt từ mức cao nhất là 110.000 đồng/kg mà đến tay người tiêu dùng vọt lên 150.000-180.000 đồng/kg, thậm chí trên 200.000 đồng như vậy tôi cho là cao quá và cần giảm khâu này đi.

Trong cuộc họp với các doanh nghiệp lớn vào hôm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có nhắc khâu trung gian chiếm tới 40% là rất cao và Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT có giải pháp kiểm soát, giảm xuống?

Tôi cho rằng, mức giá tăng khoảng 25% là có thể chấp nhận được. Thịt lợn ngon bán tới tay người tiêu dùng tầm 160.000 đồng/kg, còn bình thường 140.000-145.000 đồng/kg thịt lợn là vừa phải; Còn nếu bán 180.000 đến trên 200.000 đồng/kg là quá cao.

Một số doanh nghiệp có phản ánh khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu thức ăn và giá nhập khẩu đang tăng cao, có nguyên liệu tăng giá tới 100-200%. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chú ý trong chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bởi có một số nước cấm lưu thông hàng hóa, chỉ cho lưu thông hàng hóa với thực phẩm cho con người. Họ không cho lưu thông hàng hóa là thực phẩm cho vật nuôi, nên gây ách tắc, thiếu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Vì thế, một số doanh nghiệp khuyến cáo, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chú ý cái đó để điều hành. Hiện nay, giá một số nguyên liệu đã tăng cao, các vinamin và một số hóa chất nhập từ Trung Quốc do các nhà máy đóng cửa nên bị thiếu...

Nguồn: báo Dân Việt