Doanh nghiệp sản xuất trứng gia cầm- Nâng sức cạnh tranh, giành lại vị thế

Giống như nhiều nông sản khác, trứng gia cầm của nước ta cũng đang chịu nhiều khó khăn khi phải đối diện với các cuộc khủng hoảng thừa. Doanh nghiệp (DN) sản xuất trứng gia cầm đang đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, đầu tư công nghệ, làm chủ thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu (XK).

Thị trường tiềm năng


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng lượng trứng gia cầm toàn quốc hiện nay vào khoảng 10 tỷ quả. Tốc độ tiêu thụ hiện mới đạt 89 quả/người/năm và dự kiến sẽ đạt 140 quả/người/năm vào năm 2020. Đặc biệt, ngành công nghiệp thực phẩm, trong đó có chế biến bánh kẹo đang phát triển là nguồn tiêu thụ lớn các sản phẩm trứng gia cầm. Vì vậy, Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng sản xuất trứng.

Cùng với thị trường nội địa, những năm gần đây, Việt Nam XK khoảng gần 30 triệu quả trứng mỗi năm vào các thị trường như Sigapore, Malaysia, Hồng Kông, Nhật Bản… Đầu tháng 11 vừa qua, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã nhận được Đề án XK trứng gà giống sang Myanmar của Công ty CP Bel Gà và đang hỗ trợ DN này thực hiện. Một số DN khác sản xuất mặt hàng trứng vịt muối và bắc thảo đang phối hợp với Cục Thú y để XK sang Hồng Kông, Singapore…

Thị trường trứng Việt Nam cũng được không ít các DN nước ngoài quan tâm. Năm 2017, theo đúng cam kết, Bộ Công Thương đã cấp hạn ngạch nhập khẩu hơn 500.000 quả trứng gia cầm vào thị trường nội địa, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Chủ động ứng phó

Sản xuất trứng gia cầm của Việt Nam hiện còn một số hạn chế vì ở một số nơi còn nặng tính truyền thống, chưa đầu tư chuồng trại đạt chuẩn nên độ an toàn không cao, chất lượng bấp bênh, giá bán không ổn định. Đơn cử, tháng 5 vừa qua, giá trứng gà đã xuống thấp kỷ lục, có nơi chỉ còn 700 - 800 đồng/quả. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm trứng an toàn, có chất lượng nên để khắc phục hạn chế, các DN cần phải đầu tư theo chuỗi, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội - cho biết, hơn 10 năm trước, Công ty Ba Huân đã bắt đầu thực hiện công nghiệp hóa các sản phẩm nông nghiệp. Công ty đã hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn với 2 trang trại nuôi gà công nghệ cao lấy trứng và thịt, 2 nhà máy xử lý trứng, 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi và 1 nhà máy chế biến thực phẩm. Tất cả đều tự động hóa và áp dụng nghiêm ngặt các quy chuẩn an toàn trong nước và quốc tế.

Tương tự, nhà máy sản xuất trứng gà sạch của Công ty ĐTK tại Phú Thọ có khả năng kiểm soát an toàn sinh học trong toàn bộ quy trình sản xuất trứng để cho ra đời những quả trứng sạch, có độ tươi AA – tiêu chuẩn cao nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Với công suất tối đa 175 triệu quả/năm, mục tiêu ĐTK đặt ra là phục vụ nhu cầu sử dụng trứng gà sạch của người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Còn ở Công ty CP Dabaco, với quyết tâm khép kín chuỗi sản xuất - tiêu thụ, từ nay đến năm 2019, công ty định hướng sẽ xây dựng tổ hợp sản xuất giống gia súc, gia cầm tại Tuyên Quang, Bình Phước, Bắc Ninh với tổng vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Mục tiêu của Dabaco 2 năm nữa sẽ sản xuất 360 triệu quả trứng gà/năm. Bên cạnh đó, Dabaco xây dựng nhà máy chế biến trứng gia cầm công suất 40.000 quả trứng/giờ, mức đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng.

Hoạt động đầu tư nghiêm túc của các DN đã và đang cho thấy quyết tâm trong việc tái cơ cấu, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Lộc An– Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Xây dựng được các chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ, hình thành các DN lớn, đủ khả năng đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để cho ra đời các sản phẩm chất lượng là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng nông sản.

Nguồn: Báo Công thương