Trước thông tin Hà Nội sẽ chuẩn bị một lượng thịt lợn, gà "khủng" phục vụ Tết Nguyên đán, người chăn nuôi Thủ đô đang hy vọng giá lợn, gà từ hôm nay sẽ tăng cao hơn hiện tại để bà con có thể có lãi.
Theo kế hoạch vừa ban hành của Sở Công Thương Hà Nội, số lượng thịt lợn khoảng 50.000 tấn; thịt gà 14.000 tấn; thịt bò 13.800 tấn... sẽ được chuẩn bị cho 2 dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.
Công nhân chăm sóc gà tại một trang trại nuôi gà đẻ trứng tại huyện Quốc Oai (Hà Nội)
Dự trữ hàng hóa tăng 10% kế hoạch so với năm 2017
Theo Sở Công thương Hà Nội, dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2018 (tính cho 2 tháng từ 1.1.2018 đến 28.2.2018) gồm: Gạo 193.600 tấn; thịt lợn 50.000 tấn; thịt gà 14.000 tấn; thịt bò 13.800 tấn...; trứng gia cầm 200 triệu quả; 220.000 tấn rau củ; thực phẩm chế biến 12.000 tấn; thủy hải sản 12.000 tấn; nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn...
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố khoảng 26 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2017.
Được biết, Sở Công Thương sẽ triển khai tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ, hệ thống trên 600 cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm, các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố. Tổ chức các điểm bán hàng Việt, các chuyến bán hàng lưu động phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các xã miền núi để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
Bà Trần Thị Lan Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với dân số 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội rất lớn. Đặc biệt sức tiêu thụ trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2018 dự báo sẽ tăng từ 5 - 20%, trong khi doanh nghiệp của thành phố chỉ có thể đáp ứng được từ 30 - 60% nhu cầu tiêu thụ của người dân.
Chính vì vậy, thời gian qua, TP.Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu giữ với các tỉnh, thành trên cả nước.Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với một số tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La... tổ chức các Tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, nhiều hội nghị giao thương trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt TP.Hà Nội năm 2017 cũng được tổ chức, qua đó 27 nhà phân phối, siêu thị Hà Nội đã kết nối, ký kết biên bản ghi nhớ với 80 doanh nghiệp sản xuất của 25 tỉnh, thành phố trong hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động này không chỉ bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho Hà Nội mà còn góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Cần nâng cao hạ tầng thương mại
Có thể thấy, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trong thời gian vừa qua đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp địa phương, đáp ứng hàng hóa cho thị trường Hà Nội.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua cũng có nhiều doanh nghiệp của Hà Nội phản ánh: Trong quá trình kết nối tìm nguồn hàng, doanh nghiệp thường gặp không ít khó khăn khi cần lượng hàng lớn với chất lượng bảo đảm, đồng đều. Nguyên nhân là do hầu hết các tỉnh có ít doanh nghiệp lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất.
Ông Vũ Thanh Sơn - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho hay: Hiện hầu hết các hộ nông dân, HTX sản xuất nông sản hàng hóa vẫn theo tập quán truyền thống nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng và khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển, phương thức thanh toán...
"Hơn nữa, sự phối hợp của các địa phương đôi khi chưa kịp thời để có thể đáp ứng yêu cầu đột xuất của thị trường. Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường cho các doanh nghiệp chưa kịp thời dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ..." - ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, để công tác liên kết, kết nối cung cầu hàng hóa thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, các doanh nghiệp kiến nghị các cấp chính quyền cần song hành với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát ban hành và hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh hàng Việt. Bên cạnh đó, UBND thành phố và các tỉnh cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại để bảo đảm có các kênh tiêu thụ bền vững.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, với vai trò là một trong những trung tâm thương mại lớn của cả nước, việc đẩy mạnh kết nối cung cầu giữa Hà Nội và các địa phương không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm mà còn giúp đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế. "Tuy nhiên, với việc thương mại điện tử đang ngày một phát triển, đòi hỏi Hà Nội cần xây dựng, vận hành mạng giao giao thương hiện đại nhằm tận dụng các lợi thế cũng như hỗ trợ tốt hơn cho các tỉnh, thành phố khác trong tiêu thụ sản phẩm của địa phương mình" - ông Lộc nói.
Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, sau gần 2 năm hợp tác, đã có nhiều sản phẩm của Bắc Giang được tiêu thụ ở Hà Nội như gà đồi Yên Thế, vải Lục Ngạn… Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng tiêu thụ nhiều sản phẩm của Hà Nội như đồ điện tử, sản phẩm đồ gỗ,…
"Thời gian tới, đặc biệt là vào dịp Tết 2018 này, tỉnh Bắc Giang mong muốn UBND TP.Hà Nội tiếp tục có các chương trình kết nối giao thương giúp các doanh nghiệp, nhà sản xuất có cơ hội gặp gỡ, ký kết giao thương. Bắc Giang cũng cam kết tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố đến đầu tư tại Bắc Giang, đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và người dân" - ông Thái khẳng định.
Nguồn: Báo Nông thôn Ngày nay (http://danviet.vn/nha-nong/gia-lon-heo-hom-nay-1511-thu-do-chuan-bi-tren-60000-tan-thit-lon-ga-phuc-vu-tet-nguyen-dan-gia-se-tang-822351.html)