Tỉnh Kiên Giang đang tập trung phát triển kinh tế biển, nhất là phát huy lợi thế về các vịnh, đảo để phát triển nghề nuôi biển, nuôi trồng thủy sản mặn, lợ.
Phạm vi nuôi biển trên địa bàn tỉnh được phân chia thành 2 vùng, gồm vùng hải đảo và vùng ven biển, thích hợp phát triển nghề nuôi lông bè trên biển và nuôi nước lợ trong bờ. Ảnh: Trung Chánh.
Phát triển nuôi biển công nghệ cao
Kiên Giang là tỉnh ven biển, với vùng biển rộng lớn, có nhiều đảo, quần đảo nằm rải rác, mặt nước biển thích thích hợp để phát triển triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nghề nuôi biển hiện đại.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, phạm vi nuôi biển trên địa bàn tỉnh được phân chia thành 2 vùng. Vùng hải đảo, bao gồm: huyện Kiên Hải, thành phố Phú Quốc, xã đảo Tiên Hải (Tp Hà Tiên) và các xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương). Vùng ven biển, bao gồm: các xã, phường ven biển thuộc các huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất, Kiên Lương và thành phố Hà Tiên.
Kiên Giang cũng đã xây dựng và triển khai đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, sẽ khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản, trên cơ sở cân đối giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản một cách hiệu quả, bền vững.
Từng bước giảm dần số lượng tàu, sản lượng khai thác, để chuyển sang nuôi biển, tăng quy mô, năng suất sản lượng nuôi biển, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng dân cư ven biển, giảm áp lực khai thác thủy sản ven bờ.
Đón đầu xu hướng phát triển kinh tế biển tại tỉnh Kiên Giang, Tập đoàn Mavin đã nghiên cứu việc triển khai dự án nuôi cá biển quy mô lớn, ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại để sản xuất các loại cá biển chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Dự án này đã được UBND tỉnh Kiên Giang trao quyết định đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh được tổ chức năm 2019.
Theo đó, dự án của Tập đoàn Mavin tại tỉnh Kiên Giang có tổng vốn đầu tư là 30 triệu USD, triển khai trên diện tích 2.000 ha mặt nước biển, với sản phẩm nuôi trồng là các loại cá có giá trị kinh tế cao như: cá vược, cá song, cá chim vây vàng... Sản lượng khi vào vận hành ổn định có thể sản xuất 30 nghìn tấn cá biển các loại mỗi năm. Đây là dự án nuôi biển phục vụ xuất khẩu, nên Tập đoàn Mavin cũng đặc biệt chú trọng vào việc kiểm soát môi trường nuôi và truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài dự án về nuôi biển, Tập đoàn Mavin cũng đã ký các biên bản ghi nhớ với tỉnh Kiên Giang về việc triển khai khảo sát và triển khai đầu tư: Dự án trung tâm giống hải sản, dự án nhà máy sản xuất thức ăn thủy, hải sản có công suất 300 nghìn tấn/năm và dự án chế biến thủy sản xuất khẩu có công suất 30 nghìn tấn/năm.
Đầu tư hạ tầng nuôi tôm nước lợ
Ngoài lợi thế về phát triển nuôi biển, Kiên Giang còn tập trung phát triển mạnh nghề nuôi tôm nước lợ vùng ven biển. Đến nay, đã hình thành hai vùng nuôi tập trung, gồm: nuôi luân canh tôm - lúa, nuôi tôm quảng canh ở các huyện vùng U Minh Thượng và nuôi thâm cah công nghiệp ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Nhiều tập đoàn, công ty nuôi trồng thủy sản lớn như: Minh Phú, Trung Sơn, BIM - Hạ Long, Thông Thuận… đã chọn Kiên Giang để đầu tư nuôi tôm với diện tích lên đến hàng ngàn ha.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, đã đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Minh Phú (thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) thực hiện dự án hệ thống cấp nước biển cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, Minh Phú sẽ đầu tư nguồn vốn 2.819 tỷ đồng thực hiện dự án hệ thống cấp nước biển cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 9.838ha, thuộc địa bàn 3 huyện, thành phố Hà Tiên, Kiên Lương và Giang Thành. Dự án nhằm góp phần phát triển bền vững lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp, nhất là nuôi tôm công nghệ cao vùng Tứ giác Long Xuyên.
Giai đoạn 1 đầu tư 1.019 tỷ đồng, chia làm 2 tuyến cấp nước. Tuyến số V, xây dựng trạm bơm có đường ống lấy nước biển xa bờ từ 1-1,5 km, đường kính 1.600 mm, ống đẩy dài 6,8-9 km, đường kính 1.400 mm, đủ năng lực cấp nước cho 600-900 ha, tại ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương. Tuyến kênh Cây Me, xây dựng trên tuyến kênh thêm trạm bơm và đường ống lấy nước biển xa bờ, đầu tư nạo vét lòng kênh đủ cấp nước cho thêm 3.100 ha tại xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương.
Giai đoạn 2 đầu tư 1.800 tỷ đồng, nâng cao năng lực cấp nước thêm 5.838 ha, để đạt đến 9.838 ha của toàn hệ thống. Xây dựng tại khu vực Ngã ba Cây Bàng thêm trạm bơm và đường ống lấy nước biển xa bờ. Đầu tư nạo vét kênh cấp nước theo tuyến Ngã ba Cây Bàng và công trình trên kênh đủ năng lực cấp nước cho toàn bộ diện tích trong vùng dự án.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sẽ thực hiện trong năm 2021 và giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 6/2025.
Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, thực hiện kế hoạch sản xuất tôm nuôi nước lợ năm 2021, từ đầu năm đến nay, nông dân trong tỉnh đã thả nuôi được 116.186 ha (kế hoạch cả năm là 136.000 ha). Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp 1.436 ha, chủ yêu là tôm thẻ chân trắng, nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến 25.162ha và nuôi tôm - lúa 89.588 ha, có 2.000 ha nuôi tôm càng xanh. Sản lượng thu hoạch đến nay ước đạt hơn được 20.500 tấn.
Kế hoạch năm 2021, tỉnh Kiên Giang sẽ sản xuất 98.000 tấn tôm nguyên liệu phục vụ thị trường tiệu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu. Nếu được đầu tư tốt hơn nữa về cơ sở hạ tầng, nhất là với sự tham gia của các tập đoàn, công ty lớn, sẽ giúp sản lượng tôm nuôi của Kiên Giang tăng lên nhanh chóng.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam