Tính đến ngày hết ngày 6/3, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 9 tỉnh, thành phố. Kéo theo đó, giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc đang giảm mạnh, nhiều nơi giá giảm chỉ còn 38.000 - 41.000 đồng/kg.
Theo thông tin mới nhất, ngày 6/3, tỉnh Hòa Bình đã phát hiện ổ dịch lả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên tại hộ chăn nuôi của ông Mai Xuân Trường (Đội 3, xóm Cát, xã Hợp Thanh, huyện Lương Sơn).
Trước đó một ngày, khi phát hiện có những dấu hiệu lợn mắc bệnh DTLCP tại hộ chăn nuôi của ông Trường, đoàn công tác của Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình đã đến tiến hành kiểm tra dịch bệnh và lấy mẫu bệnh phẩm đem để phân tích và xét nghiệm.
Kết quả, các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với virus DTLCP. Theo đó, toàn bộ đàn lợn của gia đình ông Mai Xuân Trường đã phải tiêu hủy theo quy định.
Cùng ngày, Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên cũng đã phát hiện 4 mẫu xét nghiệm dương tính với virus DTLCP tại một số bản của xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo. Các đàn lợn mắc DTLCP cũng đã được tiêu hủy theo quy định. Đồng thời tỉnh này cũng lên kế hoạch khoanh vùng, lập chốt, tuyên truyền tới bà con chăn nuôi nhằm khống chế dịch lây lan rộng.
Như vậy, đến thời điểm này đã có 9 tỉnh xuất hiện DTLCP với tổng số lợn phải tiêu hủy lên tới gần 6.471 con lợn. Ngoài Hòa Bình và Điện Biên là 2 địa phương mới phát hiện dịch bệnh, DTLCP đang hoành hành tại các địa phương đã bị phát hiện có dịch trước đó như Hưng Yên, Thái Bình,...
Tương tự, sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại một đàn lợn rừng 15 con ở Ngọc Thụy (Long Biên) vào cuối tháng 2 thì đến ngày 5/3, dịch bệnh này tiếp tục được phát hiện tại một hộ chăn nuôi ở xã Thụy Lâm (Đông Anh) khi các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với virus DTLCP.
Trước diễn biến phức tạp của DTLCP, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương đã triển khai hàng loạt giải pháp ứng phó như hạn chế, thậm chí ngăn cấm vận chuyển lợn tùy theo khu vực, thời điểm và tình hình dịch bệnh; nghiêm cấm sử dụng thức ăn thừa cho lợn trong giai đoạn này.
Ghi nhận của PV. VietNamNet, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc đang giảm mạnh, có nhiều địa phương giá lợn hơi đã giảm tới 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 2, còn so với thời điểm trước khi xuất hiện DTLCP giá lợn giảm mất khoảng 4.000-6.000 đồng/kg xuống còn 38.000-41.000 đồng/kg.
Cụ thể, trước ngày 19/2 (thời điểm công bố 2 ổ dịch tả đầu tiên tại Việt Nam), giá thịt lợn hơi xuất chuồng tỉnh Tuyên Quang đang ở mức 48.000 đồng/kg, ở Thái Bình giá dao động quanh mốc 46.000 đồng/kg, Lào Cai giá ghi nhận ở mức 49.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá lợn hơi tại các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình,... thời điểm đó cũng dao động từ 46.000-48.000 đồng/kg.
Thế nhưng, thời điểm hiện tại giá lợn có dấu hiệu giảm mạnh ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc. Đơn cử, ở Nam Định giá lợn hơi xuất chuồng hiện giảm còn 40.000-41.000 đồng/kg; ở các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, giá lợn hơi cao hơn nhưng cũng chỉ dao động trong khoảng 44.000 đồng/kg, Vĩnh Phúc giá giảm còn 40.000 đồng/kg,...
Tương tự, một số chủ trang trại cho biết, trong ngày hôm qua 6/3, giá lợn hơi xuất bán tại trại của Công ty CP ần Chăn nuôi CP cũng được điều chỉnh giảm thêm 1.000 đồng/kg xuống còn 40.000 đồng/kg.
Theo ông Phạm Cao Bằng - Giám đốc Điều hành Khối Chăn nuôi Tập đoàn Mavin, hiện diễn biến của DTLCP đang trở nên phức tạp, Chính phủ đã vào cuộc một cách quyết liệt để chung tay với người chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người chăn nuôi đền bù thiệt hại do dịch.
Việc dự đoán giá thịt ở thời điểm này là rất khó. Song, ông Bằng khẳng định sản lượng thịt sẽ giảm do dịch bệnh và sẽ có giai sẽ đoạn giá tăng sau đó. Đối với Mavin, giá cả sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp, bởi họ hoạt động theo một chuỗi khép kín, chăn nuôi chỉ là một mắt xích trong chuỗi đó.
Nguồn: VietnamNet (link bài viết: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/dich-ta-lon-chau-phi-lan-ra-9-tinh-gia-lon-hoi-giam-manh-512081.html)