Kết quả phân tích cho thấy, gen vi rút dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại tỉnh Thái Bình và Hưng Yên là vi rút dịch tả lợn châu Phi thuộc genotype II.
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian vừa qua, các cán bộ chẩn đoán, xét nghiệm chuyên sâu các bệnh truyền nhiễm động vật của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương và Chi cục Thú y vùng VI đã trao đổi, làm việc với các phòng thí nghiệm của Tổ chức Thú y Thế giới và đã giải được trình tự gen vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, ngay sau khi xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của lợn bệnh tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình có kết quả dương tính đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi bằng nhiều phương pháp như PCR truyền thống, Real-time PCR, ELISA, Cục Thú y đã chỉ đạo Chi cục Thú y vùng VI tiến hành giải trình tự gen (vùng gien p72) của các mẫu vi rút dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam.
Kết quả phân tích cho thấy, gen vi rút dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại tỉnh Thái Bình và Hưng Yên là vi rút dịch tả lợn châu Phi thuộc genotype II.
So sánh trình tự nucleotide vùng gen p72 của 6 mẫu vi rút cho thấy, các vi rút được phát hiện tại 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên có sự tương đồng nucleotide là 100%, acide amine là 100%. Điều này chứng tỏ các vi rút này có chung một nguồn gốc vi rút.
Ngoài ra, kết quả phân tích cây phả hệ và so sánh trình tự nucleotide vùng gen p72 của vi rút dịch tả lợn châu Phi thuộc genotype II ở Hưng Yên, Thái Bình và một số vi rút dịch tả lợn châu Phi genotype II ở các nước trên thế giới cho thấy, các vi rút dịch tả lợn châu Phi phát hiện tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình có độ tương đồng về nucleotide 100% so với vi rút dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Trung Quốc năm 2018 và tại Nga năm 2017.
Như vậy, tại 8 phòng thí nghiệm của Cục Thú y đã được chỉ định, có thẩm quyền xét nghiệm chính xác bệnh dịch tả lợn châu Phi và được miễn phí giải trình tự gen.
Do đó, Cục Thú y đề nghị các cơ quan thú y địa phương và các đơn vị khác gửi mẫu về 8 phòng thí nghiệm này để xét nghiệm, xác định chính xác bệnh dịch tả lợn châu Phi xem đã xảy ra ở địa phương hay chưa.
Ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình đã phát hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi tại một số hộ chăn nuôi thuộc một số xã.
Bên cạnh đó, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian tới là rất cao.
Do đó, việc phòng thí nghiệm có thẩm quyền xét nghiệm chính xác và kịp thời phát hiện mầm bệnh có ý nghĩa rất quan trọng.
Từ đó, có cơ sở tổ chức phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, hạn chế tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi, ngân sách nhà nước, cũng như giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường do phải tiêu hủy lợn bệnh.
Đến thời điểm này, các ổ dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên và Thái Bình đã được kiểm soát và đã qua 20 ngày không phát sinh.
Hiện, đoàn công tác của Cục Thú y vẫn phối hợp với các địa phương tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình tổ chức lấy mẫu giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh./.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam