Mặc dù được đánh giá là hướng tất yếu của sản xuất hàng hoá, tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai loại hình bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia trong ngành, để bảo hiểm nông nghiệp có thể “đi đường dài” với người nông dân, ý thức tuân thủ điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... bảo vệ môi trường của người tham gia bảo hiểm là rất quan trọng.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN-PTNT triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với 20 tỉnh, cũng như 7 nhóm sản phẩm nông nghiệp.
Doanh nghiệp “lo”, nông dân “ngại”
Theo giấy yêu cầu bảo hiểm của ông Hồ Văn Thu, ấp Nguyễn Văn Mận, xã Ngọc Tố, H.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), UBND xã Ngọc Tố xác nhận tôm chết tại thời điểm được 73 ngày tuổi, căn cứ theo hồ sơ hợp pháp đơn vị Bảo Hiểm Bảo Việt Sóc Trăng đã bồi thường số tiền trên 16,7 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó người dân tố cáo ông Thu thực tế đã lùi ngày thả nuôi tôm, ông Thu đã thừa nhận việc này, thực tế thời điểm tôm chết mới chỉ 51 ngày, vậy số tiền bồi thường đúng thật ra chỉ trên 12,1 triệu đồng.
Đơn vị bảo hiểm sau đó đã phải yêu cầu hộ gia đình này hoàn trả số tiền 4,5 triệu đồng. “Đây chỉ là một vài trường hợp trong nhiều trường hợp khác cố tình thông báo ngày tôm thiệt hại chậm trễ, hoặc thay đổi ngày thả nuôi nhằm nhận được khoản bồi thường nhiều hơn dựa vào khung biểu bồi thường căn cứ ngày tuổi của tôm. Đây là hành vi trục lợi bảo hiểm nông nghiệp”, một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.
Trong khi đó, ở góc độ người chăn nuôi, nhiều hộ nông dân lại tỏ ra ngần ngại với bảo hiểm nông nghiệp. Thống kê của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến giữa năm 2016, cả nước có 304.017 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Giá trị được bảo hiểm là 7.747 tỉ đồng, trong đó giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỉ đồng, giá trị bảo hiểm vật nuôi là 2.713 tỉ đồng, giá trị bảo hiểm thủy sản là 2.883 tỉ đồng. Theo các chuyên gia kinh tế, con số này quá khiêm tốn so với một đất nước gần 70% người dân làm nông nghiệp như nước ta.
Như vậy, trong khi số đông người dân còn kém mặn mà, thậm chí thờ ơ với bảo hiểm nông nghiệp, thì những doanh nghiệp bảo hiểm lại phải đối mặt với nỗi lo về tình trạng trục lợi. Đỉnh điểm, 2 năm sau ngày triển khai mô hình thí điểm, số thu từ bảo hiểm thuỷ sản là 297 tỷ đồng, nhưng số đền bù đã lên tới 669 tỷ đồng, tức số tiền bồi thường lớn hơn gấp 3 lần số thu. Khoản lỗ quá lớn đã khiến các doanh nghiệp bảo hiểm lĩnh vực thuỷ sản gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã dừng ký kết các hợp đồng bảo hiểm trong lĩnh vực này.
Trao đổi với DĐDN về vấn đề này, ông Tăng Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội Phát triển khoa học nông nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã “thất bại” bởi nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ với hơn 50% các hộ làm nông nghiệp mang tính chất gia đình, manh mún khiến khả năng tham gia bảo hiểm hạn chế.
“Minh chứng là trong đợt thí điểm vừa qua, nhà nước dùng chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân và doanh nghiệp sản xuất tham gia bảo hiểm sản xuất. Tuy nhiên, kết quả, có đến 81% hộ nông dân tham gia là hộ nghèo, số doanh nghiệp là các trang trại sản xuất hang hoá gần như “vắng bóng”, điều này cho thấy việc xác định đối tượng chưa thành công, không thể hiện được mục tiêu của bảo hiểm nông nghiệp là hướng tới đối tượng sản xuất hàng hoá”, ông Lộc nói.
Bên cạnh đó, ông Lộc cũng nhận định, việc gắn bó giữa đơn vị bảo hiểm và chính quyền địa phương rất lỏng, chưa có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, gây ra những trường hợp trục lợi bảo hiểm, điển hình trong ngành thuỷ sản.
Trong khi vấn đề xác định rủi ro cũng không hề đơn giản. Nói như Tiến sĩ Nguyễn Quốc Đạt - Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam: “Trong nông nghiệp, việc xác minh mức độ, nguyên nhân thiệt hại là rất khó, doanh nghiệp bảo hiểm nhiều khi cũng chưa đủ nhân lực để xác minh nguyên nhân thiệt hại để tiến hành công tác đền bù dẫn tới chậm trễ hoặc trục lợi”.
Hướng nào để phát triển sản xuất hàng hóa
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 315/2011/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên, trong khi chính sách bảo hiểm nông nghiệp trên phạm vi rộng còn đang loay hoay, khó khăn, thậm chí được đánh giá là “thất bại” thì ở Nông trường bò sữa Mộc Châu (Sơn La), từ nhiều năm nay lại đi đầu về mô hình tự tổ chức bảo hiểm nông nghiệp và trở thành một điển hình thành công. Theo đó, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu đã thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cho các nông hộ bởi đây là ngành có độ rủi ro cao. Một con bò sữa có giá trị khoảng 60 – 80 triệu đồng, nếu bị dịch hoặc chết, người nông dân có thể mất cả sản nghiệp.
Mỗi năm các gia đình trong nông trường đóng 250.000 đồng/con bò sữa, khi bò chết, người của quỹ đến khám nghiệm, dựa trên cơ sở quy trình chăn nuôi của Cty để quyết định có trả bảo hiểm hay không. Bên cạnh đó, Quỹ do người chăn nuôi trực tiếp quản lý, nên khi bò chết do yếu tố khách quan, có thể chi trả bảo hiểm ngay cho người chăn nuôi. Như vậy, việc thực hiện triển khai bảo hiểm nông nghiệp không thể nói là không khả thi, rõ ràng vẫn có những mô hình điển hình như bò sữa Mộc Châu và bảo hiểm nông nghiệp thực sự là giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho nông dân, là hướng đi tất yếu của sản xuất hàng hoá trong nền kinh tế thị trường và hội nhập. Câu chuyện còn lại là làm sao điều chỉnh các chính sách trong bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với thực tiễn.
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử