Việc một DN xuất khẩu thành công sản phẩm thịt lợn sang thị trường Myanmar được cho sẽ mở lối XK cho ngành chăn nuôi.
Tín hiệu vui cho ngành chăn nuôi
Tháng 5/2018 đánh dấu bước ngoặt lớn của ngành chăn nuôi khi Tập đoàn Mavin đã có lô hàng thịt lợn đầu tiên XK sang Myanmar.
Ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin chia sẻ, tại thời điểm đàm phán, so với giá bán thịt lợn trong nước thì giá XK sang thị trường này cao hơn rất nhiều. Mức giá này tùy thuộc vào các loại thịt xẻ mảnh khác nhau. Tuy nhiên, so với mức giá trung bình của thế giới, thì giá thịt lợn XK của Mavin cao hơn khoảng 15%.
Được đối tác đánh giá cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, với phương châm sản xuất đảm bảo sản phẩm thịt heo sạch từ nguồn, an toàn vệ sinh tuyệt đối và có thể truy xuất được nguồn gốc, lô hàng thịt lợn đầu tiên cập cảng Yagoon - Myanmar và được đơn vị nhập khẩu thực hiện việc thông quan, kiểm dịch thành công.
Đến thời điểm này, tức là sau gần 2 tháng XK, toàn bộ lượng thịt này đã đưa ra siêu thị ở Yagoon và được tiêu thụ hết hoàn toàn. Để có được kết quả này là do Mavin cùng với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) làm việc rất chặt chẽ với phía đối tác Myanmar để đảm bảo mọi yếu tố đều được suôn sẻ. “Bản thân chúng tôi cũng đã cùng với đối tác của Sojitz sang tận Myanmar đi đến từng siêu thị để xem bốc dỡ sản phẩm”, ông Đào Mạnh Lương cho biết.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đánh giá, vượt qua nhiều rào cản về kỹ thuật và thú y của quốc gia nhập khẩu, Tập đoàn Mavin đã trở thành DN đầu tiên tại Việt Nam chính thức XK thành công thịt lợn tươi (lợn cấp đông) ra nước ngoài. Đây không chỉ là thành công của riêng DN mà còn là thành công của ngành chăn nuôi Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là một kênh quan trọng để đưa các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đến thị trường thế giới.
Trên thực tế, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với năng lực sản xuất chăn nuôi hiện nay vượt quá nhu cầu nội địa, trong đó chăn nuôi lợn chiếm khoảng 60% toàn ngành. Có những thời điểm diễn ra khủng hoảng thừa, phải “giải cứu” thịt lợn như thời điểm năm 2017.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tính đến hết năm 2017, Việt Nam mới có 5 DN XK thành công với sản phẩm trứng ăn liền và 1 DN có lô thịt gà đầu tiên XK và chưa có DN nào chinh phục được các rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng của quốc gia nhập khẩu để XK thịt lợn. Đây là điểm yếu của ngành.
Ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin nhận định, dù có sản lượng thịt lợn đứng thứ ba thế giới nhưng nhiều năm qua Việt Nam chưa XK được vì hạn chế về chất lượng và an toàn thực phẩm. 26 tấn thịt lợn tươi cấp đông của Tập đoàn Mavin đã được XK thành công sang thị trường Myanmar sẽ mở ra những khởi đầu mới cho ngành chăn nuôi Việt.
Sẽ không chỉ dừng ở Myanmar
Theo ông Đào Mạnh Lương, Myanmar chỉ là thị trường tham chiếu đầu tiên. Mục tiêu của Tập đoàn là thị trường toàn thế giới. Theo đó, Tập đoàn Mavin đã ký Biên bản ghi nhớ với Công ty Sojitz Việt Nam - thành viên của Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản). Theo đó, Công ty Sojitz cam kết kết nối và hỗ trợ Tập đoàn Mavin với khách hàng toàn cầu nhằm XK sản phẩm nông nghiệp với sản lượng lớn hơn nữa.
Hiện, Mavin đang chuẩn bị các thủ tục để thực hiện XK các container hàng tiếp theo. Dự kiến trong thời gian tới, mỗi tháng Mavin sẽ XK ít nhất một container 40 feet thịt lợn sang Myanmar. Cạnh đó, Mavin và Sojitz cũng đang đàm phán để XK các sản phẩm thịt chế biến như: Giăm bông, xúc xích, thịt xông khói vào thị trường này.
“Với số lượng mỗi tháng XK 1 container sang thị trường Myanmar đây là con số quá nhỏ so với quy mô của Mavin cũng như tiềm năng phát triển của ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tạo ra nền tảng, tiền đề để không chỉ Mavin mà các DN chăn nuôi khác của Việt Nam cũng có thể tham gia chuỗi để thúc đẩy XK các sản phẩm chăn nuôi”, ông Đào Mạnh Lương cho biết.
Lợi thế về quy mô, giá thành sản xuất, Việt Nam được đánh giá tiềm năng về XK thịt lợn ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, để có thể XK thịt lợn tươi sang các thị trường nước ngoài cần đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe của thị trường và cần có chứng nhận của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Đây là việc không dễ và bản thân một mình DN không thể tự làm được.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định: Cùng với việc tạo môi trường thuận lợi cho các DN chăn nuôi phát triển, thì vai trò của các bộ ngành, địa phương là hết sức quan trọng. Theo đó, các bộ, ngành địa phương cần đồng hành với các DN trong việc xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh, các cơ sở an toàn dịch bệnh. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần định hướng rõ ràng về nghiên cứu thị trường từ đó đưa ra các tín hiệu để DN có thể nghiên cứu và tổ chức đạt được yêu cầu về thực phẩm của quốc gia dự kiến XK.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chia sẻ thêm, tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ ký một thỏa thuận với OIE. Theo đó, tổ chức sẽ cử chuyên gia sang giúp ngành thú y đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu, đồng thời xây dựng chiến lược để Việt Nam sớm trở thành quốc gia an toàn thực phẩm với dịch lở mồm long móng có tiêm phòng và hướng đến là quốc gia an toàn thực phẩm với dịch lở mồm long móng không tiêm phòng.
Cùng với việc đẩy mạnh thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hiện Bộ NN&PTNT cũng đang tiến hành tổ chức lại các hộ chăn nuôi nhỏ theo hướng liên kết các hộ thành tổ hợp tác, hợp tác xã, gắn kết trong tiêu thụ sản phẩm.
Không lo ngại cạnh tranh về giá kể cả với các quốc gia chăn nuôi hàng đầu như Brazin, Tây Ban Nha, Ba Lan… Việt Nam là quốc gia có quy mô chăn nuôi lợn lớn nhất Đông Nam Á và hoàn toàn có lợi thế để XK đi các nước trong khu vực này. Giá thành chăn nuôi lợn của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Philippines, Thái Lan. Ngay cả đối với thị trường Trung Quốc, giá thành lợn của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh, đây là thị trường đang thiếu hụt về nguồn cung.
Tuy nhiên, đối với thị trường này, chúng ta đang vướng ở Hiệp định về Thú y. Bộ NN&PTNT mong muốn và kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ được mở cho ngành chăn nuôi của Việt Nam trong thời gian tới. Không chỉ dừng lại ở thịt lợn, Mavin còn hướng đến phát triển chuỗi sản phẩm vịt XK ra thị trường quốc tế. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về quy mô đàn vịt, đây là một trong những lợi thế mà Mavin mong muốn phát triển, dự kiến, cuối năm 2018 này, lô thịt vịt đầu tiên sẽ của Mavin sẽ được xuất ngoại, ông Đào Mạnh Lương cho biết thêm.
Nguồn: Báo Công Thương