Từ Nông trại tới Bàn ăn

Một buổi tối tháng 6.2009, Jessica Whitehead từ Úc sang thăm Việt Nam và được David John Whitehead, bố cô dẫn đi ăn tại một nhà hàng khá đẹp ở Hà Nội. Ngay tối hôm đó cô bị ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện điều trị vài ngày và trở về Úc ngay sau đó. Trải nghiệm không vui này khiến David, chủ tịch của Austfeed, một công ty liên doanh sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam lúc đó, suy nghĩ tới việc cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường Việt Nam.


Bài viết trên Tạp chí Forbes Việt Nam

Bốn năm sau, ông Whitehead thành lập công ty Thực phẩm Mavin, chuyên sản xuất các sản phẩm từ thịt tại tỉnh Hà Nam. Sau 18 năm đầu tư ở Việt Nam, Mavin Group hiện kinh doanh trong bốn lĩnh vực gồm thức ăn chăn nuôi, heo giống, trang trại heo và thực phẩm chế biến. Công ty có năm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, Nghệ An, Bình Định, Đồng Tháp, một nhà máy chế biến thực phẩm tại Hà Nam, một nhà máy sản xuất thuốc thú y tại Tiền Giang, bốn trung tâm giống hạt nhân tại Hưng Yên, Nghệ An, Bình Định và Đồng Tháp cùng 96 đối tác chăn nuôi chuyên cung cấp heo giống và thịt heo cho thị trường. Ông Whitehead cho biết doanh thu của Mavin đạt khoảng 200 triệu đô la Mỹ (4.600 tỉ đồng) năm 2017, mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm 80% cơ cấu doanh thu, tiếp theo là thực phẩm, trang trại và thuốc thú y. Còn kém các “ông lớn” cùng ngành như Masan (Việt Nam), CP (Thái Lan) hay Cargill (Mỹ) về doanh thu và thị phần, nhưng Mavin vẫn là một trong số ít các doanh nghiệp có khả năng khép kín chuỗi cung ứng “từ trang trại tới bàn ăn,” hướng phát triển đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao về nguồn gốc thực phẩm, các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn.

Năm 2017, công ty cung cấp gần 500 ngàn tấn thức ăn chăn nuôi, 376 ngàn con heo thịt và hơn 3.600 tấn thực phẩm cho thị trường Việt Nam. Ngoài thịt heo thành phẩm, Mavin còn cung cấp các loại thực phẩm chế biến như xúc xích, giăm bông, thịt xông khói, pate. “Chúng tôi xây dựng hệ thống tích hợp hoàn toàn từ trang trại tới bàn ăn, để có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay từ con giống ban đầu cho tới người tiêu dùng cuối cùng,” Whitehead nói.

Con đường từ nhà máy đến bàn ăn của Mavin là một “chặng đường dài và tốn rất nhiều tiền” như lời ông Whitehead chia sẻ. Bắt đầu từ một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Hưng Yên năm 2004, với số vốn năm triệu đô la Mỹ và sử dụng công nghệ của Trung Quốc, do “sản phẩm chưa ra thị trường nên ngân hàng chỉ chấp nhận khoản vay nhỏ.” Có sản phẩm, có thị trường tiêu thụ, ngân hàng đồng ý cho vay để đầu tư công nghệ cao hơn. Hiện nay, các nhà máy của Mavin đã áp dụng công nghệ của Thụy Sĩ với hệ thống robot và máy tính kiểm soát hoàn toàn quy trình sản xuất. Whitehead nói: “Công nghệ cao bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng nhất.”

Mảng thức ăn gia súc có hơn 200 doanh nghiệp tham gia sản xuất, nhưng 60% sản lượng thuộc về 70 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam vẫn nhập khẩu 3,2 tỉ đô la Mỹ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, số liệu từ tổng cục Hải quan. “Thị trường thức ăn chăn nuôi cạnh tranh khốc liệt,” Whitehead nói. Để duy trì chất lượng, họ phải bảo đảm nguyên liệu đầu vào, công nghệ, quy trình sản xuất và hệ thống kiểm soát chất lượng. “Chúng tôi duy trì được chất lượng sản phẩm ổn định, giá cả phải chăng, và hệ thống chăm sóc khách hàng trực tiếp,” Whitehead nói về chiến lược phát triển của Mavin.

Hiện thực hóa tầm nhìn về “chuỗi cung ứng khép kín từ trang trại tới bàn ăn,” Mavin đầu tư và cải tiến công nghệ sản xuất theo từng giai đoạn. Điều này thể hiện rõ qua các dấu mốc phát triển của Mavin trong 18 năm qua. Bắt đầu với nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi năm 2004, sau đó họ mua lại nhà máy thứ hai tại Hưng Yên năm 2007. Để phát triển mảng chăn nuôi và trang trại, Mavin thành lập trung tâm giống heo hạt nhân ở Hưng Yên năm 2011, với heo giống nhập từ Anh. Năm 2013, Mavin xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm ở Hà Nam, và trở thành cổ đông chính của công ty cổ phần Dược Thú y Cai Lậy (Mekovet).

“Lúc này chúng tôi đã kiểm soát các công đoạn trong chuỗi cung ứng, từ nhập heo giống về trang trại hạt nhân, nuôi và chăm sóc heo bằng sản phẩm thuốc thú y và thức ăn của công ty. Từ hàng chục trang trại đối tác, chúng tôi đưa heo vào nhà máy chế biến rồi cung cấp cho thị trường,” Whitehead mô tả. Với quy mô công ty 2.300 nhân viên và chín công ty thành viên, Mavin hiện cung cấp sản phẩm từ thịt heo cho hệ thống khách sạn như InterContinental, Sofitel, Crown Plaza, cùng hệ thống siêu thị VinMart, Lotte Mart, FiviMart, Aeon, BigC.

Cao lớn, nụ cười thường trực cùng bộ râu quai nón đã ngả bạc, David John Whitehead gia nhập ngành nông nghiệp khá muộn. “Ở Úc, tôi làm nhiều việc khác nhau từ quản lý rủi ro, giao thông vận tải, truyền thông, giáo dục,” ông kể. Giảng dạy ở RMIT, vị thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh 66 tuổi này sang Việt Nam từ những năm 1990 để tuyển sinh. Cơ hội đầu tư vào Việt Nam hình thành khi ông gặp ông Nguyễn Anh Tuấn, lúc đó đang học cao học tại RMIT, Úc năm 2001.

“Tôi giới thiệu ông Whitehead sang Việt Nam và gặp một số nhà đầu tư trong nước, đang hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, nông nghiệp, trong đó có ông Đào Mạnh Lương,” phó tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn kể lại. Năm 2004, liên doanh Austfeed ra đời do ông Whitehead làm chủ tịch, với 51% cổ phần. Ông Whitehead góp 800 ngàn đô la Mỹ, ông Lương và ông Tuấn đóng góp 700 ngàn đô la Mỹ. “Với tôi, nguyên tắc cơ bản để vận hành một công ty tốt là giống hệt nhau, dù ở bất cứ ngành nào,” Whitehead chia sẻ về quyết định chuyển từ ngành giáo dục sang nông nghiệp. Ông cho biết thêm, dù làm ngành nào, người điều hành phải có định hướng rõ ràng, chiến lược kinh doanh, quản trị tài chính tốt, thu hút được nhân sự và phải làm việc chăm chỉ.

Xét về quy mô, Mavin không phải là công ty lớn trong ngành, song người đứng đầu Mavin tự tin vào năng lực cạnh tranh của họ. Ông nói: “Những công ty lớn nhất trong ngành có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài, chúng tôi là công ty đặt trụ sở ở Việt Nam, vận hành toàn bộ ở đây nên chúng tôi có kiến thức bản địa.” Đặt mục tiêu bắt đầu xuất khẩu sản phẩm từ năm 2018, tuy nhiên, Whitehead không nói rõ kế hoạch cụ thể của Mavin. “Chúng tôi mới chỉ bắt đầu, nhưng tôi muốn doanh thu thị trường Đông Dương chiếm 30%.”

Nguồn Forbes Việt Nam (Link bài viết http://forbesvietnam.com.vn/doanh-nghiep/tu-nong-trai-den-ban-an-3631.html)