Nuôi vịt chạy đồng được người nông dân thực hiện từ nhiều năm qua, nhưng cách chăn thả này đặt ra rủi ro lớn về dịch cúm gia cầm. Đây cũng chính là rào cản kỹ thuật lớn nhất đối với việc xuất khẩu các sản phẩm từ vịt của Việt Nam. Với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp áp dụng mô hình chăn nuôi bán công nghiệp, triển vọng xuất khẩu đối với ngành này đang rất khởi sắc.
Ước tính tổng đàn vịt của Việt Nam là trên 70 triệu con, đứng thứ 3 thế giới về quy mô tổng đàn. Trên thế giới có khoảng 20 công ty chăn nuôi vịt, tại Việt Nam, hiện chỉ có 2 công ty chăn nuôi loài thủy cầm này.
Chăn nuôi vịt dù đứng thứ 2 trong cơ cấu chăn nuôi gia cầm tại Việt Nam, được đánh giá phù hợp với điều kiện chăn nuôi của Việt Nam (đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Sông Hồng), nhưng chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa là chính (xuất khẩu chỉ khoảng 10%). Các trở ngại lớn nhất cho ngành này hiện nay chủ yếu là ở vấn đề con giống và cách chăn nuôi chưa mang lại hiệu quả cao.
Trước đây, chăn nuôi vịt chủ yếu theo phương thức chăn thả tự nhiên, chạy đồng, tuy nhiên cách chăn nuôi này đặt ra nhiều rủi ro về dịch bệnh và là rào cản chính cho sản phẩm từ vịt của Việt Nam gia nhập thị trường thế giới. Hiện với sự tham gia của 2 doanh nghiệp, cả hai vấn đề con giống và cách chăn nuôi đang dần dần có hướng tháo gỡ.
Theo ông Phạm Cao Bằng, Giám đốc Khối Chăn nuôi, Tập đoàn Mavin (1 trong 2 doanh nghiệp hiện đang tham gia chăn nuôi vịt), Mavin sẽ tập trung vào các giải pháp cải tiến giống và sẽ là công ty đầu tiên áp dụng mô hình chăn nuôi bán công nghiệp tại Việt Nam để cải thiện năng suất.
Trong mô hình nuôi bán công nghiệp mà Mavin là doanh nghiệp duy nhất triển khai hiện nay, hộ chăn nuôi có từ 1 ha trở lên (có ao hoặc không có ao) có thể lựa chọn hình thức nuôi chuồng kín hoặc chuồng hở từ 10.000 vịt. Mavin cũng áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi vịt như cho ăn, cho uống nước tự động, thức ăn do chính hệ thống Mavin cung cấp không có kháng sinh, vịt được tiêm phòng định kỳ và theo dõi sức khỏe thường xuyên, nhờ đó giảm hao hụt trong chăn nuôi, rút ngắn thời gian xuất chuồng. Mô hình này giúp quản lý tốt dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học, kể cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vịt vẫn phát triển và đẻ trứng bình thường. Đồng thời, với nguồn giống vịt nhập khẩu từ Pháp và Anh, được Mavin chọn tạo phát triển các giống vịt chất lượng, cho năng suất cao, giảm tỷ lệ hao hụt và ít tốn cám, giúp tăng hiệu quả chăn nuôi.
Hiện Mavin đã phát triển 03 trang trại chăn nuôi vịt tại Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Bình với tổng công suất cung cấp tới 12 triệu vịt mỗi năm. Mavin cũng đang tiếp tục mở rộng liên kết với các hộ chăn nuôi theo mô hình bán công nghiệp để phát huy thế mạnh các bên. Dự kiến đầu năm 2019 Mavin sẽ cung cấp sản phẩm vịt thịt ra thị trường, với thương hiệu Vịt thương phẩm Mavin Grimaud. Tập đoàn này cũng cho biết, với các cải tiến về giống và phương thức chăn nuôi sẽ đặt mục tiêu chiếm lĩnh 40% thị phần vịt tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
“Mavin là một trong những công ty duy nhất tại Việt Nam sở hữu chuỗi giá trị khép kín “Từ Nông trại tới Bàn ăn”. Đó là một lợi thế để chúng tôi phát triển bất kỳ hoạt động chăn nuôi con giống nào, trong đó có cả vịt. Chăn nuôi vịt cũng sẽ theo chuỗi khép kín từ khâu cải tiến con giống, kỹ thuật chăn nuôi cho tới tự cung cấp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và cuối cùng là giết mổ, chế biến theo chuẩn HACCP và ISO 22000”, Giám đốc Khối chăn nuôi Mavin cho biết.
Năm 2013, Mavin đã đầu tư Nhà máy chế biến thực phẩm tại Hà Nam với công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm, đạt chuẩn HACCP và ISO 22000. Đây là mắt xích cuối cùng trong chuỗi giá trị trong chăn nuôi của Mavin, chịu trách nhiệm chế biến toàn bộ các sản phẩm thịt từ hoạt động chăn nuôi của Tập đoàn. Hiện Mavin đang nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chế biến từ cá, thịt gà và vịt, phục vụ nhu cầu trong nước và sẽ hướng tới xuất khẩu ra thế giới.
Vịt thương phẩm Mavin Grimaud
Theo các chuyên gia, triển vọng của ngành chăn nuôi vịt trong các năm tới là tích cực, đặc biệt đối với các mô hình chăn nuôi cho sản phẩm đầu ra chất lượng cao. Bởi sẽ có sự dịch chuyển cơ cấu mạnh mẽ theo hướng chăn nuôi tập trung, chất lượng cao, an toàn thực phẩm. Điều này phù hợp với xu thế chung của ngành chăn nuôi và xu hướng phát triển trình độ tiêu dùng. Nếu đón được hướng chuyển dịch này sẽ thay đổi được bản chất của ngành chăn nuôi vịt, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
“Về mặt dinh dưỡng, các chuyên gia không khẳng định được thịt vịt tốt hơn hay thịt gà tốt hơn. Tuy nhiên, thịt vịt được đánh giá có thành phần dinh dưỡng tương đối cân bằng. Trong thời gian tới thịt vịt cũng vẫn là món ăn chính của người Việt ở Miền Nam, và sẽ phổ biến hơn ở Miền Bắc. Còn ở thế giới, không chỉ là món ăn phổ biến ở các nước Châu Á, khách hàng châu Âu như: Hungary, Ðức, Hà Lan, Pháp... cũng dần nhận ra tác dụng và giá trị dinh dưỡng của thịt vịt, do vậy nhu cầu nhập khẩu thịt vịt tăng vào châu Âu liên tục tăng. Đây là động lực mạnh mẽ để phát triển ngành chăn nuôi vịt”, đại diện Tập đoàn Mavin phát biểu.
Nguồn: Báo Dân Việt (Link bài viết: http://danviet.vn/kinh-te/dua-vit-nuoi-ra-thi-truong-the-gioi-948283.html)