Ngày 24/04/2024, tại huyện Thường Xuân – tỉnh Thanh Hóa, trong khuôn khổ Dự án tài trợ sinh kế cho cho người dân tại một số địa bàn khó khăn của Việt Nam, Tập đoàn Mavin phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision Việt Nam) đã tổ chức tập huấn và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt thịt.
Sự kiện tập huấn có sự tham gia của 120 hộ nông dân nghèo đến từ 6 xã: Lương Sơn, Thọ Thanh, Xuân Cao, Luận Thành, Luận Khê và Thị trấn Thường Xuân, cùng cán bộ thú y cơ sở và các cộng tác viên địa phương của World Vision Việt Nam.
Cán bộ kỹ thuật Mavin hướng dẫn bà con quy trình chăn nuôi vịt thịt
Tại buổi tập huấn, cán bộ kỹ thuật Mavin đã chia sẻ về quy trình chăn nuôi vịt thịt từ giai đoạn úm vịt cho đến khi xuất chuồng, bao gồm: hướng dẫn về kỹ thuật làm chuồng trại, vệ sinh chuồng trại, cách chăm sóc và nuôi dưỡng vịt, cách phối trộn thức ăn bằng các phụ phẩm nông nghiệp... Đặc biệt, chủ đề phòng ngừa dịch bệnh được bà con quan tâm và đặt nhiều câu hỏi như: các bệnh thường gặp, cách phòng ngừa, thuốc và vắc xin liên quan, cũng như các lưu ý quan trọng liên quan tới sức khỏe của vịt mà bà con hay gặp phải trong quá trình chăn nuôi.
Để hỗ trợ tốt nhất, các cán bộ kỹ thuật của Mavin cũng khảo sát thực tế tại nhà một số hộ dân và đánh giá về điều kiện chăn nuôi, hướng dẫn cách cải tạo chuồng trại đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi phát triển tốt nhất mà không phát sinh nhiều chi phí.
Khảo sát thực tế điều kiện chuồng trại tại nhà một hộ dân
Theo kế hoạch, sau khi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, dự kiến ngày 16/05/2024, Mavin và World Vision sẽ tổ chức trao tặng 12.000 con vịt giống Mavin Cherry và gần 50 tấn thức ăn chăn nuôi cho các hộ dân. Trước đó, Mavin cũng sẽ có các chương trình đào tạo, khảo sát thực địa để hướng dẫn bà con các bước chuẩn bị tốt nhất cho chăn nuôi hiệu quả cao.
Bà con huyện Thường Xuân tham gia đào tạo về quy trình chăn nuôi vịt
Trong giai đoạn 3 năm từ 2022 - 2024, Tập đoàn Mavin và World Vision Việt Nam đã phối hợp thực hiện gói hỗ trợ sinh kế trị giá 100.000 USD tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hơn 400 hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số, có phụ nữ và trẻ em đã nhận được giúp đỡ của chương trình. Theo thống kê các năm vừa qua, các hộ gia đình sau khi tham gia chương trình này bên cạnh thêm thu nhập cải thiện cuộc sống còn đạt được mục tiêu quan trọng nhất là cải thiện sinh kế, tự tin tiếp tục chăn nuôi vịt, làm chủ một nghề để thoát nghèo. Mỗi hộ gia đình cũng sẽ tiếp tục đóng góp khoảng 10% thu nhập từ chương trình vào quỹ chung để lan tỏa mô hình chăn nuôi và hỗ trợ các hộ nghèo khác trên địa bàn.